Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trái tim một người lính!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngoài 3 người con đẻ, anh còn nhặt nhạnh về cho vợ những đứa trẻ mồ côi lang thang; rồi anh đưa cả những đứa trẻ tật nguyền về nuôi dưỡng, cho học chữ, học nghề… Tính đến nay, vợ chồng anh đã có tới hàng nghìn đứa con.

Anh đón chúng tôi bằng cái bắt tay nồng nhiệt; nhưng qua ánh đèn buổi chạng vạng, chúng tôi vẫn kịp nhận ra hình như anh già hơn rất nhiều so với tuổi 43 của mình. Khi xuất ngũ, với hai bàn tay trắng anh bắt đầu nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, tật nguyền. Để có điều kiện làm việc thiện, có khi anh phải thế chấp chính ngôi nhà gia đình mình đang sống.  

Đó là người lính Phạm Công Ngụ – Giám đốc trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thạch Đỉnh – Thạch Hà – Hà Tĩnh gió lào và cát trắng, hơn ai hết anh Phạm Công Ngụ thấm thía cái đói cái nghèo của con người nơi đây. 

 Trụ sở trung tâm Thành Sen nơi nuôi, dạy nghề cho người khuyết tật. (Ảnh Văn Tuân)

Cho tiền, cho gạo chẳng bằng nghề 
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen là công trường xây dựng còn đang bề bộn xi măng cát sỏi, những ngôi nhà mới xây chưa kịp lợp mái, những đứa trẻ tật nguyền lấp ló đâu đó.
Những trẻ em khuyết tật được anh đưa về trung tâm để dạy nghề không hoàn toàn giống như những đứa trẻ khác. Các em có sở thích, có mơ ước và cả những “phiền toái” đặc thù. Nhiều sinh hoạt “kỳ dị” trong cuộc sống đời thường của đám trẻ khiến chúng ta muốn khóc. Có nhiều đứa trẻ đùa nhau mà chẳng thể ầm ĩ. Lại có những đứa ngồi lặng lẽ suốt ngày, khuôn mặt bình thản, đôi mắt sâu hút hắt. 
Trung tâm của anh nằm ở cuối thành phố Hà Tĩnh, ngay mặt đường quốc lộ 1A, bên cạnh hạ nguồn hồ Kẻ Gỗ. Đây là trụ sở chính của hệ thống những xưởng nuôi dưỡng, dạy nghề của trung tâm Thành Sen với 240 đứa trẻ mồ côi, tật nguyền đang sống, học tập và làm việc.   
Vẫn còn vô vàn khó khăn thiếu thốn ở công trường dang dở đang chờ có tiền để hoàn thiện nốt nhưng anh Ngụ cùng vợ vẫn đảm bảo cho các cháu một chỗ nằm và bữa cơm no bụng. “Thế là cũng đỡ lắm rồi. Ngày xưa, chúng tôi nghèo lắm!”. Anh thủ thỉ tâm sự: “Tôi là con chim kiếm mồi về tổ, chỉ mong sao kiếm đủ chút cơm cho các cháu ăn”.
Năm 1993, anh xuất ngũ về quê. Cuối năm, anh lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Hồng Vinh. Mối tình của hai người đẹp như một cuốn tiểu thuyết. Ngày còn trong quân ngũ, anh vô tình đọc được tâm sự của một cô gái, một cô giáo tương lai xứ Nghệ trong mục kết bạn trên báo. Anh viết thư cho cô, những lá thư bằng thơ đầy tài hoa của một chàng trai có tâm hồn nghệ sĩ. Cô gái cảm cái tài và cái tâm của anh nên sau ngày ra trường, cô cầm tờ thư trên tay, lặn lội về tận miền quê Thạch Đỉnh – Thạch Hà  – Hà Tĩnh tìm anh.  
Chị – cô gái đó – là món quà cuộc đời ban cho anh để anh yên tâm làm việc thiện cho đời. Các con của anh, cháu lớn mới 13 tuổi, cháu bé nhất vẫn chưa tròn bảy tháng tuổi. Bé lớn Trâm Anh đã đạt giải nhất cuộc thi “Thiếu nhi Việt Nam viết bài và vẽ tranh về môi trường xanh – sạch – đẹp” do báo Nhi Đồng và trung tâm Dân số, sức khỏe và môi trường tổ chức năm 2007. Bé thứ hai Quỳnh Anh mới học lớp 2 đạt giải nhất cuộc thi “Rung chuông vàng” do sở giáo dục Hà Tĩnh tổ chức năm 2008. 
Chúng tôi thực sự bất ngờ trước lời chia sẻ của anh: “Những tài sản của tôi, sau này tôi sung công toàn bộ. Làm việc thiện không bao giờ được mưu lợi cá nhân. Tôi không lấy gì của bố mẹ tôi thì con cái tôi cũng phải lao động”.     
Hơn mười lăm năm rồi, anh đi khắp nơi mang những đứa con tật nguyền về cho chị. Chị giang rộng vòng tay yêu thương đón nhận như chính những đứa con mình đứt ruột đẻ ra. Không một lời than phiền, chị đã trở thành hậu phương vững chắc nhất cho một người lính giữa thời bình. 
Năm 1994, anh chính thức nhận nuôi 5 cháu mồ côi, không nơi nương tựa. Công việc khắc bia mộ, đẽo đá kham khổ mà không đủ nuôi các cháu, anh thế chấp ngôi nhà của mình để ổn định cuộc sống tạm thời. Anh bắt đầu dạy các cháu học nghề. Những ngày khỏe mạnh đã vất vả, những khi các cháu đau ốm, cay cực trăm phần. Cháu nào học được tiếp, anh nuôi cho đi học.
Năm đứa bé mồ côi ngày nào anh nuôi dưỡng, giờ bay đi trăm ngả. Anh Nguyễn Thanh Tùng, một trong năm đứa bé ấy, giờ đang học thạc sĩ tại đại học Huế, có một công ty riêng. Anh Nguyễn Anh Dũng là chủ một hiệu sản xuất lớn, anh Nguyễn Trường Hiệp lấy vợ, sống tại Hương Khê, kinh tế rất khá giả… 
Anh bắt đầu nhận nuôi cả những đứa bé tật nguyền. Anh phải kiên trì cầm tay chỉ việc cho từng đứa con. Đứa bị tật chân, anh xếp cho con điêu khắc mộ, học may, kẻ biển vi tính. Đứa tật chân giúp đứa tật tay di chuyển. Nhiều đứa bị nặng, ngồi một chỗ, anh bón cơm, chăm lo đến từng giấc ngủ. Không phải một ngày, một tháng, anh cứ lặng lẽ một đời như thế. 
Đến ngày anh nuôi 15 cháu, có một xưởng sản xuất nho nhỏ, kinh tế mới dư dật một chút, anh lại về những trường học ở huyện Kỳ Anh mua bảo hiểm thân thể cho những cháu mồ côi, tật nguyền ham học. Nhiều năm như vậy, nhưng anh rút ra rằng: cho các cháu cơm ăn, áo mặc chẳng bằng cho các cháu một nghề nghiệp để kiếm sống. Sau những trăn trở, anh Phạm Công Ngụ cùng người vợ của mình quyết định mở rộng trung tâm nhận nuôi dưỡng và dạy nghề cho tất cả những mảnh đời bất hạnh muốn đến với anh. 
Tôi dạy các cháu làm người trước, làm nghề sau!
Hiện nay, cơ ngơi của anh đã có 3 cơ sở chi nhánh tại tỉnh Hà Tĩnh, một cơ sở tại Quảng Điền – Huế và một cơ sở tại Nghệ An. Anh có mười lớp dạy nghề: điêu khắc, thủ công mỹ nghệ, hội họa quảng cáo, mộc dân dụng, cơ khí, may công nghiệp, tin học, xây dựng đặt cở sở khắp miền Trung… Gần như tự lực cánh sinh, chỉ bằng hai bàn tay của mình, nuôi ăn, nuôi học, nuôi nghề cho hơn một nghìn đứa con mồ côi khuyết tật, anh luôn phải suy nghĩ làm sao phải kiếm được tiền trang trải.  
Đã có lần đồng chí Phạm Thế Duyệt về thăm trung tâm của anh, xúc động mà hỏi rằng: “Tôi và anh cùng họ Phạm, sao anh lại có được nhiều con đến thế?”. Anh thẳng thắn trả lời: “Ngoài cái tâm ra, mình phải cần tư duy kinh tế và lòng dũng cảm”. Tôi hiểu những tâm sự của anh. Bởi trong gia đình anh hiện tại có 240 đứa bé mồ côi tật nguyền cùng hàng chục giáo viên dạy nghề. Điều đó đồng nghĩa, mỗi tháng anh phải bươn trải kiếm ra hơn hai trăm triệu tiền lãi để duy trì trung tâm.  
Hơn một nghìn đứa trẻ mồ côi, khuyết tật anh nuôi dưỡng là hơn một nghìn đứa con của anh. Những đứa trẻ khuyết tật đau ốm liên miên. Anh phải mua riêng một chiếc xe khách cỡ nhỏ để đưa các cháu đi bệnh viện khi cần. Có lần 5 cháu cùng mắc bệnh nặng phải ra điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn, anh đã phải bán nhiều tài sản có giá trị trong nhà để cứu chữa cho các cháu.
Câu răn dạy của anh với các con: “Con đường duy nhất để các con đi đến thành công là học tập và lao động”. Dưới bàn tay chai sần và nước da sạm nắng của anh, những mảnh đời cứ thế nương tựa vào nhau mà sống.
Đã bước sang cái tuổi nhẽ ra được nghỉ ngơi, vậy mà anh vẫn định mở rộng trung tâm đón thêm nhiều em có hoàn cảnh bất hạnh về chăm sóc. Anh hào hứng giới thiệu với chúng tôi đâu là nhà trẻ, nơi những đứa con tật nguyền của anh yêu thương nhau lập gia đình, gửi con cái sau này. Nhiều mái ấm gia đình nhỏ nảy mầm từ trung tâm của anh. Anh vun đắp làm chủ, xây nhà, mở xưởng cho các con. Những cặp gia đình anh Khế, chị Vinh, anh Tám, chị Tư…là những mầm sống người lính Phạm Công Ngụ gieo vào cuộc đời này.
Năm nào, anh cũng lặn lội về các địa phương nhờ chính quyền xã xem giúp em nào có hoàn cảnh mồ côi, tật nguyền. Anh đến tận nhà động viên các cháu, động viên gia đình cho con cái đến anh nuôi dưỡng, dạy nghề, tạo việc làm miễn phí.
Thời gian này, vào buổi tối anh vẫn đang theo học đại học tại chức ngành quản trị kinh doanh tại đại học Vinh. Quãng đường hơn 60 km bằng xe máy không phải là đơn giản với người đã có tuổi như anh. Nhưng anh muốn lấy mình làm gương cho những đứa con và quan trọng hơn, anh học để tìm những tri thức mới, tìm ra đường đi mới cho con đường con đầy khó khăn, thử thách của mình.
Cho đến nay trung tâm của anh nuôi dưỡng, dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ mồ côi, khuyết tật mà chưa cần sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện nay, người cha Phạm Công Ngụ và những em bé tật nguyền đang cần lắm sự quan tâm chia sẻ của các tổ chức xã hội để hoàn thành những dãy nhà còn dang dở, khu nhà trẻ chưa có mái che…    
                                                                                             Anh Thế – Đô Quốc (Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)