Tòa soạnThư đi – tin lại

Trạm điện thoại thẻ đang… “ẩn mình chờ chết”?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trạm điện thoại thẻ tại TP.HCM không người sử dụng, bị hư hỏng nặng trông rất mất mỹ quan
Trái với tốc độ tăng trưởng vượt bậc của điện thoại di động thì điện thoại cố định tại nhà và điện thoại thẻ công cộng ngày càng thụt lùi. Theo nhiều người tiêu dùng thì cả hai loại điện thoại này đang… “ẩn mình chờ chết”.
Ở thành thị, đặc biệt là trong các gia đình trẻ, khi mỗi người ai cũng có điện thoại di động, thậm chí có người có đến 3 chiếc, thì điện thoại cố định tại nhà càng ít có cơ hội được dòm ngó đến. Cách đây khoảng 10 năm, khi điện thoại di động còn là một sản phẩm xa xỉ, chỉ những người thuộc tầng lớp khá giả mới có thể sở hữu thì điện thoại cố định tại nhà được xem là phương tiện liên lạc chính. Ông Vũ Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết tốc độ phát triển của điện thoại cố định tại nhà ở Việt Nam vào năm 2005 lên đến 60%, thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Tổng số thuê bao điện thoại vào thời điểm đó là khoảng 15 triệu, với tỉ lệ chia đều 50/50 cho điện thoại cố định và di động. Thế nhưng, hiện tại, với sự gia nhập của một loạt nhà cung cấp dịch vụ, giá cước và giá thiết bị liên tục giảm, điện thoại di động đã hoàn toàn đảo ngược tình thế. Tính đến cuối năm 2010, trong tổng số 158,6 triệu thuê bao điện thoại của cả nước thì điện thoại di động chiếm đến 142,2 triệu (89,5%), điện thoại cố định tại nhà chỉ còn 16,4 triệu (10,5%).
Còn các trạm điện thoại thẻ công cộng đến thời điểm này cũng không còn được sử dụng đúng mục đích, không phát huy tác dụng vốn có của nó. Nhiều cabin bị một số người dân “chiếm lĩnh” làm nơi bán hàng, điểm trú mưa, chỗ để xe, chứa hàng hóa… và thậm chí là nơi để những người thiếu ý thức vứt rác, phóng uế. Nhiều cabin được lắp đặt ở nơi vắng vẻ, khuất nên đã bị các đối tượng xấu đập phá máy điện thoại hoặc biến thành nơi tiêm chích. Chị Minh Yến (quận 10 – TP.HCM) cho biết: “Mỗi lần chạy xe ngang các cabin, chứng kiến những cảnh như thế, tôi không khỏi xót xa bởi biết rằng số tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp bỏ vào đó không phải là nhỏ lại đang bị lãng phí…”. Mới đây, để phù hợp với xu hướng “giảm giá” chung của các loại dịch vụ điện thoại khác, VNPT đã công bố giảm mức cước liên lạc đường dài liên tỉnh của dịch vụ điện thoại thẻ công cộng nhưng điều này cũng chẳng mấy hấp dẫn người dân quan tâm đến nó bởi sự tràn ngập của các dịch vụ điện thoại khác. Anh Nguyễn Văn Quang (Công ty Giày SS – TP.HCM) “hiến kế”: “Tôi nghĩ nên thiết kế điện thoại sử dụng tiền xu như một số nước. Điện thoại này tiện lợi hơn, người sử dụng chỉ cần bỏ tiền xu vào và sử dụng. Điện thoại thẻ công cộng thì hơi bị động vì phải mua thẻ, mà thời buổi này, ai cũng kè kè một “con dế” bên mình thì mua thẻ làm gì. Điện thoại công cộng là để dùng trong trường hợp không thể sử dụng các loại điện thoại khác như khi cần gọi điện mà di động hết pin. Bên cạnh đó, những trạm điện thoại công cộng nên đặt ở những nơi cần thiết như sân bệnh viện, sân trụ sở UBND, sân bay hay các đại lý bưu điện… mới không bị phá hoại như hiện nay…”.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngọc Răng

UBND TP. Đà Nẵng vừa chỉ đạo Sở GTVT làm việc với VNPT khu vực Đà Nẵng và các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành rà soát để có phương án nâng cấp hoặc thu hồi các trạm điện thoại thẻ không còn sử dụng trên địa bàn, báo cáo kết quả xử lý trước ngày 31-3-2011.

 

Bình luận (0)