Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tràn ngập truyện tranh đọc ngược

Tạp Chí Giáo Dục

Truyện tranh đọc ngược của Nhật được bày bán ở nhà sách

Thị trường sách truyện tranh thiếu nhi chưa bao giờ “nổi sóng” như hiện nay khi hàng loạt nhà xuất bản (NXB) tung ra nhiều ấn phẩm… đọc ngược!

Thực tế, truyện tranh đọc ngược (tức truyện tranh Nhật Bản được thể hiện ngược lại so với hình thức của ấn phẩm truyền thống, đòi hỏi độc giả phải đọc ngược từ sau đến trước, từ phải sang trái) đã xuất hiện trên thị trường sách Việt Nam khá lâu khi NXB Kim Đồng bất ngờ ra mắt bộ Ninja loạn thị vào năm 2004. Bộ truyện ra đời khiến dư luận ít nhiều xôn xao, khó chịu. Tiếp theo, NXB Trẻ và rất nhiều NXB địa phương khác đồng loạt “cho ra” nhiều bộ truyện tranh Nhật đọc ngược như: Conan, Doraemon, Tội lỗi và hình phạt, Hương tình yêu… gây nên làn sóng tranh cãi: nên hay không nên tiếp nhận văn hóa đọc ngược từ nước bạn?
Dư luận trái chiều
Lâu nay, truyện tranh Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế áp đảo khi đứng giữa thị trường sách truyện tranh nước ta. Sở dĩ có được điều này là do truyện Nhật đã chiếm một vị trí nhất định trong lòng bạn đọc, không chỉ hấp dẫn về nội dung, hình thức tranh manga đẹp, lạ mà còn vì có tính giáo dục cao và phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt. Nếu như trước đây, các bộ sách nói trên khi vào thị trường Việt Nam đã được các NXB Việt hóa 100%, bạn đọc đã quen tiếp nhận với kiểu in, đọc truyền thống thì bây giờ cũng… 100% truyện tranh Nhật nhưng được in ngược, phải đọc ngược đúng như cách đọc, văn hóa đọc nước bạn. Điều này gây nên nhiều ý kiến trái chiều từ độc giả. Anh Nguyễn Ngọc Hà – nhân viên Nhà sách Phương Nam cho biết: “Cứ 10 phụ huynh đến mua truyện cho con thì đã có 9 người không đồng ý với hình thức thể hiện mới. Theo họ, rất khó để làm quen với cách đọc ngược. Còn giới trẻ, đa phần là học sinh thì nửa thích nửa không!”. Tuy nhiên, anh Hà khẳng định sách truyện tranh Nhật vẫn… bán chạy bởi không thể vì những “lỗi” nói trên mà độc giả quay lưng với chú mèo máy Doraemon hay chàng thám tử Conan nổi tiếng! Còn em Bạch Ngọc Phú (HS lớp 6 Trường THCS Lương Thế Vinh, quận 3, TP.HCM) chia sẻ: “Lúc mới mua truyện, em tưởng NXB… in nhầm. Đến khi đọc phần giải thích và chỉ dẫn bên trong thì mới hiểu. Theo em, đọc ngược không khó, khi quen rồi sẽ cảm thấy rất thích”. Dù vậy, cũng có không ít phụ huynh lo ngại giới trẻ, con em mình là đối tượng dễ tiếp thu cái mới, lạ mà quên mất giá trị truyền thống văn hóa đọc của người Việt Nam.
Tôn trọng bản quyền
Dư luận cho rằng, sở dĩ truyện tranh Nhật đọc ngược “không thể chấp nhận được” là do mỗi quốc gia đều có nét văn hóa riêng, việc gia nhập các “sản phẩm” nước ngoài đòi hỏi phải theo đúng thuần phong, mỹ tục của người Việt. Trước đây, các tác phẩm truyện tranh Nhật được Việt hóa thường mắc phải một số lỗi kỹ thuật khiến độc giả không cảm thụ được tinh thần của tác phẩm, thậm chí sai hoàn toàn so với ý đồ tác giả. Như trường hợp các tay kiếm người Nhật khi được Việt hóa đều phải đấu kiếm bằng tay… trái, hay trong đội bóng có một chân sút bằng chân trái tài ba, sang đến Việt Nam thì cầu thủ này lại sút bằng… chân phải thì không còn gì thú vị. Giải thích cho lối in ngược, ông Cao Xuân Sơn – Giám đốc NXB Kim Đồng, chi nhánh phía Nam cho biết: “Các ấn phẩm được thể hiện đúng như bản gốc thể hiện sự tôn trọng văn hóa nước bạn, tôn trọng luật về sở hữu tác quyền. Hơn nữa, trong quá trình nhượng quyền, các đối tác Nhật Bản khăng khăng buộc Việt Nam tuân thủ theo nguyên tác”. Đồng quan điểm này, nhà văn Trang Hạ khẳng định: “Nhiều độc giả nước ta thích đọc theo quán tính chứ không bận tâm đến khó khăn của người tổ chức khi phải cân đối giữa yêu sách của NXB nước ngoài và thói quen đọc trong nước. Trong quá trình đàm phán với đối tác để mua bản quyền tác phẩm truyện tranh châu Á vào Việt Nam, tôi từng gặp trường hợp họ bắt phải nhượng quyền theo đúng thiết kế của nguyên tác, ngay cả poster quảng cáo cũng yêu cầu sử dụng một thiết kế thống nhất. Nếu phát hiện điểm nào mà ta bóp méo, cắt hoặc thêm, thay đổi nội dung họ sẽ bảo lưu quyền chủ động hủy hợp đồng”. Còn vấn đề liệu giới trẻ có vì tiếp nhận văn hóa ngoại quốc mà quên đi cách đọc truyền thống, thông thường của người Việt, qua tìm hiểu, nhiều bạn trẻ cho hay, việc đọc ngược đối với truyện tranh Nhật chỉ là một hình thức giải trí, đồng thời giúp các bạn hiểu rõ về văn hóa đọc nước bạn để tôn trọng và “mở rộng tầm mắt”, chứ hoàn toàn không nghĩ rằng đó là nét văn hóa “lai căng”, cần loại bỏ.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

“Trong ngành xuất bản, hình thức trình bày một quyển sách cũng mang thông điệp nghệ thuật và giá trị văn hóa, phong cách sáng tác của tác giả” – nhà văn Trang Hạ khẳng định.

 

Bình luận (0)