Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trăn trở chuyện xử phạt học sinh: Yêu thương nhưng cũng rất cần sự nghiêm khắc

Tạp Chí Giáo Dục

Có nhiều vấn đề đặt ra trong việc xử phạt học sinh. Điều quan trọng khi dùng bất kỳ biện pháp nào là phải hướng đến việc giáo dục học sinh bằng tất cả tình yêu thương. Để đạt được điều này cũng cần trở lại cái gốc của vấn đề là khâu đào tạo giáo viên.
Thầy cô không chỉ bên cạnh học sinh dìu dắt học tập mà còn dạy những lẽ phải ở đời /// NGỌC DƯƠNG
Thầy cô không chỉ bên cạnh học sinh dìu dắt học tập mà còn dạy những lẽ phải ở đời. NGỌC DƯƠNG
Nghiêm khắc chứ không phải hà khắc
Cô Lê Nga Phương, Trường THPT Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), cho rằng: "Học sinh (HS) cá biệt luôn là nỗi lo sợ đối với giáo viên (GV), đặc biệt là những GV trẻ. Chúng sẽ rút cạn sự kiên nhẫn của bạn, khiến bạn mất kiểm soát, rất dễ trở nên cáu giận, thậm chí khiến bạn mất đi tình yêu với công việc. Nhiều đồng nghiệp chia sẻ với tôi rằng họ muốn bỏ nghề khi gặp những HS “bất trị” như thế".
Là người có 13 năm gắn bó với công tác chủ nhiệm và luôn được giao “trọng trách” chủ nhiệm các “lớp cuối”, cô Nga Phương cho hay cô thường xuyên được làm việc cùng HS cá biệt và cô nhận ra rằng không một đứa trẻ nào tự nhiên trở nên cá biệt.
“Luôn có ít nhất một lý do khiến chúng trở nên thù địch với mọi thứ xung quanh. Những biểu hiện như phá phách, ngủ trong giờ học, thậm chí gây gổ đánh nhau cũng chỉ là cách để chúng chống trả một cách quyết liệt với cuộc đời mà theo chúng là bất công, không đáng sống. Đôi khi, chúng làm vậy là để thu hút sự chú ý của chúng ta, chúng muốn trở nên… đặc biệt”.
Theo cô Nga, lý do vô cùng đa dạng: có thể đến từ những kỳ vọng quá cao của cha mẹ, từ sự so sánh “con nhà mình” với “con nhà người ta”, từ hoàn cảnh gia đình, thậm chí từ một khoảng tối nào đó trong quá khứ mà chúng không muốn phải đối diện.
"Trước khi bước vào lớp, tôi mặc định rằng chúng giống như nhau nhưng tôi sẽ coi đó là những HS đặc biệt, dành thời gian ngoài giờ lên lớp cho những HS ấy nhiều hơn, ở lại và lân la bắt chuyện với chúng vì dù lý do khác nhau nhưng hầu hết những HS này cần sự quan tâm chia sẻ nhiều hơn", cô Phương Nga nói.
Cô Mai Trinh, GV Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), cũng cho rằng những HS “đặc biệt” ấy cần sự yêu thương, tuy nhiên cũng rất cần sự nghiêm khắc nhưng không phải là hà khắc, hình phạt càng không thể là cách “làm nhục” HS trước lớp. HS có thể vẫn quỳ gối theo yêu cầu của GV nhưng sau đó sẽ là thái độ hằn học, chống đối.
“Nếu GV chỉ sử dụng nội quy hoặc quyền lực của mình để áp đặt một cách cứng nhắc thì HS chỉ sợ chứ không bao giờ tâm phục khẩu phục”, cô Mai Trinh nói.
Đầu vào sư phạm phải được tuyển chọn kỹ lưỡng
Cô Hoàng Thục Nhi, nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục tại Phần Lan, cho biết ở quốc gia này, GV rất tôn trọng HS nên không có chuyện la mắng, đánh chửi gì cả và rất sợ bị tổn thương. GV cư xử đúng mực, luôn nghĩ và làm những điều tốt nhất cho HS, nên HS và phụ huynh cũng rất tôn trọng GV.
Có được điều này, theo cô Nhi, cái gốc ở chỗ GV là nghề được xã hội tôn trọng và đánh giá cao. Đầu vào ngành sư phạm có sự tuyển chọn kỹ lưỡng về năng lực cũng như đạo đức… Trong khi đó, ở VN có một thời gian đầu vào ngành sư phạm không được chú trọng, GV không giỏi và cũng có nhiều hành động làm phụ huynh và HS không phục, không tôn trọng.
Phụ huynh cùng hợp tác
Cô Thục Nhi cũng cho rằng hiện một số phụ huynh có khuynh hướng bạo lực hay phụ huynh có chức quyền cũng lợi dụng quyền hạn của mình để gây áp lực lên thầy cô.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục, cho rằng hiện nay phụ huynh dạy con, chăm con, lo cho con nhưng không hề quan tâm đến các thông điệp mình sẽ trao cho con. Chẳng hạn "chăm bẵm con quá đà", con sẽ nhận được thông điệp là mọi người phải chăm sóc ta, ta không phải làm gì cả. Còn khi “nhắc con học”, con sẽ nhận được thông điệp việc học là việc của bố mẹ, của cả nhà. Nếu mình không học, cả nhà sẽ khổ sở. Tương tự, khi phụ huynh “gây gổ với cô khi con phạm lỗi”, con sẽ nhận được thông điệp là con không bao giờ sai, không bao giờ phạm lỗi, chỉ có thầy cô giáo gây sự thôi…
Con đau mắt… phụ huynh điện thoại mắng vốn giáo viên
“Tan trường, về nhà, chỉ cần nghe tiếng điện thoại, màn hình hiện lên tên phụ huynh HS là lo lắng, không biết chuyện gì sắp xảy ra” là tâm trạng chung của nhiều GV mầm non khi đề cập đến một phần mối quan hệ cũng như cách cư xử giữa phụ huynh và GV hiện nay.
Cô P.T.Q, GV mầm non tại Q.8 (TP.HCM), kể rằng: “Vào mùa dịch bệnh, nhà trường đều có khuyến cáo GV cũng như phụ huynh cùng theo dõi sức khỏe của con em. Năm đó, có dịch đau mắt đỏ, sáng tôi đón trẻ vào lớp kiểm tra các bé bình thường, tuy nhiên đến trưa thì phát hiện có bé mắt đỏ lên, đổ ghèn. Thấy vậy, tôi liền liên hệ phụ huynh đón trẻ để đi khám mắt kịp thời. Vậy mà, đến tối, ba của bé điện thoại la lên rằng: Sao cô để cháu bị đau mắt, các cô phải giữ vệ sinh lớp học chứ!. Không chỉ có vậy, phụ huynh còn điện thoại “mách” với hiệu trưởng, con học lớp đó, các cô để cháu bị đau mắt”.
Có GV còn kể bị phụ huynh “dọa” báo ban giám hiệu, báo lên Sở… chỉ vì GV khuyến khích học trò đọc sách, lồng ghép hướng dẫn học trò kỹ năng thuyết trình trong khi phụ huynh cho rằng cuối cấp cần tập trung vào ôn luyện, làm bài tập luyện đề…

Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đề nghị kỷ luật mức cao nhất cô giáo đánh học sinh
Tại cuộc họp chiều 16.5, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đề nghị xem xét xử lý kỷ luật cô giáo tiểu học đánh HS cùng Ban Giám hiệu Trường tiểu học Quán Toan (P.Quán Toan, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) ở mức cao nhất.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Họa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quán Toan, báo cáo: “Ngày 8.5, chúng tôi nhận được báo cáo việc 2 cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang và Phạm Thị Vân có hành vi đánh HS. Trong đó, cô Trang đã tát và dùng thước đánh em Hoàng Gia Đức (HS lớp 2A7). Trưa cùng ngày, chúng tôi đã tổ chức họp hội đồng nhà trường để xem xét kiểm điểm, kỷ luật 2 cô giáo và báo cáo Phòng GD-ĐT Q.Hồng Bàng". Đến ngày 9.5, ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND Q.Hồng Bàng đã ra quyết định đình chỉ công tác giảng dạy 6 tháng và không bố trí làm chủ nhiệm 1 năm đối với cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang. Tuy nhiên, đến sáng 16.5, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một video clip ghi lại cảnh cô Trang cùng cô Vân đánh nhiều HS khiến dư luận bức xúc.
Phát biểu trong cuộc họp chiều 16.5, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, đánh giá việc xử lý trước đó của UBND Q.Hồng Bàng là chưa triệt để. Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kết luận: “Tôi cũng đề nghị cần xem xét mức kỷ luật cao nhất đối với cô giáo Trang, đồng thời xem xét trách nhiệm, kỷ luật với cô giáo Vân, các GV khác nếu có liên quan và tập thể lãnh đạo Trường tiểu học Quán Toan”.
Lê Tân

Theo Bích Thanh – Tuệ Nguyễn/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)