Nhà giáo Trần Nguyên Phò và cô học trò cũ Vũ Hồng Điệp cùng sinh hoạt chung trong Hội Cựu giáo chức TP.HCM |
Dù không theo nho học nhưng trong ký ức của ông Trần Nguyên Phò (nguyên Chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM) vẫn lưu giữ mãi hình ảnh đẹp về những ông thầy đồ áo dài khăn đóng chỉnh tề, đi đứng nói năng mực thước, hàng ngày dạy học trò chữ thánh hiền trong đó có hình ảnh người cha đáng kính của ông.
Làm thầy “tam đại đồng đường”
Ngôi nhà mà cậu bé Phò sinh ra và lớn lên không biết từ bao giờ đã thành một lớp học của đám học trò trong thôn. Gian nhà giữa được bố mẹ đặt một bộ tràng kỷ để hàng ngày tiếp khách. Thế nhưng khi đến giờ học thì bộ ghế đó là chỗ ngồi cho gần chục đứa trẻ học sách Tam tự kinh. Nếu không đi chơi xa, cậu bé Phò lại đứng nép vào cột nhà bằng gỗ xoan để nhìn bố dạy chữ. Tiếng đọc bài ê a cất lên từ ngôi nhà ba gian của ông đồ Cả như đưa Phò sang một thế giới khác. Dù dạy tại gia nhưng ông đồ Cả bao giờ cũng ăn vận chỉnh tề. Ông mặc chiếc áo dài thâm, quần trắng rất nho nhã, dáng đi của ông cũng khoan thai hơn. Câu đại tự “Trần sư huấn” (Lớp học của thầy giáo họ Trần) treo ngay ngắn giữa nhà như nhắc nhở ông luôn giữ mình đúng tư cách nhà sư phạm. Thế nhưng thầy đồ Cả không chỉ dạy chữ. Sau khi gấp sách lại, những đứa trẻ đầu để chỏm lại có thêm những bài học về luân lý, đạo đức. Hai câu đối treo giữa nhà cũng là một lời nhắc nhở các môn đệ của mình: “Học đắc tinh ba lưu tử tính – Gia truyền hiếu hữu nhận bi văn” (Học giỏi thì truyền lại cho con cháu – Gia đình có hiếu nghĩa thì được khắc lên bia). Là thầy đồ giỏi nên lớp học của cụ ngày càng đông, nhiều hôm Phò phải đi lấy thêm chiếu để trải ra mới đủ chỗ. Những lúc đó bố ngồi xếp chân trước mặt đám học trò ngồi ngay ngắn thành hàng tay cầm chiếc bút lông lâu lâu lại chấm vào đĩa mực tàu để thảo những nét sổ nét ngang.
Những lúc nghe bố trò chuyện với thân hữu, Phò mới biết bố dạy chữ không phải vì tiền, vì kế sinh nhai mà muốn có lộc để lại cho con cháu, muốn có thêm “một chút danh gì với núi sông”. Vì thế mà bố và mẹ ông đã dành một gian nhà bên cạnh để bốc thuốc nam. Những lúc thời tiết thay đổi, chuyển mùa bà con trong làng lại tìm đến nhà thầy đồ Cả để nhờ bắt mạch, kê đơn và bốc thuốc. Đi đâu Phò cũng được mọi người khen bố mẹ mình, họ coi song thân của Phò là ân nhân sinh ra để làm việc thiện, giúp đời. Nhờ họ hàng kể lại Phò mới biết ông cố, ông nội cũng từng bốc thuốc và làm nghề dạy học. Ngôi nhà của ông đã chứng kiến “tam đại đồng đường” làm nghề y và nghề giáo. Cậu thường thấy vào dịp lễ tết mọi người dắt con cháu đến chúc thọ và biếu những món quà cây nhà lá vườn cho bố. Nghèo thì nải chuối, quả cam giàu thì con gà, đấu thóc… mong con cháu giữ được đạo lý “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, không được quên bốn chữ “Tôn sư trọng đạo”.
Vừa dạy chữ nho, vừa học chữ quốc ngữ nên ông đồ Cả thông làu mọi chuyện. Tự ông dịch ra chữ quốc ngữ cuốn Tộc phả của họ Trần để cho hậu thế biết rõ nguồn cội. Cũng vì biết chữ quốc ngữ mà ông sớm linh cảm được luồng gió cách mạng đang thổi về. Đêm nào cũng vậy trước khi đi ngủ người bố thường đọc thơ cho cậu con trai út nghe. Bài thơ mà Phò thuộc nhất là Mộng canh tàn của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải. Mỗi vần, mỗi ý luôn phảng phất nỗi đau, nỗi buồn cảnh nước mất nhà tan. Vì thế khi người anh cả học xong tú tài, cụ đồ Cả đã cho gia nhập vào Vệ Quốc đoàn.
Viết thêm trang mới vào nghiệp dĩ
Câu chuyện đi làm thầy giáo của ông Trần Nguyên Phò cũng rất đặc biệt. Không giống như bạn bè, khi vào học trường sư phạm, sinh viên Phò đã có một gia đình nhỏ. Không hẹn mà gặp, gia đình bên vợ cũng ba đời làm nghề thuốc và dạy chữ nho. Để vợ con lại ở quê, ông tiếp tục “hoạn lộ” bằng nghiệp sách đèn. Vừa để có tiền trang trải cuộc sống ở chốn thị thành, vừa đóng góp cho phong trào bình dân học vụ, ông đi dạy thêm các lớp BTVH vào buổi tối. Tuy có vất vả nhưng bù lại người vợ tảo tần bớt đi gánh nặng và quan trọng hơn là tay nghề của ông cứng cáp dần lên. Thực tế đứng lớp đã cho ông những bài học làm thầy đầu tiên mà ở trong giảng đường không bao giờ có. Do có chữ nghĩa nên bà Lại Thị Phấn (vợ ông) cũng ra Hải Phòng học lớp trung cấp sư phạm. Đến năm 1962, họ không chỉ nặng nghĩa phu thê mà còn có thêm tình đồng nghiệp. Bục giảng và trang giáo án đã trở thành “lối đi về” của đôi vợ chồng trẻ giữa đất cảng Hải Phòng. Câu chuyện người Bí thư chi đoàn giáo viên Trần Nguyên Phò lên đường vào Nam đi B cũng chẳng giống ai. Ông Phò nhớ lại: “Khi kiểm tra lại lý lịch biết tôi đã có vợ và 2 con (cháu trai Trần Ngọc Phan mới sinh chưa kịp khai bổ sung) nên tổ chức cho tôi trở về. Thế nhưng mình không muốn làm anh “B quay” để mang tiếng là kẻ xa rời đội ngũ nên đã tìm cách “cầu cứu” vợ và mẹ viết một lá đơn tình nguyện gửi cho đơn vị”. Thế là năm 1965 thầy giáo Trần Nguyên Phò vẫn có mặt trong đoàn cán bộ vào Nam chi viện cho chiến trường.
… Tám năm lăn lộn trong lửa đạn thì năm năm ông phải sống sau song sắt của nhà tù Mỹ – ngụy. Chính trong hoàn cảnh khốc liệt đó bản lĩnh của người Đảng viên cộng sản càng được trui rèn. Biết bao kìm kẹp của kẻ thù nhưng ông bất chấp tất cả để tìm cách “biến nhà tù thành lớp học” dạy chữ cho đồng đội của mình. “Tuy ở trong tù nhưng mỗi ngày tôi dạy 6 lớp. Dạy trước giờ điểm danh, sau giờ ăn cơm, trước giờ đi ngủ… Để che mắt địch, lớp học được chúng tôi ngụy trang bằng các bàn cờ tướng. Cai ngục đến họ đi các nước xe pháo mã, cai ngục đi họ đọc các bài thơ cách mạng, nghe tôi giảng Truyện Kiều, đọc thơ Bác, dạy lý luận văn học…” – ông kể. Theo lời ông Phò, bút viết được anh em làm từ mảnh tôn nhỏ, lấy mật cá mực hoặc đất sét non chế ra mực, ra phấn. Học trò của ông lại trở thành những cán bộ giáo dục cốt cán bí mật nhân rộng thêm các lớp học khác ở trong tù để chờ ngày thắng lợi trở về.
Không chỉ tự hào về những bậc tiền bối đi theo nghề dạy chữ, vợ chồng ông cũng rất hãnh diện khi cả 4 cô con gái và con dâu đều theo nghiệp bố mẹ hiện đang công tác tại Trường Đại học Sài Gòn, THPT Nguyễn Thượng Hiền và THCS Thanh Đa (Bình Thạnh). Các cô giáo Trần Thị Phương, Trần Thị Phượng và Trần Thị Phụng là thế hệ thứ tư đã viết thêm những trang mới trong gia phả “Trần sư huấn” – một dòng họ mà bà con làng Đông Dương (Đông Hưng, Thái Bình) luôn quý trọng vì truyền thống “biết truyền chữ nghĩa lại cho con cháu”.
Hương Thủy
Bình luận (0)