Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trần Đăng Khoa với bài thơ “con cóc”?!?

Tạp Chí Giáo Dục

Trần Đăng Khoa năm 8 tuổi

Nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa đến với thơ ca từ khi còn bé, nên khi nói đến Trần Đăng Khoa thì nhiều người cứ nghĩ anh còn bé lắm. Có một lần, anh nhận được một lá thư có nội dung đại loại là: “Em Khoa thân mến… chị mong em chịu khó tập thể dục thân thể, giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, làm thơ hay, học tập tốt để trở thành cháu ngoan Bác Hồ… Chị đang học lớp 12 và chị rất mong được gặp mặt em…”. Lúc này anh đã hơn 30 tuổi, nghĩa là người xưng “chị” kém hơn anh rất nhiều tuổi. Một lần vào TP.HCM, anh ghé thăm nhà “chị” ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, và mọi chuyện đã được làm sáng tỏ. Lần khác, anh đến thăm nhà cô bạn học cũ cùng quê Hải Dương. Cô bạn rất hãnh diện giới thiệu anh với cậu con trai: “Đây là bác Khoa, nhà thơ, bạn học của mẹ đấy”. Không ngờ, thằng bé đúng bằng tuổi anh khi làm bài thơ Con bướm vàng nói liền: “Ai chứ bác Khoa thì con biết rồi. Bác ấy chuyên làm thơ con cóc”. Cô bạn học hoảng quá, vì không chuẩn bị cho cái tình huống như thế. Còn anh thì vô cùng sung sướng bảo “Không phải mẹ cháu là bạn bác, mà chính cháu mới đúng là bạn bác. Cháu nói cho bác nghe xem bác đã làm thơ con cóc như thế nào?”. Thằng bé hỏi “Thế bác có biết bài Thơ con cóc không?”. “Bác biết: Con cóc trong hang/ Con cóc nhảy ra/ Con cóc ngồi đấy/ Con cóc nhảy đi”. Thơ con cóc là thơ nói điều hiển nhiên, ai cũng thấy, chẳng cần phải nhà thơ phát hiện. “Bác có bài thơ y hệt bài Con cócCon bướm vàng. Kia là con cóc từ xa đến, nó ngồi đấy rồi nhảy đi, đây là con bướm vàng nó cũng từ xa đến, rồi bay đi, nghĩa là chẳng có gì khác nhau cả. Chỉ khác là bác đã gắn cho nó đôi cánh của con bướm và bác cứ tưởng nó là con bướm. Thực tình nó vẫn chỉ là con cóc thôi…”. Anh rất phục cậu bé này, theo anh nó cũng là “thần đồng” bởi ngày trước bằng tuổi nó, anh chỉ làm được những câu thơ ngớ ngẩn, chứ đâu đã có được ý kiến riêng, đặc biệt là ý kiến khác mọi người.
HÀ KIÊN

Bình luận (0)