Chương trình du lịch mang tên “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” được Sở Du lịch TP.HCM xây dựng thu hút khách du lịch hàng tuần, nhất là vào những dịp lễ lớn như 30-4 và 1-5. Tour đưa du khách đến với những địa điểm hoạt động của mạng lưới biệt động trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, mang đến cho du khách trong và ngoài nước những hồi ức đẹp về văn hóa lịch sử TP.HCM nói chung và biệt động Sài Gòn nói riêng.
Du khách tìm hiểu những dụng cụ mà chiến sĩ biệt động Sài Gòn từng dùng
Hồi ức về lịch sử
Trong hành trình cùng đoàn khách trải nghiệm “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” mới đây, chúng tôi được hướng dẫn viên đưa tới là quán “Cà phê Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn” tại 113A Đặng Dung (Q.1). Bằng chất giọng trầm ấm cùng với sự am hiểu về kiến thức lịch sử Sài Gòn – TP.HCM, hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, trước đây căn nhà này là trạm giao liên và chủ nhân của ngôi nhà là chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai. Dưới vỏ bọc của một chủ thầu khoán tại Dinh Độc Lập, ông Lai đã dùng căn nhà này và nhiều địa điểm khác trong thành phố để vừa kinh doanh che mắt địch, vừa làm cơ sở cách mạng. Chính bức tường của quán cà phê trông rất bình thường nhưng được thiết kế đặc biệt, tạo nên căn hầm nổi cất giấu vũ khí, tài liệu quan trọng của các chiến sĩ biệt động. Sau ngày đất nước giải phóng, người con trai của ông Trần Văn Lai là ông Trần Vũ Bình đã dành nhiều công sức, tâm huyết để theo đuổi quá trình phục dựng nhiều điểm căn cứ biệt động Sài Gòn để du khách và thế hệ trẻ biết được một thời hào hùng của cha ông.
Địa điểm tiếp theo mà chúng tôi di chuyển đến là ngôi nhà số 145 Trần Quang Khải (Q.1). Hiện nơi đây không chỉ là nơi lưu giữ rất nhiều hình ảnh, hiện vật từ nhiều trận đánh của lực lượng biệt động Sài Gòn mà đã là một bảo tàng công nghệ cất giữ, tái hiện các sự kiện mang giá trị lịch sử thể hiện bằng công nghệ trình chiếu 3D – Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Một điều thú vị ngay khi bước vào cửa tầng 1 là được trải nghiệm đi chiếc thang máy cổ có từ thời Pháp thuộc có một không hai để lên tham quan không gian trên tầng của ngôi nhà này. Để che mắt địch, nơi đây từng là cơ sở sản xuất rèm cửa, ghế nệm, sofa.
Các em học sinh trải nghiệm thực tế tại biệt động Sài Gòn
Sài Gòn – TP.HCM là mảnh đất có nhiều di sản, di tích lịch sử độc đáo gắn với lịch sử hình thành và phát triển không chỉ của thành phố mà còn gắn với lịch sử hào hùng của Việt Nam. Trong đó, hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn là một trong những nét độc đáo, thú vị, hấp dẫn sự chú ý của du khách trong và ngoài nước khi tìm hiểu về lịch sử Sài Gòn – TP.HCM. |
Tiếp đến, chúng tôi được di chuyển đến địa chỉ 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) – nay đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây lưu giữ một công trình ngầm được thiết kế để chứa vũ khí. Phải mất khoảng gần ba năm trong giai đoạn từ 1965 đến 1968, hai vợ chồng ông Trần Văn Lai bí mật đào, gia cố chống sập để tạo nên ba căn hầm lớn chứa khoảng hai tấn vũ khí chuẩn bị phục vụ cho việc tiến công vào các cứ điểm quan trọng của đối phương. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều kỷ vật của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn xưa như chiếc xe Citroen cổ đặc biệt gắn với nhiều câu chuyện thú vị của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai.
Điểm cuối của hành trình, chúng tôi di chuyển đến Dinh Độc Lập và cùng nhau thành kính thắp nén nhang trước bia tưởng niệm những chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Nhiều người trong đoàn chia sẻ cảm xúc nghẹn ngào khi đã hiểu được giá trị xương máu của độc lập hôm nay từ những câu chuyện sống và chiến đấu của những chiến sĩ biệt động can trường ngày nào.
Sản phẩm du lịch đặc sắc
Theo Sở Du lịch TP.HCM, tour du lịch “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” triển khai hơn 2 năm qua, được xem là sản phẩm du lịch đặc sắc của TP.HCM. Tour kể lại những câu chuyện về các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa một cách trực quan, sinh động qua 4 điểm tham quan như một hành trình theo dấu chân các chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Ông Lê Phong Trần (Giám đốc Thị trường du lịch quốc tế Vietluxtour) cho biết, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng sản phẩm biệt động Sài Gòn, đa dạng ở tuyến điểm và thị phần khách để lan tỏa hơn nữa các giá trị ý nghĩa của điểm đến. “Chúng tôi kỳ vọng chương trình “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” không chỉ thu hút du khách quốc tế mà sẽ trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của thành phố, tạo dấu ấn độc đáo, ý nghĩa với du khách ở các tỉnh thành khác trong cả nước”, ông Trần nói.
Chi đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM cùng sinh viên Lào – Campuchia tham quan biệt động Sài Gòn
Chia sẻ về cảm xúc sau khi ghé thăm các di tích chương tour du lịch “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”, bà Sandra Raison (một du khách Australia trong đoàn) cho biết, bà rất ấn tượng và thích thú khi được nghe câu chuyện về những chiến sĩ biệt động Sài Gòn. “Tôi cảm kích lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ với quyết tâm giành lại độc lập”, bà Sandra Raison chia sẻ.
Anh Trần Quốc Khang (một du khách) chia sẻ, anh vừa đặt tour qua mạng vào tối hôm qua và sáng nay được tham gia chương trình. Đối với anh, tour là một hành trình độc đáo khi được tìm hiểu về công việc, cuộc sống của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa mà không phải ai cũng có thể biết được.
Ông Trần Vũ Bình (con trai của cố chiến sĩ biệt động Sài Gòn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, người đã tâm huyết nhiều năm phục dựng lại các điểm căn cứ biệt động Sài Gòn) chia sẻ: “Tôi thật hạnh phúc khi các hoạt động hào hùng một thời của bao lớp cha chú trong lực lượng biệt động Sài Gòn được tái hiện và được du khách quan tâm. Tôi mong muốn thông qua chương trình du lịch này, “mạng lưới biệt động” sẽ được tái hiện lại và người dân, du khách được “theo dấu chân biệt động” để hiểu hơn về sự gan dạ và đầy mưu trí của các chiến sĩ biệt động năm nào”.
Khánh Kiều
Bình luận (0)