Hội nhậpThế giới 24h

“Trận chiến” mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở châu Phi

Tạp Chí Giáo Dục

Trận chiến lớn tiếp theo trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Phi được cho là giành quyền kiểm soát nguồn khoáng sản được sử dụng trong điện tử và pin xe điện.

Báo The Economist mới đây đăng một bài phân tích cho thấy Mỹ có kế hoạch sử dụng châu Phi làm nhà cung cấp những khoáng sản quan trọng nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc đối với các khoáng sản này.

Trung Quốc là bên thống trị toàn cầu trong việc tinh chế những khoáng sản chiến lược, tinh chế 68% niken trên toàn cầu, 40% đồng, 59% lithium và 73% coban, theo Viện Brookings (Mỹ).

Các quan chức Mỹ đang lo lắng về việc Trung Quốc trở thành “một OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) về một trong những khoáng sản quan trọng”, và đang tiến hành ngoại giao tích cực hơn ở châu Phi.

Mỹ sẵn sàng hành động?

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có chuyến công du châu Phi kéo dài một tuần bắt đầu vào cuối tháng 3. Trong cuộc gặp Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan ngày 30.3, bà Harris cho hay Tanzania đang xây dựng một cơ sở chế biến khoáng sản quan trọng với sự hỗ trợ của Mỹ và cơ sở này sẽ cung cấp niken cấp pin cho Mỹ cũng như thị trường toàn cầu vào năm 2026, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Đây là động thái mới nhất nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên. Vào cuối năm ngoái, Mỹ đã ký kết một biên bản ghi nhớ với CHDC Congo (DRC) và Zambia nhằm giúp hai nước thiết lập chuỗi cung ứng mới về pin cho xe điện.

Trận chiến mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở châu Phi - Ảnh 1.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan tại một cuộc họp báo ở Dar es Salaam, Tanzania ngày 30.3. Reuters

Trong bài bình luận gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), ông Christian-Géraud Neema, cộng tác viên cao cấp của chương trình châu Phi thuộc CSIS, cho rằng biên bản ghi nhớ với DRC và Zambia “báo hiệu sự sẵn sàng hành động của chính quyền Tổng thống Joe Biden và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng nhiều càng tốt”. Ông nhận định tiếp: “Mỹ đang thực hiện một bước hướng tới cách tiếp cận khá cụ thể bằng cách giải quyết các nhu cầu kinh tế và công nghiệp của DRC và Zambia”.

DRC cho đến nay là nhà xuất khẩu coban lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu. Quốc gia này còn giàu kim cương, vàng, đồng, thiếc, tantal và lithium, và là nhà sản xuất đồng lớn nhất ở châu Phi. Zambia cũng rất giàu đồng và coban.

Các công ty Trung Quốc đã đầu tư lớn vào cả hai quốc gia này và đang tìm nguồn cung ứng 60% coban từ DRC, theo SCMP. Ngoài DRC, các công ty Trung Quốc cũng xâm nhập Zimbabwe, nơi được ước tính có trữ lượng lithium chưa được khai thác lớn nhất châu Phi. Lithium là nguyên liệu thô chính trong pin dành cho xe điện.

“Chiến trường quan trọng”

Ông Will McDonough, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản EMG Advisors (Mỹ), dự đoán vấn đề địa chính trị và vĩ mô toàn cầu lớn nhất trong 10 hoặc 20 năm tới sẽ là việc kiểm soát các khoáng sản quan trọng hoặc kim loại làm pin, với châu Phi là chiến trường quan trọng, theo SCMP.

“Chúng tôi không thể cho phép Trung Quốc trở thành OPEC về lithium, đồng, coban và niken, nếu không, bất kỳ sự phát triển nào trong tương lai của năng lượng xanh này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự cho phép và đặt ra giá của họ. Việc phụ thuộc không tốt cho thương mại tự do hay đổi mới, nhưng là thực tế mà chúng ta đang đối mặt”, ông McDonough cảnh báo.

Ngoài ra, ông Chris Berry, Chủ tịch công ty tư vấn hàng hóa House Mountain Partners (Mỹ), dự đoán sẽ mất nhiều năm Mỹ mới có cơ hội đạt được chuỗi cung ứng khoáng sản làm pin mà không “đụng chạm” đến Trung Quốc theo bất kỳ cách nào.

Trận chiến mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở châu Phi - Ảnh 2.

Các lao động làm việc gần bãi rác thải tại vị trí khai thác mỏ của một công ty Trung Quốc ở CHDC Congo ngày 11.3.2019. Chụp màn hình Tân Hoa xã

Trong khi đó, ông David Shinn, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-châu Phi tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington (Mỹ), nhận định các công ty nhà nước của Trung Quốc sẽ chấp nhận rủi ro lớn hơn và thậm chí chấp nhận thua lỗ đối với các khoản đầu tư ảnh hưởng đến lợi ích an ninh chính của Trung Quốc. “Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính của chính phủ hơn so với các công ty tư nhân của Mỹ”, ông Shinn bình luận.

Tuy nhiên, các công ty Mỹ có thể đưa ra những tiêu chuẩn môi trường cao hơn, một yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong việc khai thác và sản xuất các khoáng sản, và cũng có thể sẵn sàng chuyển giao nhiều kỹ năng hơn cho các đối tác châu Phi của họ, theo ông Shinn.

Châu Phi là nơi có khoảng 30% tài nguyên khoáng sản của thế giới nên châu lục này là một điểm đến quan trọng để đáp ứng nhu cầu về khoáng sản, theo báo The Economist. Cơ quan Năng lượng quốc tế dự đoán các công nghệ năng lượng sạch sẽ cần lượng lithium gấp 40 lần, than chì gấp 25 lần, niken và coban khoảng 20 lần vào năm 2040 so với năm 2020.

Theo Văn Khoa/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)