Tái hiện lại vùng giải phóng với những hoạt động của người dân như đào địa đạo, đan lát dưới ánh trăng, thanh niên đăng ký tòng quân đánh giặc, xay lúa, giã gạo… Tour du lịch “Trăng chiến khu” do Sở Du lịch TP.HCM cùng Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi thực hiện đã để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng khách tham quan.
Cảnh văn công biểu diễn phục vụ người dân, du kích, bộ đội
Ở đó, du khách như được quay ngược thời gian trở về những năm tháng chiến tranh để chứng kiến tinh thần đấu tranh quyết liệt của dân tộc ta với khát vọng giành lại hòa bình, thống nhất đất nước.
Thêm sản phẩm du lịch mới
“Trăng chiến khu” lấy ánh trăng làm chủ đạo. Bối cảnh là ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi giai đoạn 1961-1964. Trong hành trình tham quan, du khách được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt về đêm của người dân Củ Chi trong vùng giải phóng qua từng cảnh được dàn dựng kỹ lưỡng, chân thật.
Đầu tiên, du khách được nhìn thấy cảnh người dân, du kích, bộ đội, thanh niên tham gia đào địa đạo với chiều dài hơn 250km trải dài 6 xã phía Bắc của huyện Củ Chi. Sau đó, du khách được đến nhà hai vợ chồng (chồng làm du kích, vợ làm giao liên). Họ sống bằng nghề tráng bánh, nấu rượu trong căn nhà lá đơn sơ cùng với những đồ dùng sinh hoạt cũ kỹ. Đó cũng là cách họ che mắt kẻ thù để âm thầm giúp đỡ đồng đội chiến đấu. Dù sống trong thời chiến tranh bom đạn đối mặt với sự sống và cái chết trong gang tấc nhưng hai vợ chồng rất vui vẻ, hạnh phúc. Trong lòng hai vợ chồng họ lúc nào cũng sáng bừng khát vọng ngày đất nước được độc lập, tự do.
Cảnh người dân, du kích, bộ đội, thanh niên tham gia đào địa đạo
Tiếp nối hành trình tham quan, du khách đến với làng nghề truyền thống với hoạt động chẻ nang đan bồ, rổ, rá, ky, vừng, sàng… dưới ánh trăng cùng ngọn đèn dầu leo lắt của một gia đình có truyền thống cách mạng.
Bên cạnh đó, khách tham quan còn được chứng kiến cảnh thanh niên đăng ký tòng quân đánh giặc từ nội thành, trong ấp chiến lược, ở các xã lân cận. Đây là cảnh xúc động vì thanh niên đều ở tuổi 18, 19, 20 nhưng phải lên đường. Con đường ấy có biết bao hiểm nguy, thử thách mà nếu ai đã đi khó có thể quay trở về vì bom đạn có thể khiến họ hy sinh bất cứ lúc nào. Trong cảnh đó, du khách còn thấy những người mẹ già bịn rịn tiễn đứa con trai duy nhất của mình lên đường đánh giặc. Người mẹ thương con nhưng đành chấp nhận cho con đi với quyết tâm, cống hiến vì lý tưởng cách mạng của lớp cha anh đi trước. Cũng có những thanh niên chia tay vợ cùng đứa con mới sinh vài tháng tuổi để tòng quân. Nhìn cảnh chia tay không hẹn ngày về của những thanh niên với người thân khiến du khách có những giây phút lắng đọng.
Ông Nguyễn Minh Tâm (Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi) cho biết, tour tham quan “Trăng chiến khu” lấy ánh trăng làm chủ đạo, tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt về đêm của người dân Củ Chi sống trong vùng giải phóng. Tour “Trăng chiến khu” được đưa vào thực hiện góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch mới phù hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị để thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm. Qua đó, tiếp tục phát huy hình ảnh TP.HCM là điểm đến hấp dẫn, an toàn sống động”. |
Tiếp đến, du khách được hướng dẫn tham quan trạm thông tin – nơi người dân trong xóm tập trung nghe cán bộ thông báo tình hình chiến sự, tình hình đào địa đạo và phổ biến những quy định mới cho người dân thực hiện. Đặc biệt, du khách còn được nghe đồng chí Bí thư chi bộ thường lui tới thăm hỏi, động viên người dân tăng gia sản xuất… xay lúa, giã gạo để chuẩn bị tích trữ lương thực phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt.
Chân thật và sinh động
Sau khi dừng chân nghỉ ngơi, du khách tiếp tục đến với cảnh thanh niên, trai, gái trong ấp cùng du kích, bộ đội cấy lúa, hò đối đáp nhau dưới ánh trăng. Đây là một trong những cảnh thanh bình hiếm hoi và đẹp nhất ở Củ Chi trong giai đoạn chiến tranh ác liệt.
Ngoài ra, du khách còn được thấy cảnh họp chợ quê vào ban đêm. Ở đây, du khách có thể dừng chân thưởng thức ly cà phê nóng hổi, nhâm nhi tách trà nóng thơm lừng mùi lá dứa cùng những món ăn dân dã của địa phương như khoai mì, khoai môn, đậu phộng rang, hủ tiếu, cháo gà.
Người dân xay lúa, giã gạo để chuẩn bị tích trữ lương thực phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt
Điểm cuối cùng trong chuyến hành trình tham quan “Trăng chiến khu” là cảnh văn công biểu diễn phục vụ người dân, du kích, bộ đội. Đây cũng là nội dung chính của chương trình, du khách có cảm nhận khó quên khi xem các tiết mục của nghệ sĩ trên sân khấu dã chiến với cảnh trí đơn sơ mới được lắp dựng vội vã dưới tán cây rừng.
Lần đầu tiên trải nghiệm tour du lịch vào ban đêm, anh Trần Văn Nam (du khách) chia sẻ: “Trải nghiệm tour du lịch vào ban đêm ở Củ Chi tôi cảm giác giống như thực tế. Qua từng cảnh được dàn dựng cho tôi một sự trải nghiệm chân thật như mình là một phần những người chiến sĩ tham gia cuộc chiến”.
Trong khi đó, anh Hoàng Anh (Công ty Hoff On – Hoff Off Việt Nam) cảm nhận: “Theo tôi tour du lịch này sẽ mang đến nhiều trải nghiệm tuyệt vời cho du khách nước ngoài – những người chưa từng trải qua khám phá làng quê của Việt Nam. Còn đối với người Việt Nam, họ sẽ hiểu hơn về lịch sử nước mình cũng như cho thế hệ sau này biết về những giai đoạn khó khăn mà đất nước mình đã trải qua để hun đúc thêm tinh thần yêu quê hương, đất nước”.
Hồ Trinh
Bình luận (0)