Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trăm năm trồng người: Bài 5: Có một gia đình nhà giáo như thế!

Tạp Chí Giáo Dục

Tấm ảnh ba mẹ con nhà giáo Lê Thị Tuyết Thu gửi vào chiến trường cho chồng năm 1968

Hơn 30 năm theo nghiệp phấn bảng, cuộc đời dạy học của nhà giáo Lê Thị Tuyết Thu (nguyên GV Trường Học sinh miền Nam) là một chuyến đi dọc theo chiều dài của đất nước. Bây giờ dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn nhớ khôn nguôi những năm tháng đứng trên bục giảng. Với bà, nghề dạy học không chỉ đem lại tri thức cho các thế hệ học trò mà còn đem lại rất nhiều hạnh phúc cho cả gia đình.
Dù khó khăn nhưng không bỏ học
Năm 15 tuổi đang học Trường Phổ thông Nguyễn Văn Tố (Diễn Châu, Nghệ An) cô bé Thu phải xa gia đình đến nơi khác học vì trường học bị giải thể, bạn bè mỗi người một ngả. Trước ngày ra đi cha có dặn: “Trường huyện không còn nếu con đi chỗ khác thì cũng nên tìm một trường để học hành đến nơi đến chốn, đừng có bỏ dở chuyện đèn sách giữa chừng”. Nghe lời cha nên sau đó bà đã theo chị Soa – một người chị họ lưu lạc vào tận TP Vinh. Dù đã xin vào học một ngôi trường ở Hưng Nguyên nhưng thời gian đầu cô bé ở làng Yên Lý vẫn không quên kỷ niệm ở ngôi trường cũ của mình. Bà Thu nhớ lại: “Tôi đến trường nhưng không có giấy tờ tùy thân nên không ai cho vào lớp cả. May mà có hai cô bạn cùng quê vào học trước làm chứng nên sau đó thầy giáo đã cho tôi vào lớp. Sau một tuần thấy tôi ham học và điểm số cũng không thua gì bạn bè nên nhà trường cho vào học chính thức luôn”. Không bà con thân thích, hai chị em phải ở nhờ nhà của một người dân. Vừa nuôi đứa em ăn học, vừa nuôi con nhỏ nên chị Soa phải buôn bán đủ thứ để kiếm sống. Ngày hai bữa cơm độn khoai, độn sắn nhưng dù mưa hay nắng bà vẫn đi học cho kịp bạn bè trong lớp. Mấy gánh rau muống, rau cải của chị Soa đã giúp bà theo hết chương trình phổ thông. Cũng nhờ những giọt mồ hôi tảo tần của người chị trong mấy năm trời sống nơi đất khách quê người mà sau đó bà đã ra Hà Nội theo học Trường Sư phạm Cầu Giấy. Lại những ngày không người thân, không gia đình nuôi dưỡng bà phải tự lo liệu một mình giữa chốn thị thành. Nhưng may mắn một lần nữa lại đến với bà. Mới ra Hà Nội đang bơ vơ lạc lõng thì bà gặp được một người bạn học cũ ở trong quê. Cô bạn Kiều Diễm đã giúp bà nhiều thứ nhưng nhớ nhất là có lần cô đã dành hẳn một tháng lương của mình để cho bà ăn học. Bà thấy cuộc đời không chỉ có khổ đau, vất vả mà đâu đó vẫn còn có rất nhiều tấm lòng nhân ái bao dung. Ngày đêm bà tự nhủ lòng mình phải học thật tốt, thật giỏi để khỏi phụ lòng người thân, bè bạn. Sau 2 năm học hành, Tuyết Thu đã trở thành cô giáo trẻ của Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng, sau đó là giáo viên của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. 
Nặng “ký ức thời gian” 
Sau 1975 bà theo chồng vào dạy ở Đà Nẵng và TP.HCM. Mỗi ngôi trường mà bà ghé lại công tác dù thời gian nhiều hay ít nhưng đến nay vẫn là những ký ức thiêng liêng nhất trong cuộc đời bà. Ở đó không chỉ có trang giáo án mà còn có bạn bè, đồng nghiệp và nhất là những gương mặt thân quen của nhiều thế hệ học trò. Tình cảm đối với nghề không thể nói hết bằng lời nên bà đã trải lòng mình vào trong những vần thơ tự viết. Nhất là sau khi người chồng là thầy giáo Trần Điều mất, bà đã tập hợp những bài thơ đó thành một cuốn sách mang tên Ký ức thời gian như một lời tri ân sâu nặng với bạn nghề và bạn đời.
 … Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh, bà Sáu Thu đã kể cho tôi nghe những ký ức đã đi qua bằng những câu thơ giản dị. Từ nơi sâu thẳm bà đã cho tôi gặp lại, hình ảnh thầy giáo Trần Điều hiện lên với những vẻ đẹp đức độ của một người chồng chung thủy. Thời gian yêu nhau và sau này khi đã thành chồng vợ – trong trái tim bà – ông không chỉ là người bạn đời mà còn là người anh đi trước, người đồng chí cùng chung một lý tưởng. Trong sự trưởng thành và lớn lên của mình, bà thấy lúc nào cũng có bàn tay dìu dắt và nâng đỡ của ông. Có lẽ vì nghĩa tình quá sâu nặng nên đến bây giờ bà vẫn còn nâng niu những kỷ vật của hai người một thời sống bên nhau: một tấm ảnh chụp chung trong ngày cưới dù đã ố vàng, vài bức thư của ông gửi cho bà thời sinh viên và cả khi đã nên vợ nên chồng, những bài thơ của 2 người tự sáng tác gửi cho nhau, một chiếc đài bán dẫn ông gửi ra từ chiến trường Trung Trung Bộ… Dù đơn sơ mộc mạc nhưng tất cả vô cùng thiêng liêng và cao quý trong phần đời còn lại của bà. Trong nhiều bức thư mà thầy giáo Trần Điều gửi cho vợ, tôi đọc kỹ một bức thư ông viết vào ngày 7-2-1960. Trong thư có đoạn viết: “Tối hôm nay anh đi họp chi bộ để dự kết nạp đảng viên mới. Sao hôm nay anh thấy có điều gì khác hơn những hôm trước. Anh thấy những người đảng viên mới được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng đã có một cái gì lớn lao hơn, vững chãi hơn… Trong hình ảnh của những người bạn, những học sinh lớn lên ấy anh vẫn không quên hình ảnh của em. Nếu anh không nhắc nhở và không khuyên nhủ em là anh có lỗi…”. Bà Thu cho biết, lúc nào ông cũng động viên bà phấn đấu tốt để sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1966, khi được kếp nạp Đảng, bà thấy mình đã làm tròn lời hứa với chồng, thấy niềm vui đó như được nhân đôi. Cũng như sau này khi chồng vào Nam công tác, bà đã gác tình cảm gia đình sang một bên động viên ông ra đi để làm tròn trách nhiệm mà Đảng giao. Trên mọi bước đường trưởng thành tình đồng chí, tình chồng vợ của họ đã hòa quyện với nhau một cách bền chặt và sâu nặng. Nhà giáo Trần Linh Giang – giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu – cô con gái lớn của bà tâm sự: “Dù tôi đã khôn lớn nhưng mẹ vẫn từng ngày theo dõi những bước đi của tôi, lúc nào cũng mong tôi trở thành một nhà giáo tốt mẫu mực, có nhiều cống hiến cho nhà trường. Điều mà mẹ quan tâm và thường động viên nhất là mong tôi phấn đấu để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng”. Có lẽ chính vì thế mà khi nghe tin đứa con gái được kết nạp Đảng lòng bà tràn ngập hạnh phúc, nhìn di ảnh của chồng bà thấy hình như ông cũng đang mỉm cười mãn nguyện.
Bà Thu bồi hồi nhớ lại bài thơ Anh ơi! Em đã vào Đảng mà bà đã từng trải lòng tâm sự với chồng. Giữa trái tim bà lại văng vẳng những dòng thơ nghĩ về Đảng quang vinh trong ngày tuyên thệ: “Mấy năm mong ước đợi chờ/ Hôm nay đã thỏa ước mơ của mình… Đảng cho ánh sáng nhiệm màu/ Tương lai vững bước, dạt dào niềm tin”.
 
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)