Năm 2016 được đánh giá là năm có nhiều đột phá của ngành y tế TP.HCM trong việc mở rộng mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh 115 xuống các BV tuyến dưới với mục đích thiết thực là mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác cấp cứu người bệnh.
Trạm cấp cứu vệ tinh 115 của BV Gò Vấp |
Tính từ trạm cấp cứu vệ tinh đầu tiên tại BV Đa khoa Sài Gòn, đến nay toàn TP đã có 14 trạm cấp cứu vệ tinh 115 thuộc “chi nhánh” BV tuyến dưới trong đó có vài quận huyện ngoại thành.
Rút ngắn thời gian cấp cứu
Vào ngày 28-10-2016, tin vui thật sự đến với người dân Củ Chi khi Sở Y tế TP.HCM đặt điểm cấp cứu vệ tinh 115 thứ 14 tại BV huyện. ThS.BS Hồ Hải Trường Giang – Giám đốc BV huyện Củ Chi, huyện Củ Chi phấn khởi nói: “Khi nghe tin một số quận huyện khác được đặt trạm cấp cứu vệ tinh 115, chúng tôi cũng mong ước Củ Chi sẽ có ngày được khánh thành trạm cấp cứu vệ tinh 115 và niềm vui bây giờ đã trở thành sự thật”. Theo BS Trường Giang, việc thành lập thêm trạm cấp cứu 115 tại BV huyện Củ Chi sẽ giúp cho bệnh nhân được cấp cứu kịp thời dù địa phương ở cách xa trung tâm TP hơn 30km. Nhìn lại thời gian trước đây đã có nhiều trường hợp người bệnh chưa được cấp cứu nhanh vì đường sá xa xôi. Tình trạng tắc đường nhất là giờ cao điểm phổ biến như hiện nay cũng làm cho xe cấp cứu đến quá trễ. Đây là điều thật sự trăn trở đối với lãnh đạo ngành y tế và đội ngũ BS tại các BV tuyến dưới ở xa trung tâm TP. Gần đây nhất vào ngày 1-11 Sở Y tế TP.HCM cũng đã ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh 115 thứ 16 tại BV Nhà Bè.
Một mô hình mang lại hiệu quả thiết thực Mô hình vệ tinh cấp cứu 115 thực sự mang lại hiệu quả thiết thực nên đang được ngành y tế nhân rộng và quyết tâm khắc phục khó khăn để “phủ sóng”. BS Tăng Chí Thượng cho biết đến hết năm 2016, phấn đấu có được 18 điểm và đến năm 2017 kỳ vọng mỗi quận huyện sẽ có một trạm cấp cứu vệ tinh. Như vậy thời gian tới, Trung tâm Cấp cứu 115 TP chủ yếu chỉ làm công tác “chỉ đạo tầm xa” điều phối các trạm cấp cứu vệ tinh thay vì trực tiếp xuống hiện trường đi cấp cứu bệnh nhân như trước đây. |
BS Phạm Hoàng Hà – Phó Giám đốc BV Gò Vấp cho biết, trạm cấp cứu vệ tinh 115 là mô hình đầu tiên được BV Trưng Vương triển khai thực hiện với những hiệu quả cho thấy đối với công tác cứu gấp người bệnh. Trước đây chỉ có một trạm cấp cứu 115 thì việc tiếp nhận và vận chuyển người bệnh thật sự khó khăn vì phải điều động xe ngay tại trung tâm TP. Nếu người bệnh cư ngụ tại các quận trung tâm thì việc vận chuyển thật sự dễ dàng và nhanh chóng. Thế nhưng có rất nhiều trường hợp bệnh nhân ở khu vực vùng ven xa hơn nữa là các quận huyện ngoại thành. Đó là điều bất lợi nhất trong công tác chuyển viện đối với các căn bệnh đòi hỏi rút ngắn thời gian cứu chữa. Thế nhưng nhờ có trạm cấp cứu 115 tại chỗ mà độ dài của đường đi và thời gian di chuyển đang dần được “cắt xén” bớt. Với phương châm “cứu người như chữa lửa” đây chính là cơ hội vàng để đem lại sự sống cho bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh.
Trạm vệ tinh kếp hợp với báo động đỏ
Tại buổi ra mắt trạm cấp cứu vệ tinh thứ 11 tại BV Gò Vấp, BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định, với sự chỉ đạo của Sở Y tế và hỗ trợ của Trung tâm Cấp cứu 115 TP, sự ra đời của trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại BV Gò Vấp nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho người dân trên địa bàn quận và các vùng lân cận, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ về khám chữa bệnh với mục tiêu cấp cứu kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đây cũng là mục đích hướng tới của các trạm vệ tinh cấp cứu khi nào cũng trực chỉ “sẵn sàng chiến đấu” trong mọi lúc, mọi tình huống. Ngoài 3 chiếc xe có sẵn của BV chủ yếu là chuyển viện lên tuyến trên thì nay BV đã được trang bị thêm một chiếc xe Hồng thập tự có nhiệm vụ đến tận nhà người bệnh để đưa đến nơi điều trị theo đúng nguyện vọng của người thân. Chị Mai, ngụ ở P.Linh Đông cho biết: “Nếu trước đây gia đình tôi phải đi xe máy hoặc kêu taxi, xe ôm đưa mẹ già bị tai biến ra BV Thủ Đức thì nay chỉ cần một cuộc điện thoại chỉ sau vài chục phút là có xe đến đón trước cửa vừa nhanh vừa tiện lợi”. Cũng theo chị Mai, xe cấp cứu của trạm vệ tinh 115 có đội ngũ thầy thuốc đi theo và đầy đủ phương tiện cấp cứu tại chỗ nên thật sự an tâm chứ không phải chờ lên đến BV mới có BS thăm khám như trước đây.
BS Phạm Hữu Quốc – Giám đốc BV Gò Vấp cho biết, là quận vùng ven gồm 16 phường với trên 640 ngàn người, đặc biệt người dân nhập cư khá đông và thường có biến động phức tạp nên công tác cứu chữa người bệnh tại Gò Vấp luôn đòi hỏi cấp bách. Thời gian qua nhờ trạm cấp cứu vệ tinh ra đời nhiều bệnh nhân đã được cứu sống tính mạng và không phải mất nhiều thời gian điều trị do cấp cứu kịp thời tại chỗ.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)