Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tràn lan mỹ phẩm Trung Quốc nhái

Tạp Chí Giáo Dục

Các loại mỹ phẩm giả được bày bán tràn lan tại chợ Đồng Xuân – Hà Nội

Mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái đã trở thành vấn nạn từ bấy lâu nay. Thế nhưng ở chợ Đồng Xuân hoặc trên các phố Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội, các loại mỹ phẩm này lại được bày bán tràn lan và công khai.
Nàng Đê Chang Kưm của Trung Quốc
Trong vai một người có nhu cầu đi làm đẹp, tôi tìm đến một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Tại đây, tôi được bà chủ cửa hàng giới thiệu tận tình về sản phẩm. Chị cho biết để chống nhăn, chống chảy xệ, với gương mặt của tôi phải cần lộ trình liên tục trong một tháng. Trong đó, hàng ngày phải đến chỗ chị đắp mặt nạ bằng thuốc bắc (với giá 120.000 đ/lần) và phải mua một hộp mỹ phẩm về bôi. Hộp mỹ phẩm này trị giá 2,9 triệu đồng bao gồm 2 hộp bôi đêm, một hộp bôi ngày và một tuýp sữa rửa mặt. Chị khẳng định với tôi nếu không trắng, không hết tàn nhang, cứ đến đây chị trả lại tiền. Khi tôi đồng ý theo lộ trình làm đẹp, chị mang ra hộp mỹ phẩm. Mặt trước của hộp có chữ Hàn Quốc còn mặt sau là chữ Trung Quốc. Khi tôi hỏi xuất xứ thì chị nói của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhờ có chút vốn chữ Trung Quốc, tôi khẳng định sản phẩm này được sản xuất tại Thượng Hải thì chị đổi giọng: “Sản phẩm này của Hàn Quốc nhưng sản xuất ở Trung Quốc. Và không biết Trung hay Hàn thế nào nhưng rõ ràng có ảnh nàng Đê Chang Kưm, nhân vật trong bộ phim cùng tên của Hàn Quốc do nữ diễn viên Lee  Young Ae thủ vai ở trên vỏ hộp”.
Tò mò, tôi tìm ra chợ Đồng Xuân và phố Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội để tìm hiểu thì các chủ cửa hàng đều nói sản phẩm này có tới mấy chục loại, vỏ hộp màu xanh, màu đỏ, màu tím… và đều có đặc điểm chung dễ nhận dạng đó là có hình ảnh của nàng Đê Chang Kưm. Một chị chủ cửa hàng còn cho tôi xem hẳn cuốn catalogue của sản phẩm và tất nhiên nó không phải của Hàn Quốc mà là của một công ty Trung Quốc. 
Đỏ mắt tìm dầu gội Đức trên đất Đức
Mới đây, tôi ra tiệm gội đầu thì được cô nhân viên giới thiệu dầu gội Garden của Đức, mùi thơm có vẻ rất Tây. Về seach trên Google thấy thiên hạ bán nhan nhản. Chỗ nào cũng giới thiệu là hàng nhập khẩu hoặc hàng xách tay của Đức. Nhưng một điều ngạc nhiên là một cặp (xả gội) có dung tích 1.100ml/chai mà giá chỉ khoảng trên 200.000đ, còn rẻ hơn cả một số loại dầu gội của Việt Nam. Thấy lạ, sẵn có người bạn làm bên hàng không, tôi đặt hàng mua thử. Lần đầu, bạn tôi sang Đức tìm cả siêu thị không thấy sản phẩm này. Tưởng tôi viết nhầm, bạn tôi quay về khách sạn lên mạng seach và chụp hình lại. Lần hai sang, lục tung cả cái siêu thị của Đức lên cũng không thấy, bạn tôi “bó tay” ra về và không hiểu thiên hạ lấy đâu ra dầu gội Garden của Đức mà giá lại như vừa bán vừa cho như thế?!?
Một lần khác, tôi đi tìm mua sản phẩm của Skinfood (hãng này thì đích thị là của Hàn Quốc). Nhưng khi đi mua mỗi nơi kêu giá một kiểu. Có những nơi, về so sánh với giá gốc bên Hàn Quốc (vì giá công khai trên website chính của sản phẩm) thấy còn rẻ hơn, chỉ bằng 50-60%. Thấy lạ đi tìm hiểu mới biết khách hàng không khéo sẽ mắc bẫy “hàng Tàu” như chơi. Hàng thật và hàng giả chỉ phân biệt rõ nhất bằng logo của sản phẩm. Chính vì điều này mà nếu khách hàng không tinh ý sẽ mua phải hàng giả ngay. Không chỉ có Skinfood mà tất cả các hãng mỹ phẩm nổi tiếng khác đều bị làm giả, làm nhái rất tinh vi. Những sản phẩm này được bày bán tràn lan tại các phố Hàng Ngang, Hàng Đào và chợ Đồng Xuân của Hà Nội. Thỉnh thoảng tôi đọc báo lại thấy công an tịch thu hàng tấn mỹ phẩm giả nhưng xem ra vẫn không khiến người bán dừng lại. Chế tài không đủ mạnh lại siêu lợi nhuận, điều đó chính là nguyên nhân để các phố hàng Trung Quốc tại Hà Nội ngày càng nhộn nhịp.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)