Đối mặt với áp lực học hành, kỳ vọng của người lớn, nhiều học sinh, sinh viên đang căng thẳng, đuối sức, bị trầm cảm, rối loạn lo âu. Ai giúp thanh thiếu niên giải tỏa những áp lực này để tránh rơi vào ngõ cụt?
Hãy cho các em cuộc sống đầy ắp tiếng cười
Ước muốn con cái… thành “ngôi sao”
Thời nay, nhiều gia đình hiện đại chỉ có từ 1 đến 2 con, vì thế, con cái không chỉ là tài sản mà còn được ví như “vàng ròng”. Vì yêu thương con quá mức, nhiều bậc cha mẹ còn ảo tưởng về sự giỏi giang, tài năng siêu phàm của con mình khi chúng đạt được một số thành tích trong học tập, rèn luyện kỹ năng… Và hệ quả của sự sủng ái, tôn vinh con cái quá mức đang khiến nhiều đứa trẻ bị đẩy lên quá cao và chúng cũng ngộ nhận mình tài giỏi hơn bạn bè.
Một giáo viên chủ nhiệm ở trường tiểu học có thương hiệu ở quận trung tâm bức xúc: “Khi thấy em B học chểnh mảng, điểm số đi xuống, tôi điện thoại trao đổi ngay với phụ huynh nhưng bị phản ứng dữ dội.
Bà mẹ còn khẳng định như đinh đóng cột: “Con trai tôi có năng khiếu về mọi lĩnh vực, học giỏi và sẽ thành tài. Từ nhỏ, thầy bói đã khẳng định như thế…”. Nghe bà mẹ bộc bạch về khả năng học giỏi đã được dự báo của con mình, cô giáo chủ nhiệm cũng “chào thua” tư duy thiển cận của phụ huynh này.
Một phụ huynh mắc bệnh thành tích khác khẳng định: “Truyền thống gia đình tôi, từ ông bà đến và thế hệ thứ ba là các cháu đều học giỏi, thành đạt. Vì thế chúng tôi không thể chấp nhận sự thật con mình không đạt danh hiệu học sinh giỏi…”. Theo giáo viên chủ nhiệm của con phụ huynh trên, bà mẹ tác động để nhà trường “chiếu cố” sửa điểm cho con mình đạt danh hiệu học sinh giỏi như nhiều học sinh trong lớp. Tất nhiên, yêu cầu về thành tích ảo này không được đáp ứng.
Chạy theo trào lưu mới, nhiều bà mẹ sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc đầu tư cho con học thêm đủ thứ từ kiến thức, mở mang trí tuệ siêu phàm đến phát triển các kỹ năng trở thành người thông minh, thiên tài… Họ luôn tin tưởng con mình sẽ trở thành “ngôi sao sáng”. Vì thế, trong các cuộc tranh tài, đọ sức ở trường lẫn các sân chơi, nếu con không có thành tích, thứ hạng cao như mong muốn, họ tỏ ra thất vọng, chì chiết, trách móc con cái. Vì thế, ngoài phải gánh chịu áp lực, các em bị tước đoạt tuổi thơ, không còn thời gian để vui chơi, giải trí hoặc được làm điều mình yêu thích, đam mê…
Và những bi kịch chưa có hồi kết
T.T. học giỏi đều các môn và có năng khiếu nổi trội về nghệ thuật. Từ khi học phổ thông, em đã nuôi dưỡng đam mê sau này học ngành thiết kế thời trang. Tuy nhiên cha mẹ em nhất quyết phản đối, hướng con thi vào đại học y dược. Không thể cãi lời, T.T. đăng ký thi theo ước vọng của cha mẹ và đậu trong niềm vui đầy tự hào của bậc sinh thành.
Thế nhưng, học hết năm thứ 2, T.T. quyết nghỉ học để thi lại vào ngành thiết kế thời trang. Bị cha mẹ kịch liệt phản đối, chì chiết, thậm chí dọa cắt tài chính nếu bỏ học ngành y dược, T.T. đã uống thuốc ngủ tự vẫn. Rất may sự việc được phát hiện sớm và em được cứu chữa kịp thời nên không mất mạng oan uổng.
Theo các chuyên gia tâm lý, ở Việt Nam, số học sinh, sinh viên tự tử, bị trầm cảm vì áp lực học hành, thi cử và bị cha mẹ bắt chọn nghề theo ý muốn phụ huynh đang gia tăng. Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia trung bình mỗi năm khám và điều trị khoảng 40.000 bệnh nhân nội trú và ngoại trú, trong đó, 10% là học sinh, sinh viên.
Tương tự, số liệu của Khoa Tâm lý – Tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TPHCM cũng cho thấy, gần đây, mỗi năm có trên 33.000 lượt bệnh nhân trẻ em (từ 17 tuổi trở xuống) đến khám, điều trị và năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong số này, có gần 2.000 ca bị rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu do những căng thẳng liên quan đến học tập, gia đình, môi trường sống, bạn bè…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng báo động này là do cha mẹ, nhà trường đã biến niềm vui học tập, khám phá tri thức thành áp lực, nặng nề như “quả tạ”. Để giành lấy phần thưởng, vị trí ngôi sao sáng, học sinh đã phải học ngày học đêm, nhồi nhét kiến thức quá mức và không còn thời gian để nghỉ ngơi, phục hồi thể lực. Vì chạy theo thành tích, kỳ vọng của người lớn, các em vừa đuối sức, chán học, dẫn đến rối nhiễu tâm trí, trầm cảm…
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phó Trưởng khoa Tâm lý – Tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết có nhiều ca được đưa đến phòng khám đã trở bệnh nặng, phải điều trị thời gian dài hoặc mất hẳn khả năng học tập, làm việc. Nhiều trường hợp ở dạng tâm thần phân liệt, hoang tưởng không chỉ rối nhiễu tâm trí, hành vi mà còn bộc phát bạo lực. Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, trong những ca bị trầm cảm không được tư vấn, điều trị đúng hướng, có đến 15-20% có hành vi tự sát.
Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và cộng đồng phải quan tâm đến đời sống tinh thần, sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên nhiều hơn. Đừng để những bi kịch xảy ra khi bóng đen trầm cảm nặng xô đẩy giới trẻ đến ngõ cụt tự tử, quyên sinh!
HẠ LY/SGGP
Bình luận (0)