Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tràn lan thực phẩm “detox” phổi, bác sĩ khẳng định vô nghĩa!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các loại thực phẩm chức năng “detox”, bổ phổi đang được quảng cáo tràn lan với công dụng “thần kỳ” như tăng cường sức đề kháng, lọc trừ bụi bẩn, virus và đặc biệt “không phải lo hậu COVID-19”… Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng các loại thực phẩm chức năng này không thể dự phòng ho hay điều trị các tổn thương phổi như quảng cáo.

Ma trận thực phẩm chức năng “detox” phổi

Gần đây, lo ngại hậu COVID-19, đặc biệt là cơ thể có thể tổn thương phổi sau khi hết bệnh đã khiến nhiều người dân hoang mang. Nắm bắt tâm lý đó, thị trường thực phẩm chức năng nở rộ các sản phẩm được quảng cáo… có khả năng “detox phổi”.

Tại một hiệu thuốc ở Hà Đông (Hà Nội), trong vai một người đi mua thuốc dự phòng cho mùa dịch COVID-19, sau khi kê thuốc hạ sốt, nước súc miệng, orezol… cô nhân viên không quên tư vấn cho chúng tôi nên uống “detox phổi” để bảo vệ phổi khỏe mạnh.

“Loại này có thể uống ngay từ bây giờ, không phải đợi tới khi mắc COVID-19 mới uống. Nó giúp cơ thể hỗ trợ đào thải độc, tăng cường lá phổi khỏe mạnh, từ đó ngăn ngừa các bệnh hô hấp”, người bán tư vấn. Giá của một hộp thải độc phổi này gần 300.000 đồng và uống trong vòng một tuần. Với những người đang mắc COVID-19, cô nhân viên cũng khẳng định uống thực phẩm chức năng này rất tốt để làm giảm nguy cơ biến chứng vào phổi. “Người già hay trẻ em uống loại này đều được, thuốc chiết xuất từ thảo dược nên không hề ảnh hưởng tới sức khỏe”, người bán nói thêm.

Ma trận  “detox phổi”  được quảng cáo trên mạng

Ma trận “detox phổi” được quảng cáo trên mạng

Tương tự, trên mạng xã hội, thuốc “bổ phổi”, “detox phổi” được quảng cáo rầm rộ. Một kênh bán hàng quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ phổi xuất xứ của Mỹ: những tổn thương phổi ở giai đoạn cấp của bệnh COVID-19 có thể tiến triển mạn tính, gây ho, khó thở kéo dài… sau COVID-19. Nguyên nhân là tình trạng xơ phổi, dãn phế quản, bệnh lý mạch máu phổi. Trong đó, xơ phổi hậu COVID-19 là nổi bật nhất. Chính vì vậy, kênh bán hàng khẳng định sản phẩm của mình có hàng loạt công dụng như: hỗ trợ thải độc phổi, giúp phổi khỏe mạnh, bổ phổi, kháng viêm hô hấp, ngăn ngừa các bệnh hô hấp hiệu quả. 

Một tài khoản chuyên cung cấp sản phẩm thải độc phổi khác cũng giới thiệu những tác dụng đáng kinh ngạc. Theo đó, những ai bị nhiễm nhất thiết nên sử dụng thải độc phổi để sớm phục hồi sức khỏe, bởi thực phẩm chức năng này có khả năng thanh lọc phổi, giảm triệu chứng ho, giảm tác hại và loại trừ hậu quả do tác nhân độc hại gây nên cho phổi, giảm nguy cơ nhiễm lạnh, giúp đường thở thông thoáng… Người bán hàng còn cho rằng, trong quá trình hít thở, các vi-rút có thể đọng lại trong phổi nên sử dụng thải độc phổi sẽ giúp phổi lọc tốt hơn… 

Trên thị trường, các loại thuốc “detox” phổi được bán với nhiều mức giá, từ vài chục ngàn đồng tới bạc triệu, với đủ xuất xứ, từ Việt Nam tới Úc, Nhật, Pháp… 

Chiêu trò “vẽ bệnh”

Liên quan tới thuật ngữ “detox phổi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho hay việc thanh lọc phổi áp dụng với những người trong môi trường hít phải quá nhiều bụi như than, kim loại. Còn về y học, bác sĩ khẳng định không có bệnh lý nào phải thanh lọc phổi. Đặc biệt, COVID-19 là căn bệnh do virus gây ra nên càng không thể có loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào được sử dụng mà có khả năng thanh lọc, thải độc phổi như quảng cáo. Do đó, bác sĩ cảnh báo người dân cẩn thận bị “vẽ bệnh”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích, một số bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 có triệu chứng ho kéo dài. Cơn ho có thể xuất hiện khi cười, nói, hít không khí lạnh, hít phải mùi lạ, thay đổi tư thế, có khi làm thức giấc ban đêm. Cũng có nhiều người ngứa họng, ho nhiều sặc sụa, thường là ho khan ít khi ho có đờm. Đặc biệt, người có cơ địa dị ứng, trào ngược, suyễn hay gặp phải các tình trạng này. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, không vì thế mà quá lo lắng, bởi đây cũng là những triệu chứng mà nhiều người vẫn gặp phải khi mắc các virus cúm thông thường. 

Thay vì tìm đến “detox phổi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo các bệnh nhân có thể đến cơ sở y tế thăm khám khi triệu chứng ho kéo dài. Ngoài ra, làm giảm cơn ho bằng cách tập thở, hít vào thở ra bằng mũi cho đến khi hết ho, uống nước ấm, bổ sung đủ nước, tránh làm khô họng… 

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, khẳng định các loại thực phẩm chức năng detox phổi “không có ý nghĩa”, không thể dự phòng ho hay điều trị các tổn thương phổi như một số kênh quảng cáo. Bác sĩ Trần Văn Phúc cũng đặt vấn đề, dường như người dân đang quá lo lắng về hậu COVID-19 khiến tình trạng thăm khám bệnh hay sử dụng thực phẩm chức năng đang trở nên tràn lan. Trong khi đó, tình trạng ho ở người bệnh có thể xuất hiện nhưng sẽ hết theo thời gian, do vi-rút SARS-CoV-2 tấn công vào đường hô hấp. Trừ những trường hợp ho kéo dài quá một tháng, hầu hết bệnh nhân khác có thể tự khỏi bệnh mà không cần thăm khám. 

Theo H.Anh/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)