Là người thứ hai đạt huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế của Việt Nam, tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ tại Pháp, cơ hội được làm việc ở nước ngoài mở ra đối với Trần Thế Trung là rất lớn. Tuy nhiên, anh đã quay về và hiện đang đầu quân tại ĐH FPT với cương vị là trưởng khoa Toán của trường. Liệu có một nguyên nhân nào đó để lý giải cho vấn đề này không, khi mà anh vẫn còn quá trẻ? Anh sinh năm 1978.
Quê hương mỗi người chỉ một
“Học xong tiến sĩ bên Pháp, tôi có ít nhất hơn một sự lựa chọn. Có thể trở về nước làm việc cho Viện Vật lý, làm cho một công ty nào đó, làm tự do hoặc ở tại nước ngoài” – Trần Thế Trung tâm sự. Anh đã ở lại Pháp làm việc một năm nhưng dường như, sau ngần ấy năm sinh sống và học tập tại nước ngoài, anh vẫn cảm thấy mình đang bị thiếu một cái gì đó. Thứ mà anh đang tìm chính là tình cảm đối với quê hương. “Nếu từ ngoài nhìn vào, bạn thấy cuộc sống ở nước ngoài thật dễ chịu. Bạn vẫn có một cộng đồng người Việt nho nhỏ để chia sẻ. Bạn cũng sẽ được sống trong tiếng nói, phong tục tập quán của người Việt, nhưng đó chỉ là một thứ văn hóa nằm bên cạnh văn hóa bản địa” – anh chia sẻ. Anh nghĩ mình “thèm” cuộc sống ấm áp của một gia đình người Việt. Chính vì vậy, sau một năm công tác tại Pháp, anh đã trở về “đầu quân” tại Viện Vật lý Việt Nam. Điều anh tâm đắc nhất khi trở về viện là được làm việc trong môi trường vật lý. Tuy nhiên, những ngày ở viện anh vẫn chưa tìm ra được hướng phát triển cho mình.
Đãi ngộ nhân tài của một nước nghèo
Mức thu nhập của Trung tại Pháp là 2.000 Euro/tháng, còn về viện, mức thu nhập của anh là dưới 20 triệu/năm. Với mức lương này, anh khẳng định khó có thể nuôi sống được bản thân. Không những thế, điều anh buồn nhất là cơ sở vật chất của Viện Vật lý Việt Nam quá nghèo nàn. “Tôi có một cái máy tính, nếu muốn làm việc, tôi phải đặt một cốc nước lên CPU vì cái quạt nó bị hỏng, khi nào cốc nước đó nóng, đi thay cốc khác. Đặt vào đó một cái nhiệt độ để đo cốc nước đó” – anh Trung kể. Chính vì vậy, sau khi làm việc tại viện được 9 tháng, anh đã lựa chọn tìm đến ĐH FPT để giảng dạy môn toán. Vì đây là lựa chọn duy nhất của anh lúc đó. Tuy không được tiếp tục theo vật lý, nhưng được dạy toán cũng là một cơ hội cho anh chờ thời cơ để phát triển chuyên ngành của mình. Anh chia sẻ: “Ở ĐH FPT, toán thì phát huy được rồi, tôi đang hy vọng sẽ phát triển phần cứng để tôi sử dụng khả năng vật lý của mình. Thực tế, phần cứng là rất quan trọng nhưng phải tốn nhiều thời gian đầu tư hơn”. Hiện tại, anh Trung đã áp dụng rất nhiều công nghệ vào việc dạy toán tại FPT và có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp dạy toán, nhất là dạy toán cho sinh viên (SV) CNTT: biên soạn tài liệu, giáo trình giảng dạy, SV FPT học toán trên cả máy tính, thử nghiệm việc dạy toán cho SV bằng cách giao các project cho các nhóm SV thực hiện (đây là các phương pháp giảng dạy rất mới mẻ và chưa có nhiều trường ĐH ở Việt Nam áp dụng), triển khai rất thành công trong việc áp dụng hệ thống CMS trong giảng dạy…
Đứng từ khía cạnh một người được đào tạo bài bản tại nước ngoài, anh cho rằng, nghiên cứu khoa học của Việt Nam không phát triển một phần do đất nước còn nghèo. Nhưng cái quan trọng là không biết khơi nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả. Chúng ta mới chỉ dùng mỗi nguồn vốn là ngân sách nhà nước. Nếu biết sử dụng nguồn vốn xã hội thì được nguồn vốn lớn gấp nhiều lần. Chế độ chính sách đãi ngộ người tài cũng là một vấn đề mà anh quan tâm. Việc ở khối công, hiệu quả sử dụng người tài của Việt Nam chưa cao được anh lý giải đó là do hạn chế của cả hệ thống. Nó không chỉ là trong việc sử dụng người tài mà tất cả các vấn đề của nó đều có một vấn đề nào đó. Sự làm việc không hiệu quả xuất hiện ở khắp mọi nơi chứ không phải chỉ riêng sử dụng người tài.
Trước những hạn chế mang tính xã hội đó, khi trở về nước, Trần Thế Trung có mong muốn mình sẽ góp thêm một tấm gương một người về Việt Nam và làm được một điều gì đó hoặc là không làm được gì cả.
Thiên Lam
Hình: 1
Bình luận (0)