Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trăm năm trồng người: Bài 15: 34 năm gắn bó với nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà giáo Trần Thị Nghĩa

Nhắc đến cô giáo Trần Thị Nghĩa (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thăng Long Đà Lạt) nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh (CB, GV, HS) ở Lâm Đồng rất quen tên. Ngoài 34 năm gắn bó sự nghiệp “trồng người”, Trần Thị Nghĩa còn là nhà giáo có công trong việc vực dậy chất lượng giáo dục ở nhiều trường, một nhà giáo mẫu mực của ngành giáo dục Lâm Đồng…
Từ một GV trẻ tài năng
Năm nay 54 tuổi đời, cô giáo Trần Thị Nghĩa đã có 34 tuổi nghề. Cái nghề được xã hội thừa nhận và gọi bằng thầy cao quý. Tuy nhiên, những năm trước đây nghề giáo cũng lắm gian nan và đã có không ít người “rẽ bước”. Song, cô Nghĩa vẫn “trụ” với nghề giáo như tiền định. Cuộc đời một nhà giáo thanh bạch, hết lòng vì HS, vì sự nghiệp giáo dục của cô như một cuốn phim nhiều nỗi vui, buồn…
Năm 1975, Nghĩa đang học năm thứ 2 Đại học Luật TP.HCM thì miền Nam giải phóng, cô trở về Đà Lạt. Cũng năm đó, cô giáo Nghĩa được ngành giáo dục Đà Lạt bố trí dạy học tại Trường Trại Mát – Đà Lạt (1 năm). Năm sau, cô giáo Nghĩa trong số những GV trẻ được tăng cường về dạy học ở Trường cấp II Mađagui (huyện Đạ Huoai ngày nay). Đến năm 1979, cô Nghĩa về dạy lại ở Trại Mát và rồi được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Trường THCS Phước Thành. Từ năm 1979 – 1981, cô giáo Nghĩa (lúc đó 24 tuổi) được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thành. Sau nhiều năm điều chuyển giảng dạy và làm quản lý ở các trường trong tỉnh, năng lực của cô giáo Nghĩa sớm khẳng định và trở thành tấm gương sáng trong ngành giáo dục Lâm Đồng.
Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngành GD-ĐT và tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn bản thân, từ năm 1981 – 1986, Hiệu trưởng Trần Thị Nghĩa thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM và theo học Khoa Toán – Lý. Tốt nghiệp, cô giáo Nghĩa tiếp tục được ngành giáo dục Lâm Đồng chọn cử đi học tại Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TW II (TP.HCM). Sau 2 năm học (1987 – 1989), Trần Thị Nghĩa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Nguyễn Du – Đà Lạt…
Đến một cán bộ quản lý giàu bản lĩnh
Thời gian trên 20 năm làm Hiệu trưởng các trường Nguyễn Du (nay là Trường THPT bán công Nguyễn Du; THPT Bùi Thị Xuân và hiện nay là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thăng Long – Đà Lạt, bản lĩnh, kinh nghiệm và uy tín của nhà giáo Trần Thị Nghĩa được khẳng định. Không quá lời nếu nói, trường nào gặp khó khăn thì sẽ có mặt cô Nghĩa. Với cô giáo Nghĩa tình yêu nghề, lương tâm và trách nhiệm nhà giáo luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Ở đó, chất lượng giáo dục toàn diện cho HS là “thước đo” mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi CB, GV toàn trường. Cô Nghĩa cho biết, trước khi về làm Hiệu trưởng Trường Nguyễn Du – Đà Lạt, trường này chỉ là trường cấp II. Những năm 1991 – 1992, thực hiện chủ trương đa dạng hóa trường lớp, Trường Nguyễn Du được chọn nâng cấp thành Trường bán công cấp II – III Nguyễn Du (trường bán công đầu tiên của Lâm Đồng). Cùng với những khó khăn chung về cơ sở vật chất trường lớp; quy chế tuyển sinh, chế độ học tập, công tác quản lý giáo dục… ở một trường bán công đầu tiên là những thách thức đặt ra cho nữ Hiệu trưởng Trần Thị Nghĩa. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn trường cũng khá phức tạp, tình trạng thanh niên địa phương quậy phá, đánh nhau với HS của trường… nhiều phen làm cô Hiệu trưởng Nghĩa… đau đầu !
Để vực dậy chất lượng giáo dục của nhà trường, cô giáo Nghĩa đã tập trung xây dựng một tập thể sư phạm thật sự vững mạnh. Theo cô, đây là yếu tố quyết định toàn bộ chất lượng giáo dục của nhà trường. Sau vài năm dốc công xây dựng, Trường Nguyễn Du đã có một đội ngũ gồm nhiều GV trẻ giàu tâm huyết, giỏi chuyên môn và uy tín quy tụ “dưới trướng” Hiệu trưởng Nghĩa đã chung sức đưa chất lượng giáo dục trường ngày càng nâng cao. Ngoài chú trọng công tác dạy và học, cô Nghĩa còn chỉ đạo Đoàn trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi lành mạnh, hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, TDTT… sôi nổi trong GV và HS. Liên tiếp những năm học sau này, Trường Nguyễn Du luôn có HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh và quốc gia, tỷ lệ HS tốt nghiệp cuối cấp hàng năm vượt “mặt bằng” tỉnh và được xếp ngang với một số trường “đàn anh” trong tỉnh. “Kỷ niệm ngọt ngào” nhất của Hiệu trưởng Nghĩa là hơn 13 năm làm hiệu trưởng trường bán công đầu tiên nhiều GV và HS từ mái trường này đã và đang thành đạt. Nhiều GV trẻ ngày đó giờ là những tiến sĩ, thạc sĩ, nhà giáo ưu tú… được tôn vinh!
Từ tháng 11-2007 đến nay, nhà giáo Trần Thị Nghĩa được điều về làm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thăng Long. Nhận nhiệm vụ ở một trường chuyên, chắc cô gặp rất nhiều thuận lợi? – tôi hỏi. Cô giáo Nghĩa cười và… lắc đầu. “Tưởng vậy chứ cũng nhiều khó khăn lắm…” cô cho biết, trước đó Trường chuyên Thăng Long còn sử dụng chung cơ sở vật chất với Trường BTVH Đà Lạt, HS 2 trường thường xuyên mâu thuẫn, gây gổ đánh nhau, chất lượng của trường còn thấp, chưa được xếp trong top 100 trường THPT dẫn đầu cả nước…
Năm học 2007 – 2008, Hiệu trưởng Nghĩa chú trọng đẩy mạnh giáo dục toàn diện, ứng dụng CNTT vào dạy và học, xây dựng đội ngũ GV ngang tầm nhiệm vụ. Áp dụng kiến thức và bản lĩnh được trải nghiệm sau nhiều năm làm công tác quản lý ở các loại hình trường khác nhau, chỉ sau 2 năm về trường, cô Trần Thị Nghĩa đã đưa chất lượng giáo dục của Trường chuyên Thăng Long trở thành điểm sáng tiêu biểu của ngành GD-ĐT Lâm Đồng: tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2 năm học 2007 – 2008 và 2008 – 2009 đạt 100%; năm học 2007 – 2008, Trường chuyên Thăng Long được xếp thứ 58/tổng số 200 trường dẫn đầu cả nước và năm học 2008 – 2009 vừa qua, trường được xếp thứ 49/200 trường; 86,8% HS thi đậu vào các trường ĐH, CĐ; có 4 HS đỗ thủ khoa tốt nghiệp THPT, 1 HS đậu thủ khoa tuyển sinh ĐH, 3 HS thi quốc tế…
34 năm làm nhà giáo, trong đó 30 năm làm công tác quản lý giáo dục, nhà giáo Trần Thị Nghĩa có nhiều cống hiến tích cực cho sự nghiệp “trồng người”. Song, phần thưởng cao quý nhất mà nhà giáo Trần Thị Nghĩa luôn tự hào là sự cống hiến cả cuộc đời cho bao nhiêu thế hệ GV, HS trên quê hương Đà Lạt – Lâm Đồng!…
Nhà giáo Trần Thị Nghĩa vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục…
 
Bài & ảnh: Thanh Dương Hồng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)