Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trần Sơn Hải: “Không ai giới thiệu tôi là nhạc sĩ khiếm thị”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Người đời vẫn thường bảo: “giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, nhưng khi biết Trần Sơn Hải (ảnh), người nhạc sĩ trẻ tài năng, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia, nghệ sĩ guitar cổ điển, nhạc sĩ phối khí được giới sáng tác ca khúc tin tưởng… mới thấy anh quả là người “giàu có” dù anh rất “khó” ở “đôi con mắt”.
“Học guitar như bọn trẻ phải đi học chữ vậy thôi!”
Gia đình không ai theo nghệ thuật, cha mẹ là công chức nhà nước, các anh chị đều làm kinh tế, đam mê thuở nhỏ của Hải không phải là cây guitar, những bản nhạc… mà là những con số, những phép logic… Ký ức về tuổi thơ của Hải không nhiều, một căn nhà tập thể bé bé ở tỉnh Thái Bình, những trò nghịch ngợm cùng đám trẻ con trong xóm… Và, cậu bé 7 tuổi bỗng dưng không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, khi chiếc bình khí hydro của người bán bóng bay rong bất ngờ phát nổ trong lúc lũ trẻ đang vây quanh. Tai nạn khủng khiếp ấy cũng là bước ngoặt đưa đẩy Hải đến với con đường âm nhạc, con đường mà từ trước tới nay vẫn được coi là quá xa lạ với những con người trong gia đình vốn không có “máu” nghệ thuật.
Hải đến với guitar như một sự tất yếu: “Mình học guitar như bọn trẻ phải đi học chữ vậy thôi. Cũng như mọi người, ai cũng phải học để có một cái nghề. Với nghệ thuật thì cái nghề ấy dần trở thành đam mê…”. Không biết có phải vì đam mê hay vì cái chất nghệ thuật tiềm ẩn bên trong của mình mà Hải thành ra có duyên với nghề. Năm 19 tuổi, anh đoạt giải thưởng Tài năng trẻ và huy chương vàng độc tấu guitar cổ điển trong cuộc thi Liên hoan sinh viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất. Hải luôn là gương mặt không thể thiếu trong các buổi biểu diễn quan trọng ở nhạc viện… Tốt nghiệp đại học với 2 chuyên ngành: guitar và sáng tác được Nhạc viện Hà Nội giữ lại làm giảng viên Khoa Guitar. Anh còn là nghệ sĩ trẻ đầu tiên của Việt Nam có chương trình biểu diễn guitar cổ điển trên mạng mp3.com. Rồi các album nhạc gồm những bài độc tấu guitar cũng lần lượt ra đời: Trần Sơn Hải classic, Giai điệu Hà Nội… Năm 2007, anh trình làng nhạc phẩm Biển chiều qua giọng hát truyền cảm của Ngọc Anh, cô ca sĩ Sao Mai Điểm Hẹn. Là nhạc sĩphối khí cho bài hát Qua đêm nay của Mạnh Quân, bài hát đoạt giải ấn tượng trong Bài hát Việt 2008… Điều khiến Hải tự hào về bản thân không phải vì những gì đã làm được mà chính là sự nhìn nhận khách quan của mọi người: “Không ai giới thiệu tôi là nghệ sĩhay nhạc sĩkhiếm thị, mọi người nhìn nhận tôi qua tác phẩm nghệ thuật chứ không nhìn nhận từ đời tư hay nhìn “chiếu lệ” cho một người khuyết tật!”.
Đam mê là nền tảng
Trần Sơn Hải tâm sự: “Còn quá bé nên chỉ thấy rất sợ, bị sốc nặng chứ không ý thức được những khó khăn sau này. Chỉ biết là hồi ấy mẹ là người buồn nhất. Không nhớ là mẹ đã đón nhận sự việc như thế nào, nhưng Hải biết mẹ buồn vô cùng”. Sau này, dù công việc bận rộn, nhưng mẹ anh vẫn mày mò, tự đọc các cuốn sách dạy nhạc, đủ để mỗi tối ngồi chép lại những nốt nhạc do anh đọc lại từ bản chữ nổi braille. Bản giao hưởng tốt nghiệp của anh, với 70 nghệ sĩtham gia, hai mẹ con cũng phải vật lộn 20 ngày, đến 12 giờ đêm ngày thứ 20 mới xong. Đó là những kỷ niệm không thể nào quên, mà trong sự nghiệp nghệ thuật của anh lúc nào cũng thấp thoáng hình bóng mẹ. “Hồi ấy, cái động lực học hành “khủng khiếp” lắm. Mình phải chọn lựa, thử nghiệm những con đường phù hợp với hoàn cảnh, phải tự đi bằng đôi chân của mình. Thế nên, phải nói con đường nghệ thuật của mình bắt đầu là sự thử nghiệm, là trách nhiệm nhiều hơn đam mê”, Hải tâm sự.
Rồi ai cũng thế, đã theo nghệ thuật không đam mê là không tồn tại được. Người ta đi từ ngạc nhiên, rồi quen dần, rồi không thể thiếu chàng sinh viên với cặp mắt kính đen bước lên sân khấu các chương trình biểu diễn, liên hoan ca nhạc, các cuộc thi nhạc của sinh viên và trở thành một giảng viên bộ môn guitar của Học viện Âm nhạc quốc gia.
Trò chuyện với Trần Sơn Hải, hầu như không thấy anh nhắc đến những khó khăn của một nghệ sĩkhiếm thị. Hải bộc bạch: “Tôi không đi biểu diễn để được người ta gọi là “vượt khó”. Những người biết đến tôi là những người nghe âm nhạc của tôi, chứ không phải xem cuộc đời riêng của tôi. Và tôi cũng thích những người nghe nghệ thuật của tôi hơn”.
Loan Hà

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)