Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trăm năm trồng người: Bài cuối: Những người giữ lửa

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh đang trao đổi bài với cô giáo Nguyễn Ngọc Lê (trái)

Nhà giáo Nguyễn Văn Liền – nguyên Hiệu trưởng Trường TH An Lạc 1 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) – không chỉ là người giữ lửa cho cha mà ông còn là người tìm mọi cách truyền ánh sáng từ ngọn lửa đó cho 2 cô con gái của mình về nghề dạy học. Có thể nói ông chính là nhịp cầu nối giữa 3 thế hệ để cho nghiệp dĩ trong gia đình không bị ngưng dòng chảy.
Cha tiếp lửa cho con 
Dù đã theo thời gian trôi vào dĩ vãng nhưng các bậc cao niên ở thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh vẫn không quên hình ảnh người thầy giáo dạy chữ quốc ngữ trong ngôi trường Phước Lý. Học trò của ông ngoài những đứa con nhà giàu còn có nhiều em là con nhà nông vì ham học chữ mà theo thầy giáo Nghiệp. Những bài học mà ông truyền lại cho lũ học trò đầu tóc để chỏm không chỉ là những con chữ abc mà còn là bài học về luân lý, lòng tự lực, tự cường của dân tộc. Thấy con cháu mình gửi vào học lớp thầy Nghiệp ngày một chăm ngoan nên người dân ở đây đã phong ông thành thầy giáo Cả trong làng với bao niềm tôn kính. Từ những bước đi chập chững trong ngôi trường ấm tình nặng nghĩa, các “môn đệ” của ông đã bước vào đời bằng “đôi cánh” tri thức mà thầy cô đã dày công chăm sóc. Có người ngồi ghế quan, có người theo nghề cày cuốc nhưng cũng không ít học trò trốn nhà đi vào chiến khu theo cách mạng. Dù ở lầu son gác tía với quyền cao chức trọng hay dầm mưa dãi nắng lem lấm với ruộng bùn nhưng cái đức, cái chữ mà thầy Nguyễn Văn Nghiệp đã trao lại thì họ không bao giờ quên. Thấu hiểu truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhiều học trò dù đã thành kỷ thành nhân vẫn tìm cách trở về làng cũ thăm thầy với niềm tôn kính không bờ bến. Tình cảm đó không chỉ sưởi ấm lòng ông giáo già mà còn làm cho vợ con ông có thêm niềm tự hào và cảm mến. Rồi từng ngày Nguyễn Văn Liền – cậu con trai của thầy giáo Nghiệp – lớn lên không chỉ bằng cơm áo của cha mẹ mà bằng cả đạo lý “tôn sư trọng đạo”. Phải chăng vì thế nên khi đã học xong bậc trung học chàng trai Nguyễn Văn Liền đã chọn trường sư phạm để thực hiện hoài bão và khát vọng của mình. Đến bây giờ nhà giáo Nguyễn Văn Nghiệp mới thật sự yên tâm vì Liền đã trưởng thành, khôn lớn và quan trọng hơn là cậu con trai của 2 vợ chồng ông giáo Nghiệp đã trở thành người lấy được “ngọn lửa đang hừng hực cháy” từ chính tay của cha mình. Được nhen nhóm từ nhỏ nên khi vào trường sư phạm, đốm lửa đó cứ bùng cháy cho đến khi ra trường thì bắt đầu tỏa sáng. Từ một giáo viên dạy giỏi có nhiều đóng góp cho trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, thầy giáo Nguyễn Văn Liền nhanh chóng được cất nhắc làm Tổ trưởng, Hiệu phó rồi cuối cùng là Hiệu trưởng Trường TH An Lạc I. Trong mắt đồng nghiệp, ông là một giáo viên cần mẫn luôn có trách nhiệm với giáo án và học trò. 
Cháu giữ lửa cho ông  
Cũng giống như thân phụ, Hiệu trưởng Liền suốt cuộc đời cứ đau đáu với nghề dạy học. Vườn hoa ngày tháng chăm trồng nay đã tươi tốt, hè đến xuân sang luôn đâm chồi nảy nụ. Dù nhà giáo Nguyễn Văn Nghiệp đã mất nhưng ông biết lòng cha sẽ vui nếu ngắm nhìn được vườn ươm của ngôi trường sớm chiều không thiếu bàn tay người vun xới. Ông vẫn nghĩ đến một ngày “tre già măng mọc” và niềm hy vọng của ông không phải chờ đợi lâu khi Nguyễn Ngọc Đào – cô con gái thứ tư của vợ chồng ông đã chọn tiếp nghề của cha. Bước chân ra khỏi trung cấp sư phạm, Ngọc Đào xung phong về dạy tại Trường TH Tân Kiên. Dù ngôi trường nằm ở vùng ngoại thành nhưng cô thấy ở đây vẫn còn nhiều đứa trẻ khát chữ nên rất cần những giáo viên trẻ như mình. Rồi hình ảnh tà áo dài của người chị đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng những đứa em trong gia đình trong đó có Nguyễn Ngọc Lê. Có người ví von bằng hình ảnh: “Xuân đến Đào đơm bông thì hè sang Lê nở nụ”. Sau năm 1975, từ bỏ 2 trường đại học (Đại học Luật và Đại học Văn khoa Sài Gòn) Ngọc Lê “làm lại cuộc đời” bằng chiếc áo sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cùng với thế hệ sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, Ngọc Lê nhanh chóng hòa nhập với thời cuộc. Giảng đường của chế độ mới đã trở thành bệ phóng cho cô nữ sinh Trường Gia Long áo tím ngày nào bay giữa trời lộng gió. Thế nhưng ước mơ đã không còn bay bổng khi lớp sinh viên đầu tiên của cô phải tạm xa thành phố yêu dấu để tỏa về các vùng sâu công tác. Năm 1979, mang một túi xách nhỏ trên vai, cô giáo sinh trẻ ra Bến xe Miền Tây mua vé về thị trấn Cao Lãnh (Đồng Tháp) để khởi nghiệp. Dù được tiếp quản từ ngôi trường Nguyễn Quang Diệu nhưng Trường cấp 3 Vĩnh Phú (nay là Trường THPT TP Cao Lãnh) vẫn khoác chiếc áo cũ kỹ chứ không hề được nâng cấp sửa chữa thêm. Đây cũng là năm mà người dân Đồng Tháp Mười đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ trận lụt kinh hoàng năm 1978. Sự vất vả nhọc nhằn đó cũng ùa vào bục giảng và cuộc sống của giáo viên nơi vùng rốn lũ. May mắn là đội ngũ giáo viên đa số là trẻ chủ yếu từ miền Bắc và TP.HCM đến chi viện nên đã nhanh chóng làm quen với cái khổ của một tỉnh giáp biên giới Tây Nam. Dù mâm cơm tập thể chỉ có canh rau muống và vài chén bo bo nhưng thầy cô nào cũng say với bài giảng và những buổi lao động giúp dân. Năm 1984, đúng như hợp đồng đã ký kết ngày ra đi, Ngọc Lê được ưu tiên “trở về quê cũ” sau 5 năm cống hiến.
Đã tròn một phần tư thế kỷ gắn bó với Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cô giáo Lê coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình với bao kỷ niệm vui buồn. Tròn 30 năm chung thủy với bộ môn sinh học nhưng cô vẫn nặng lòng trăn trở vì không thiếu học sinh ham thích môn học này nhưng ít ai theo trọn. “Chỉ có một số ít các em lực học vượt trội mới dám thi vào khối B vì sinh học là bộ môn phải đạt điểm cao mới lọt qua được cửa ải của các trường y dược, công nghệ sinh học” – cô tâm sự.
Hương Thủy
Điều mà cô lấy làm hạnh phúc nhất là dù đeo đuổi khát vọng nào, các em học sinh của cô cũng đều trưởng thành và đã đủ sức bay xa, bay cao giữa dòng đời rộng mở.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)