Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trăm năm trồng người: Bài 19: Nối nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

“Bao năm rồi mẹ làm nghề giáo/ Tảo tần lam lũ nuôi con/ Vất vả từng đêm thao thức mỏi mòn/ Ngồi soạn bài trong ánh đèn hiu hắt”.Trong một lần hướng trái tim về mẹ, thầy giáo Phạm Quốc Tuấn – Phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Chí Quốc, Q.Thủ Đức, TP.HCM đã bật lên những dòng cảm xúc thân thương và lắng đọng của một đứa con đối với người đã sinh thành ra mình.
Men say nghề giáo
Đó là đoạn thơ mở đầu trong bài thơ Nối nghiệp của thầy Phạm Quốc Tuấn đọc cho tôi nghe vào một buổi chiều khi các em học sinh Trường Ngô Chí Quốc tan trường. Bài thơ ra đời cách đây đã lâu nhưng tác giả vẫn thuộc từng lời, không quên từng con chữ. Tôi đã lắng nghe hết bài thơ về tình mẫu tử. Vượt lên trên những câu chữ vụng dại, thô ráp là tình cảm sâu nặng của đứa con trai với người mẹ hiền suốt một đời tần tảo nuôi con cái ăn học nên người. Dù ba và mẹ đều là giáo viên nhưng cả gia đình Tuấn sống ở một xã nghèo vùng ngoại thành (xã Trung Chánh – huyện Hóc Môn) nên hàng ngày phải vật lộn với chuyện cơm áo gạo tiền. Đồng lương khiêm tốn của hai nhà giáo chỉ đủ trang trải cho 4 đứa con ngày hai bữa cơm và những chi tiêu tối thiểu trong nhà. Nhiều năm liền là Hiệu trưởng Trường THCS Quyết Tiến, ông Phạm Văn Thành – ba của Tuấn – luôn được đồng nghiệp đánh giá là người cán bộ tận tụy, liêm khiết cho đến khi nghỉ công tác. Thương ba mẹ và không muốn phải nghỉ học như một số bạn bè trong xóm nên ngoài giờ học mấy anh em Tuấn tìm cách phụ ba mẹ.
Thầy Tuấn nhớ lại: “Bốn anh em cùng đi học một lúc nên thời gian đó gia đình khó khăn lắm. Thương ba mẹ, mấy anh em rủ nhau tự kiếm sống bằng đủ nghề tùy theo khả năng và sức lực. Thế là ban ngày đi học, chiều về cơm nước xong tôi đẩy xe thuốc lá ra ngay ngã tư đầu đường bán. Tuy thu nhập không bao nhiêu nhưng số tiền ít ỏi đó cũng đủ mua thêm quần áo, sách vở, đóng học phí cho anh em đến trường”. Thầy cho biết, lúc đầu cũng hơi ái ngại nhưng thấy việc làm thêm của mình chính đáng nên dần dần cũng quen. Những khi vắng khách dù mỏi mệt, buồn ngủ ríu cả mắt nhưng cậu bé bán thuốc đầu đường vẫn phải nhẩm lại một vài phép toán học trên lớp trong buổi sáng hoặc giở tập ra tranh thủ xem trước bài của ngày mai. Đến năm học THPT thì Tuấn đã biết đến trường giúp mẹ bằng công việc… quản học sinh. “Mẹ dạy Trường TH Bà Điểm 2, trường thiếu GV nhiều lắm. Có hôm mẹ bị bệnh nặng mà không có thầy cô nào dạy thế nên tôi đánh liều ra giữ lớp cho mẹ, thế mà học sinh rất ngoan và làm bài tập nghiêm túc lắm” – thầy Tuấn nhớ lại. Tuy biết như vậy là không đúng quy chế nhưng thầy Tuấn nghĩ còn hơn là để học sinh nghịch phá làm ảnh hưởng đến lớp học bên cạnh và quan trọng hơn là tình thương mẹ của đứa con trai đã vượt qua tất cả. Có lẽ nhờ những buổi lên lớp “bất hợp pháp” đó mà cậu học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu có thêm niềm cảm hứng và men say với “nghề đưa đò” để sau đó trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM.
Trọng thầy mới được làm thầy  
Suốt quãng đời thơ ấu của mình, ngoài hình ảnh những thầy cô ngày ngày chăm lo cho đàn em thương yêu trên bục giảng là hình ảnh của song thân đã in vào tâm trí của Tuấn. Không hề “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước” Tuấn rất tự tin và hãnh diện khi chọn trường sư phạm theo học. Cho đến bây giờ thầy cũng không hiểu sao mình lại vào học hóa – lý: “Từ cấp TH cho đến THPT tôi rất thích học môn ngữ văn, giờ văn nào cũng cuốn hút tôi từ đầu đến cuối. Khi làm văn tôi viết có cảm xúc lắm, vì thế mà điểm làm bài tập làm văn lúc nào cũng nổi trội hơn bạn bè. Thế mà cậu học sinh giỏi văn cấp TP lúc vào sư phạm lại “lạc” sang khoa tự nhiên.
Biết quận 9 là vùng đất khó khăn, đi về trắc trở, trường lớp nghèo nàn nhưng khi cầm tấm bằng tốt nghiệp, Tuấn đã tình nguyện về dạy ở Long Phước với tinh thần “đâu cần thanh niên có”. Đây là giai đoạn gia đình gặp khó khăn nhất vì phải chuyển nhà, mấy anh em phải ở nhờ bên bà ngoại, mẹ thầy Tuấn đột nhiên trở bệnh nặng. Biết mình sức yếu, gia cảnh neo đơn nên mẹ đã đích thân lên Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức xin cho con trai được về gần nhà để bà được an lòng. Cũng chính trong thời kỳ này ba của thầy Tuấn phải ngược lên Di Linh (Lâm Đồng) đi dạy hợp đồng để có thêm tiền nuôi con và chữa bệnh cho vợ. “Do bị ung thư vòm hầu nên mẹ bị sưng ở cổ ngày một lớn, tới lúc phát hiện ra bệnh thì đã quá trễ, sau đó bệnh viện trả về cho gia đình” – thầy Tuấn nghẹn ngào kể lại. Vài tháng sau người mẹ đã bỏ mấy cha con thầy Tuấn ra đi trong nỗi tiếc thương của người thân, đồng nghiệp và học sinh.
Nằm ở vùng ven TP nên ngôi trường Ngô Chí Quốc mà thầy Tuấn gửi đời thầy giáo của mình vào trong đó rất đơn sơ, nghèo nàn. Cả trường chỉ có hai dãy lớp học cũ kỹ, cơ sở vật chất hầu như không có gì. Hôm nay, ngắm nhìn các em vui đùa trong giờ ra chơi trên khoảng sân trường sạch sẽ khang trang, thầy Tuấn vẫn không quên trước đây là bãi đất mấp mô đá sỏi, không một bóng cây. Chỉ tay ra cổng trường hướng về con đường Kha Vạn Cân, thầy Tuấn vẫn không quên ngày về trường đã băng qua con đường đất đỏ lầy lội và bụi bặm. Thế nhưng những thầy cô giáo trẻ nơi đây đã không ngại nhọc nhằn, ngày đêm lăn xả vào việc chung của trường. Thiếu GV, thầy Tuấn dạy cả toán, sinh rồi có khi “choàng” qua cả địa lý, công nghệ thông tin… với tinh thần cống hiến mà không chút đòi hỏi gì cả. 15 năm nghĩa tình đi qua thật nhanh, bây giờ lớp học khang trang hơn, 2 dãy phòng mới khi hoàn thành sẽ làm thay đổi bộ mặt nhà trường.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay quá bận rộn với công tác của một phó hiệu trưởng, thầy Phạm Quốc Tuấn không còn làm thơ nữa. Nhưng từ trong sâu thẳm của tấm lòng “Trọng thầy mới được làm thầy”, thầy Tuấn vẫn tri ân những thầy cô giáo đã dạy dỗ mình nên người trong đó có hình ảnh nhà giáo Lâm Thị Liễu – người mẹ thương yêu vẫn còn đi về trong tận cùng niềm thương nỗi nhớ.
 
“Có những đêm con choàng tỉnh giấc/ Vẫn bóng mẹ dài con thấy thương thương/ Con đường quen vẫn đưa mẹ đến trường/ Đã in mòn dấu chân của mẹ/ Lời mẹ dạy đã ghi lòng con trẻ/ Nguyện một đời theo nghiệp mẹ đã theo” (Nối nghiệp).
 
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)