Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trần Hữu Tá – người thầy liên tài, nhân hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Tối qua (27-11), tôi nhận nhận được tin GS.Trần Hữu Tá đã ra đi. Biết là cuối cùng thầy cũng lên đường rong chơi miền cực lạc, nhưng vẫn thấy hẫng hụt, khi nghĩ về một người thầy nhân hậu – một ánh sao băng vừa vụt tắt. Tiễn biệt thầy, tôi xin viết đôi điều về con người GS.Trần Hữu Tá.

1. Tôi không có may mắn được học thầy trực tiếp. Khi tôi ra Hà Nội, thầy đã vào Nam. Thành ra ban đầu chỉ là đọc những gì thầy viết, nghe lại những gì người ta kể và nhắc về thầy. Nhưng rồi về sau, cũng được gặp gỡ và trực tiếp chuyện trò, trao đổi, luận bàn. Cũng được thầy coi là thân thiết, được tặng sách và nhất là được ăn nói thoải mái, không phải giữ mồm giữ miệng mỗi khi có dịp gặp thầy. Chỉ tiếc là sống xa cách hai đầu đất nước nên không được thường xuyên gặp gỡ. Tuy thế và dẫu chỉ thế, vẫn đủ đọng lại trong tôi một ấn tượng rất sâu đậm về thầy Trần Hữu Tá – một người thầy có tấm lòng nhân hậu, liên tài.

Chất nhân hậu của thầy toát ra từ giọng nói, dáng di, từ cung cách ứng xử thường nhật với mọi người. Tuy không gần gũi bên thầy hàng ngày nhưng tôi luôn nghĩ chắc chẳng bao giờ ông lớn tiếng, đập bàn đá nghế, “phùng mang trợn mắt”, “đỏ mặt tía tai”, quát tháo om sòm… Với tôi, hình ảnh thầy Trần Hữu Tá luôn là một con hồ phẳng lặng, êm đềm, mềm mại và sâu thẳm bao dung – một con người thanh nhã, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn; ăn cũng thế mà nói cũng thế. Tôi cứ nghĩ, con người ấy, ngay cả lúc nóng giận nhất, quyết liệt nhất vẫn chỉ tung ra những âm sắc của nhã nhạc chứ không xủng xoảng gươm đao. Giọng miền Bắc êm nhẹ, lại dí dỏm hay dùng nhã ngữ nên cách nói của ông rất truyền cảm, thấm thía. Ít khi thấy ông vội vã, tất bật. Cứ để ý cách pha trà tiếp khách là có thể hình dung ra nhịp sống của ông. Không cầu kỳ, hoa lá nhưng cũng đủ cẩn trọng, rất “chuyên nghiệp” và đúng cách. Cùng với nụ cười hồn hậu, cái bắt tay của thầy bao giờ cũng chặt và nồng ấm, luôn mang lại cho người giao tiếp một cảm giác tin cậy, chân thành.

Chất nhân hậu còn thể hiện ở cách nghĩ, cách viết của thầy. Nghĩ và nói về ai, ông thường nhìn và nêu lên cái hay, cái tốt; nói và viết về cái tốt cái hay của họ. Trong nhiều lần tiếp xúc, chuyện trò, bàn luận thường tôi chỉ thấy ông ngợi ca bạn bè, học trò; ít khi thấy chê bai người khác. Cực chẳng đã ông mới nói về bọn côn đồ, lưu manh cả trong cuộc sống và văn chương học thuật bằng một giọng giễu nhại, châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay…

Cũng từ cái nhìn và tấm lòng nhân hậu, ông viết cuốn Từ bục giảng đến văn đàn (NXB Trẻ, 2015) như một sự đồng cảm, tri ân. Cuốn sách viết về 25 nhân vật – nhà văn hóa, nhà giáo, nhà văn. Ông đã làm công việc “tạc văn bia” cho những bậc thầy; trong đó trừ một vài người không cùng thế hệ còn lại hầu hết là những người thầy mà ông được trực tiếp thụ giáo và cuối cùng là những đồng nghiệp, bạn bè cùng thế hệ với ông. Lần giở hơn 300 trang sách, trang nào cũng thấy ngồn ngộn một tấm lòng yêu thương, một thái độ trân trọng và một cảm hứng ngợi ca cái tài, cái đẹp, cái tâm. Với mỗi người, ông đều tìm và khái quát được những nét đẹp riêng bằng một vài chữ ngắn gọn, chính xác và mang đậm dấu ấn cá nhân. Thử đọc tiêu đề một số bài trong cuốn sách: Trương Vĩnh Ký – Người thầy, nhà văn hóa lớn, Dương Quảng Hàm – Người thầy liệt sĩ,  Đào Duy Anh – Nhà từ điển học và sử học xuất sắc, Giản Chi – Bậc trưởng lão ngành văn, Nghiêm Toản – Tấm gương suốt đời tự học, Trần Văn Giàu – Một người hiền,  Huỳnh Lý – Nhà giáo nhân hậu, chí tình, Hoàng Như Mai – Người “đã quyết đem thân phò nghĩa cả”, Phạm Thế Ngũ – Một mảnh hồn thơm, Trần Bạch Đằng – Bản lĩnh cách mạng và sự nghiệp văn chương, Nguyễn Đăng Mạnh – Một chuyên gia xuất sắc về văn học Việt Nam hiện đại… Dễ thấy thái độ trân trọng và cảm hứng ngợi ca của người viết qua hàng loạt hình dung từ như: lớn, xuất sắc, người hiền, nhân hậu, chí tình, nghĩa cả, nhân ái, tâm huyết, hồn thơm, nặng tình

Đọc cuốn sách thấy ông thật hạnh phúc. Hạnh phúc vì được học, được sống, làm việc, cộng tác và tiếp xúc với những con người như thế. Và hơn hết, hạnh phúc vì tất cả những con người ấy với ông đều rất nặng tình, nặng nghĩa, có nhiều kỷ niệm sâu sắc, khó mờ phai. Đúng là cả một thế hệ vàng, một thế hệ nhà giáo – trí thức lỗi lạc. Dưới ngòi bút của ông, mỗi người hiện lên một vẻ; mỗi người là cả một thế giới mênh mông, sâu thẳm; tài năng và đức độ… Nhưng tất cả đều được tiếp cận và nhìn nhận dưới góc độ con người: khắc họa những nét đời thường trong một thánh nhân.

Viết về những con người như thế, người viết trước hết phải có vốn liếng dày dặn, có những hiểu biết kỹ càng về đối tượng; phải có tấm lòng liên tài và cũng phải có tài. Đây không phải là cuốn từ điển văn học; cũng không phải những cuốn sách viết về tiểu sử các danh nhân, loại sách chỉ thuần túy lạnh lùng cung cấp thông tin như thông thường ta vẫn thấy. Cuốn sách này viết từ một trái tim nồng hậu, từ những hiểu biết sâu sắc và phong phú, từ những nếm trải, nghiền ngẫm của một người trong cuộc. Thấp thoáng trong cuốn sách là hình bóng cái tôi – một con người từng chứng kiến, từng gánh chịu, cùng tham gia, cùng đồng hành… với những nhân vật lừng danh một thuở. Cuốn sách là một kho tư liệu sinh động về sự việc và con người một thời mà người viết là nhân chứng sống. Ông viết về họ, thông qua số phận của những trí thức, những cá nhân nhưng đã làm sống lại cả một thời kỳ bi hùng của lịch sử dân tộc.

Lối viết của ông ở tập sách này cũng rất linh hoạt hấp dẫn: khi thì kể lại những sự việc có thật, khi thì cung cấp tư liệu, những minh chứng rõ ràng khoa học, khi thì dẫn dụ, luyến láy bằng thơ văn của chính người được viết. Và trên hết là những nhận xét, bình luận vừa sâu lắng, tinh tế, vừa nặng tình, nặng nghĩa của người viết về người được viết. Đây là những dòng ông viết về Trương Vĩnh Ký – người không cùng thế hệ với ông: “Tính đến nay Trương Vĩnh Ký đã đi về với thế giới người hiền hơn một trăm năm. Cũng như Nguyễn Du, ông luôn mang một tâm trạng khắc khoải. Cuộc đời vốn rất công bằng, nhân dân bao giờ cũng sáng suốt. Hai trăm năm mươi năm qua đi, chúng ta vẫn trân trọng nghĩ đến Nguyễn Du với tư cách một thiên tài văn học. Với Trương Vĩnh Ký cũng vậy. Hơn một trăm năm qua, nhiều thế hệ đã lắng lòng lại trước “cuốn sổ bình sanh công với tội” của ông. Chúng ta kính trọng ông một nhà bác học, một nhà giáo dục, một nhà văn hóa lớn vừa có nhân cách, vừa có chân tài”.

Và đây là những dòng ông viết về bạn bè, đồng nghiệp: “Anh không ồn ào, lớn lối, mà luôn bình tĩnh đĩnh đạc. Đọc anh có lúc tôi có cảm giác như nhìn ngọn lửa hàn. Nó trắng lạnh. Nhưng không nên nhầm, nhiệt độ của nó cao hơn rất nhiều những đống lửa rơm ngùn ngụt. Chính thái độ nghiêm cẩn và trái tim sôi sục ấy của anh làm chúng ta tin những gì anh trải lòng trên trang sách” (Văn Tâm – người nặng tình với văn học dân tộc)…

Cũng với tình cảm và tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” ấy, năm 2000 thầy đã cho xuất bản cuốn Nhìn lại một chặng đường văn học (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000). Cuốn sách hơn 1.000 trang nhằm phân tích, đánh giá sự hình thành và phát triển của khuynh hướng văn học yêu nước, cách mạng ở các đô thị miền Nam từ 1954-1975; đặc biệt là phần giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của 90 tác giả thuộc khuynh hướng này. Nhiều tên tuổi đã quen thuộc như Vũ Bằng, Thẩm Thệ Hà, Vũ Hạnh, Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy, Nguyễn Hiến Lê, Trần Quang Long, Bình Nguyên Lộc, Viễn Phương, Sơn Nam, Lữ Phương, Võ Quê, Thái Ngọc San, Trần Vàng Sao, Lý Chánh Trung, Tần Hoài Dạ Vũ… Nhưng cũng rất nhiều tên tuổi, nhiều người không hoặc ít biết nếu không có sách này như Hàn Xuân, Xuân Việt, Yên Thi, Nhất Tiếu, Đông Tùng, Kỳ Sơn, Tuy Phong, Minh Quân, Mặc Khải,…

Có thể nói cuốn sách là sự bổ khuyết đích đáng cho một khoảng trống về lịch sử văn học nước nhà. Ông đã hoàn thành nó bằng tất cả nhiệt tình và tâm huyết, từ việc sưu tầm, phân tích, đánh giá đến lựa chọn và giới thiệu hàng loạt gương mặt thơ văn yêu nước miền Nam với một thái độ trân trọng, nâng niu: “Có những chàng trai đã cất cao “Tiếng hát những người đi tới” và tiếng hát – tiếng thơ ấy được tỏa rộng, thấm sâu, góp phần tạo nên nhiệt tình cách mạng của đông đảo học sinh, sinh viên xuống đường trong những cuộc đấu tranh quyết liệt ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ…”. Khuynh hướng thơ văn ấy là một thực thể lịch sử, không thể chối bỏ, không dễ lãng quên, nhưng nếu không có người với tấm lòng nhân hậu và liên tài như ông, tôi nghĩ khó có được sớm những công trình như thế.

*

2. Hôm nay 27-11-2022, thầy từ biệt cõi trần; thế là đã 5-6 năm nằm trên giường bệnh. Nhớ lần gần nhất, khi vào dự hội thảo khoa học, tôi rủ mấy anh em đến thăm. Thầy gầy đi nhiều, ít nói hơn; lặng lẽ pha trà, lặng lẽ rót nước, lặng lẽ lắng nghe, lặng lẽ mỉm cười và lặng lẽ rút trong ngăn kéo tặng tôi tập Giác ngộ, trong đó có bài thơ "Điều mới lạ" của thầy mà nhiều người đã biết. Ra về, lặng lẽ nắm bàn tay gầy yếu nhưng vẫn ấm nóng của thầy, thấy thấm thía mấy câu trong "Điều mới lạ":

"Sau khoảng lặng là muôn vàn khoảng rỗng

Chiếc lá trên tay đủ sắc bốn mùa…

Sông không sóng và chiều im gió

Nơi cuối trời lặng lẽ nửa vầng trăng."

Năm tháng qua đi, tài năng thì “vô cùng, vô lượng”, tri thức thì hôm nay mới ngày mai đã cũ; với mỗi con người, nhất là người làm nghề dạy học, cái còn đọng lại trong các thế hệ học trò phải chăng là tấm lòng, đức độ, là nhân cách? Và vì thế làm sao có thể quên được một con người như thầy Trần Hữu Tá?

Vĩnh biệt thầy, vĩnh biệt một trái tim nhân hậu, liên tài. Mong thầy ra đi thanh thản, mát lành như chính con người ông những năm tháng sống giữa trần gian.

Đỗ Ngọc Thống
(Hà Nội, 2016 – 2022)

 

Bình luận (0)