Trầm cảm mãn tính tác động đến phụ nữ trầm trọng hơn so với nam giới, làm suy giảm các mặt chức năng nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Hầu hết các cuộc điều tra về rối loạn trầm cảm trên thế giới và cả ở VN đều cho thấy tỉ lệ trầm cảm ở phụ nữ thường gấp đôi so với nam giới. Đặc biệt, sự khác biệt này chỉ thể hiện rõ nét trong khoảng thời gian từ lúc bắt đầu dậy thì đến tuổi trung niên, nghĩa là trong độ tuổi sinh sản của người phụ nữ.
Tác động của giới tính và xã hội
Đầu tiên, người ta nghĩ rằng tỉ lệ trầm cảm cao ở phụ nữ là do họ thường hay kể ra các triệu chứng và thường đi khám bệnh hơn. Nhưng sau đó người ta ghi nhận tỉ lệ trầm cảm cao ở phụ nữ cũng xuất hiện ở các cuộc điều tra trong dân chúng bình thường. Ngoài ra, trong giai đoạn của độ tuổi sinh sản, người phụ nữ chịu tác động của các dao động tăng lên hay giảm xuống của các hormone sinh dục (như estrogen và progesterone) vào mỗi kỳ kinh nguyệt hay lúc thai kỳ. Trên thực tế ở một số phụ nữ, bệnh lý trầm cảm thường xuất hiện hay nặng hơn vào thời điểm trước kỳ kinh, trong hay sau giai đoạn thai kỳ, tiền mãn kinh…
Một số yếu tố về mặt tâm lý và xã hội cũng có thể góp phần giải thích tại sao tỉ lệ trầm cảm ở phụ nữ thường cao hơn nam giới. Khi người phụ nữ gặp chuyện buồn thì họ có khuynh hướng thu rút vào bản thân và nghiền ngẫm nỗi buồn này nên dễ bị trầm cảm nặng và kéo dài. Một số yếu tố khác là so với nam giới, phụ nữ thường ở vào tình trạng địa vị xã hội thấp hơn, khả năng kinh tế kém hơn, nhiều phụ nữ phải đơn độc nuôi con, tỉ lệ phụ nữ bị bạo hành trong gia đình hay bị lạm dụng trong thời thơ ấu cao hơn, nếu phải vừa đi làm vừa lo việc nhà thì phụ nữ ít có thời gian giải trí, nghỉ ngơi hay dành cho bản thân hơn…
Phụ nữ có ý định tự tử gấp 3 nam giới
So với nam giới, ở phụ nữ có khuynh hướng xuất hiện nhiều triệu chứng trầm cảm hơn, cường độ triệu chứng nặng nề hơn và thường cảm thấy suy sụp hơn. Những triệu chứng thường xuất hiện ở phụ nữ như rối loạn giấc ngủ, vận động hay suy nghĩ chậm chạp, cảm giác bản thân mình vô giá trị hay nhiều tội lỗi, lo âu hoặc các triệu chứng cơ thể. Còn những triệu chứng không điển hình của trầm cảm như ngủ nhiều, ăn nhiều, thèm ngọt và tăng cân cũng thường hay xuất hiện ở phụ nữ hơn. Vì vậy, tỉ lệ phụ nữ có ý định tự tử cao gấp 3 lần so với nam giới nhưng tỉ lệ tử vong thật sự lại thấp hơn vì họ thường được cứu sống hơn.
Tỉ lệ rối loạn lo âu và rối loạn ăn uống kết hợp với trầm cảm ở phụ nữ cũng cao gấp 2 lần so với nam giới. Một số công trình nghiên cứu còn cho thấy trầm cảm ở phụ nữ có khuynh hướng kéo dài mãn tính và xuất hiện nhiều lần hơn. Trầm cảm mãn tính tác động đến phụ nữ trầm trọng hơn so với nam giới do tuổi phát bệnh thường sớm hơn, bệnh thường nặng hơn, suy giảm các mặt chức năng nhiều hơn, nhất là trong lãnh vực hôn nhân và gia đình.
Diệt trầm cảm từ stress
Hầu hết trước khi xảy ra các cơn trầm cảm, nhất là những cơn đầu tiên, thường có tác nhân stress. Do đó, nếu phòng ngừa và xử lý tốt các stress trong cuộc sống thì cũng góp phần phòng ngừa hay giảm nhẹ độ nặng của các cơn trầm cảm. Đầu tiên cần xác định nguyên nhân gây stress, xác định điều gì mình có thể làm để cải thiện tình hình, điều gì phải cần người khác giúp đỡ. Đồng thời cũng phải xác định người sẽ giúp mình hoặc người nên hỏi ý kiến trong tình huống gặp stress (đồng nghiệp, bạn bè, chuyên gia tâm lý…).
Quan trọng là phải chia các biện pháp giải quyết ra thành nhiều bước nhỏ để thực hiện theo thời gian biểu thì việc xử lý stress mới có hiệu quả. Song song đó áp dụng chế độ nghỉ ngơi thích hợp, các biện pháp thư giãn như tập thể dục thể thao, nghe nhạc, xem phim, hít thở sâu…
Theo BS Lê Quốc Nam
Gia đình
Bình luận (0)