Tòa soạnThư đi – tin lại

Tràn ngập “rác lưu bút”

Tạp Chí Giáo Dục

 

Khắc chữ lên cây, viết vẽ lên tường các di tích, công trình công cộng đã trở thành “thú tiêu khiển” của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Việc làm này đã để lại nhiều “vết thương” trên cây cũng như những mảng tường nham nhở, loang lổ rất xấu xí.
“Nạn nhân” ở khắp nơi
Hồ Con Rùa, địa điểm tập trung rất nhiều món ăn vặt được bạn trẻ yêu thích, cũng là nơi lí tưởng để hẹn hò “chém gió”. Nhưng bạn nào đến cũng lăm lăm cây bút xóa để… lưu lại kỉ niệm ta đã ở đây. Và thương thay cho phần tường cứ phải oằn mình gánh chịu những câu đại loại như “B. ơi! Yêu em lắm. Luôn vui nhe em”, “Kỷ niệm anh và em ngắm mưa Sài Gòn. Anh mãi yêu em!”. Ngay cả “thông tin” về các buổi cúp học đi chơi cũng “hoành tráng” chễm chệ trên đây “Hôm nay buồn cúp học môn toán” hay “Ông thầy hôm nay nhìn thấy ngán, lướt luôn… keke…”. Các mảng tường chi chít những dòng chữ nguệch ngoạc cũ mới chồng lên nhau. Không chỉ ở hồ Con Rùa mà cả trên tường Nhà thờ Đức Bà  cũng xuất hiện chi chít những nét viết, vẽ tương tự như thế của các bạn trẻ.
Ngoài ra, các cây xanh trong công viên, trong thảo cầm viên… cũng không tránh khỏi “số phận buồn”. Chỉ khác là cây thì không nguệch ngoạch bằng bút xóa mà khắc bằng vật nhọn như dao, đinh, thép hoặc ngòi viết… Vừa qua, chúng tôi đi tham quan Công viên Đầm Sen, khi đi qua khu vực vườn Xương Rồng, nhìn thấy các vết khắc xấu xí trên nhiều thân cây: “Ta đã ở đây một ngày… kt: Minh kute”. “Chào Đầm Sen! Mãi yêu lớp 10A8…”. Bất cứ cái gì có thể ghi là các bạn trẻ “phang” ra hết. Cây xương rồng phải “hứng chịu” những trận “yêu thương” vô bờ bến ấy. Điều đáng nói là chiếc bảng đề dòng chữ “Không gạch chữ lên xương rồng” được cắm ở giữa bụi cây cũng chẳng ăn thua!
Hay ngay trong khuôn viên Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, từ bồn hoa, tường, cây đều có bút tích yêu đương, cả những câu nói tục tĩu phản cảm được viết bằng tay mới cũ chồng chéo lên nhau. Thậm chí những trái đào tiên bằng nhựa treo lủng lẳng trên cây cũng bị các teen “nhà ta” ghi “dấu ấn tình yêu” với cả số điện thoại, nick chat, tên Facebook…
Tình trạng viết bậy lên tường còn xuất hiện khá nhiều ở các quán trà sữa bởi khách hàng của các quán này đa phần là teen. Tại một quán trà sữa trên đường Quang Trung – Q.Gò Vấp, mặc dù ngay cửa quán có dán tấm bảng in dòng chữ rõ to “Xin đừng viết bậy lên tường” nhưng bức tường ngay đó lại chằng chịt những dòng chữ được viết bằng bút bi, bút xóa hoặc khắc bằng vật nhọn: “Xin cho anh một lần được chết vì em”, hoặc “Hôm nay trời nắng thê lương/ Tui buồn nên viết lên tường cho vui…”. Anh L. – bảo vệ của quán cho biết: “Ý thức của các bạn trẻ hiện nay rất kém, tôi nhắc nhở nhiều lần nhưng các em cứ bỏ ngoài tai”.
Khi thấy một nhóm teen “lăm le” cây bút xóa trong tay tại khu vực hồ Con Rùa, chúng tôi lân la lại hỏi vì sao các bạn lại viết lên tường như vậy. Một bạn nhìn chúng tôi với ánh mắt khó chịu: “Mọi người viết đầy ra đấy có sao đâu. Người ta viết được thì mình cũng viết được?!?”.
Bài học không bao giờ cũ

“Rác lưu bút” thế này tràn ngập ở hồ Con Rùa

Câu chuyện về đường hầm Kim Liên (Hà Nội) vừa mới thông xe một ngày đã bị một nhóm bạn trẻ thiếu ý thức vẽ bậy khiến nhiều người bức xúc. Sau khi vẽ bậy xong, nhóm bạn này thản nhiên khoe “thành tích” trên blog: “Ngày hôm nay, chúng tớ vinh dự được là người đầu tiên vào hầm Kim Liên vẽ vời lung tung, tình cờ đã có mấy chú nhà báo chụp ảnhchữ bọn tớ viết và thế là bọn tớ đã được lên một trang web”. Điều đáng nói là sau khi hình ảnh gây bức xúc về đường hầm Kim Liên bị những bạn trẻ vô ý thức vẽ bậy được đăng tải, một nhóm bạn ở Hà Nội mê graffiti đã tự bỏ tiền túi mua sơn và dụng cụ để lăn trắng lại những mảng tường hầm bị bôi bẩn. Còn “chủ nhân” của các dòng chữ xấu xí trên tường chẳng thấy đâu. Không biết đến bao giờ, các bạn trẻ này mới thực sự biết xấu hổ, biết chịu trách nhiệm về việc làm mà mình đã gây ra!
Ai cắp sách đến trường đều đã được học về việc giữ vệ sinh công cộng trong môn đạo đức lớp 1, lớp 2. Lớn thêm, môn giáo dục công dân dạy ta về nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản Nhà nước và lợi ích công cộng.  Nhưng đối với một số bạn trẻ, bài học này dường như đã bị quên lãng. Nhiều công trình công cộng, di tích lịch sử đang bị các bạn làm cho xấu đi bởi sở thích ích kỷ “ghi lại dấu ấn tâm lý cá nhân”.
TS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết: “Các bạn teen hiện nay rất năng động, tự lập và dám mạnh dạn khẳng định cái tôi cá nhân của mình. Tuy nhiên, cũng vì sống quá nhiều cho cái tôi ấy mà một bộ phận bạn trẻ đã quên đi bổn phận với cộng đồng và không có ý thức giữ gìn của chung. Trong tình yêu có nhiều cách để thể hiện tình cảm, chứ không nhất thiết phải chứng tỏ bằng cách khắc tên nhau làm mất mỹ quan nơi công cộng. Tuổi teen luôn muốn làm gì đó để “ghi dấu ấn” riêng, nhưng cũng cần phải suy xét xem việc mình làm là đúng hay sai. Bởi “lưu lại kỷ niệm” theo cách này, các bạn đang làm mất đi hình ảnh đẹp của chính mình và của đất nước”.
Phạm Quyên – Thanh Duy

 

Bình luận (0)