Bệnh trầm cảm (depression) có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, và số lượng trẻ vị thành niên mắc bệnh cũng không phải là ít, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên
– Mất cảm giác ngon miệng và sụt cân là triệu chứng thực trạng của bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên.
– Trẻ mất ngủ thường xuyên hơn. Trẻ có thể thức suốt đêm để chơi game trên máy vi tính. Chính do thời gian tiếp xúc kéo dài với màn hình máy vi tính khiến cho tình trạng trầm cảm trầm trọng thêm. Vì vậy khi điều trị, gia đình cần cách ly trẻ với máy vi tính hoặc hạn chế trẻ sử dụng máy vi tính, nhất là chơi game.
– Dễ bị kích động, trẻ hay nổi cáu vô cớ. Trẻ có thể đánh bạn, đánh em, cãi lộn và biểu lộ nhiều hành vi hỗn láo với cha mẹ hoặc giáo viên…
– Trẻ bị mệt mỏi thường xuyên.
– Khó tập trung chú ý, vì vậy trẻ thường lơ đãng trong khi nghe giảng bài.
– Trí nhớ sút kém, do đó trẻ không nhớ được nội dung bài học và những điều cha mẹ, thầy, cô dặn dò.
– Học tập sút kém. Hầu hết các trẻ có kết quả học tập ngày kém dần, thi môn nào trượt môn đó.
– Trẻ hay có ý định và hành vi tự tử do chán nản, bi quan (do bị ảnh hưởng của chơi game bạo lực…).
– Hơn 90% số trường hợp trầm cảm ở trẻ vị thành niên sẽ tái phát cơn trầm cảm trong 1-2 năm sau khởi phát bệnh… Những đối tượng bệnh nhân này khi lớn lên có 60-70% nguy cơ tiếp tục có cơn trầm cảm. 19% số trường hợp trầm cảm ở tuổi học trò sẽ có cơn hưng cảm trong tương lai (tức là có khả năng phát triển thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực…).
Nguyên nhân cơ bản của bệnh
Nguyên nhân của bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do thiếu chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter) serotonin [5-hydroxytrytamine] hoặc [5-HT] trong khoang thần kinh vỏ não.Vì vậy, chấn thương tâm lý (học hành căng thẳng, thi trượt, mâu thuẫn trong gia đình…) chỉ đóng vai trò là yếu tố thuận lợi cho trầm cảm phát triển chứ thực ra không phải là nguyên nhân chính gây bệnh. Hơn nữa, tâm lý bị tổn thương chỉ có vai trò trong cơn trầm cảm tiên phát mà thôi, từ các cơn sau, chấn thương tâm lý không có vai trò gì cả, tức là trầm cảm tự phát triển không hề liên quan đến việc tâm lý bị tổn thương.
Những bệnh nhân này phải được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm (antidepressive drugs). Cần nhấn mạnh rằng các phương cách trị liệu khác như âm nhạc liệu pháp (musicotherapy), châm cứu (accupunture), thuốc Đông y (traditional medicine), đi nghỉ mát, thư giãn… hầu như không có hiệu quả gì đối với bệnh trầm cảm. Có thể dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng (như biệt dược Amitriptylin, Stablon…), đa vòng (như biệt dược Remeron…) hay thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thụ có chọn lọc serotonin. Cần lưu ý là trẻ phải được điều trị kéo dài để tránh tái phát. Thời gian điều trị tối thiểu là 12 tháng, nhưng thường phải chữa trị nhiều năm liên tục cho đến khi kết thúc quá trình học tập.
Khi phát hiện con mình biểu hiện các dấu hiệu của trầm cảm, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần (spychiatrists) thăm khám điều trị kịp thời hầu tránh những biến chứng khi trẻ trưởng thành sau này.
BS. PHẠM KHẮC TRÍ
Bình luận (0)