Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tràn lan hóa chất, hương liệu độc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Dù các hóa chất độc hại như hàn the, Formol, Rhodamin B… được cảnh báo có khả năng gây ung thư, bệnh đường ruột và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào kiểm soát việc buôn bán, sử dụng các loại hóa chất trên.

Hương liệu phụ gia không nhãn mác bày bán công khai ở chợ Kim Biên.

Dễ như mua rau!
Những ngày cuối tháng 9, trong vai người mua hàn the tạo độ giòn dai trong chế biến giò chả, chúng tôi tìm tới chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM). Thật lạ là loại chất bị Bộ Y tế đưa vào danh sách các hóa chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm được chào bán công khai. Các chủ quầy đưa ra bịch hóa chất màu trắng (hạt li ti gần giống đường kính) đon đả ra giá 20.000 đồng/kg. Theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ ở chợ Kim Biên mà nhiều cửa hàng buôn bán hóa chất xung quanh chợ trên các tuyến đường Phùng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Vạn Tượng, Vũ Chí Hiếu… đều có bán mặt hàng độc hại này.
Cũng tại chợ Kim Biên, chúng tôi đến một quầy khác hỏi mua chất tạo màu để nấu xôi. Người bán đưa ra đủ loại bột màu cam, nâu, đỏ… đựng trong túi ni lông không nhãn mác, không hạn sử dụng, không xuất xứ nguồn gốc. Người bán cho biết, đây là những mặt hàng được nhập từ Trung Quốc về và khẳng định chất lượng tốt dù giá chỉ 30.000 đồng/100g. Chị bán hàng thừa nhận, dù là phẩm màu công nghiệp nhưng khách hàng vẫn thường tìm mua để lên màu cho xôi, hạt dưa, tương ớt…
Phổ biến nhất tại các quầy bán hương liệu, phụ gia thực phẩm ở chợ Kim Biên vẫn là các loại hương liệu chế biến nước uống, nước giải khát như cà phê, ca cao, chanh, dâu, nho, táo, sầu riêng, cho tới trà sữa… Tại khu vực này, mùi hương từ các can hương liệu phả ra nồng nặc. Giá các loại hương liệu này cũng khá mềm, chỉ 20.000-30.000 đồng/100ml.

Ngoài những mặt hàng “truyền thống” trên, thời gian gần đây tại chợ Kim Biên, còn xuất hiện nhiều loại hương liệu chế biến thực phẩm mới. Đó là hương liệu nấu hủ tiếu, bún riêu tạo mùi và màu như thịt heo, bò, gà, tôm, cua… với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/100g hoặc 100ml. “Chỉ cần nêm một muỗng nhỏ vào nồi hủ tiếu, bún riêu là ngon như thịt, ngọt như xương!”, chị bán hàng quảng cáo. Đáng lưu ý là các loại hương liệu này được đựng trong bịch ni lông, chai nhựa từ 100g đến 1kg nhưng không nhãn mác, không nguồn gốc, không hướng dẫn sử dụng, không có thông tin nào về cấu tạo thành phần, không hạn sử dụng…
Không quản nổi?

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít sản phẩm giò, chả, bánh canh, bún phở có hàn the, Formol; hạt dưa, tương ớt có chứa Rhodamin B và một số loại nước giải khát có chứa đường hóa học, chất tạo đục DEHP… được bán trên thị trường. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, thực trạng sử dụng bừa bãi các hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm luôn là nỗi lo lắng, bức xúc của mọi người.
Nhằm hạn chế thực trạng này, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân lẫn nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra giám sát việc buôn bán sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm tại chợ Kim Biên và cả các cơ sở buôn bán hóa chất khác trên địa bàn TP. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế, bởi nhiều hộ kinh doanh ở chợ và nhiều nơi luôn tìm cách đối phó với cơ quan chức năng, lén lút buôn bán. Thậm chí, khi đoàn kiểm tra tới chợ, các tiểu thương đã phát hiện và cất giấu hóa chất.
Hàn the và hương liệu mùi thịt được bán tại chợ Kim Biên.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho rằng, nhiều người dân vì lợi nhuận hoặc vì thiếu hiểu biết nên sử dụng hóa chất độc hại vào thực phẩm. Để quản lý và kiểm soát việc buôn bán, sử dụng hóa chất độc hại trong thực phẩm, ông Hòa cho rằng, cần tách bạch nơi bán hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm để tránh nhầm lẫn cho người mua.
Bên cạnh đó, người bán hàng phải có trình độ chuyên môn nhất định để có thể tư vấn, cung cấp thông tin cho người mua. “Tại sao quầy thuốc có dược sĩ trong khi những cửa hàng hóa chất bày bán nhiều nguyên liệu phụ gia liên quan đến sức khỏe con người mà hầu hết người bán hóa chất, phụ gia thực phẩm đều không có chuyên môn? Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng xử lý khi người chủ quầy vi phạm (rút giấy phép kinh doanh, chứng nhận chuyên môn…)”, ông Hòa đặt vấn đề.
Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên cho biết, với 17 quầy hàng bán lẻ của chợ không thấm vào đâu so với hơn 40 cửa hàng, đại lý của các công ty buôn bán hóa chất nằm gần đó. Vì vậy, để dễ quản lý và kiểm soát, cần tập trung các cửa hàng, các hộ kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm thành một trung tâm. Tuy nhiên, theo bà Nhung, dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xem xét.
Theo Tiến Đạt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)