- 1 Trăn trở của người giữ nghề nước mắm Nam Ô
Mặc dù nghề nước mắm Nam Ô đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016. Tuy nhiên đến nay, làng nghề làm nước mắm có lịch sử hàng trăm năm bên bờ chân sóng này vẫn chưa được công nhận là làng nghề truyền thống, điều này khiến nhiều người làm nghề trăn trở!
Bền bỉ giữ nghề
Làng biển Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) không chỉ là nơi lưu dấu nhiều công trình, di tích mang tính lịch sử. Nơi đây, còn được biết đến với nghề làm nước mắm hàng trăm năm của người dân bên chân đèo Hải Vân. Tiếng tăm của nước mắm Nam Ô vang xa từ rất lâu, khi bãi biển này còn nhộn nhịp tàu thuyền đơn sơ trở về sau mỗi chuyến vươn khơi. Vài năm trở lại đây, các cơ sở làm nghề này còn mở thêm dịch vụ đón du khách thập phương, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên đến trải nghiệm và học tập.
Ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô chia sẻ: “Sống bên bờ biển, nghề làm nước mắm Nam Ô ra đời song song với hoạt động đánh bắt cá của ngư dân. Đây được xem là cách tiêu thụ thủy hải sản thu về từ biển. Giọt nước mắm được người làm nghề kết tinh qua tháng năm ủ chợp từ con cá cơm than và hạt muối trắng Sa Huỳnh. Sản phẩm chiết tinh từ mắm là niềm tự hào của người Nam Ô xưa nay. Trải qua nhiều thăng trầm thời cuộc, chiến tranh ly lạc, người Nam Ô vẫn bền bỉ giữ nghề cho đến hôm nay”.
“Năm nào mùa Tết ở đây cũng rất nhộn nhịp, nước mắm trở thành quà tặng nên được đóng chai, hộp rất đẹp mắt. Đó cũng là động lực để người làm nghề giữ nghề giữa thời buổi cơ chế thị trường này”, ông Vinh nói.
Xưởng sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ của anh Bùi Thanh Phú – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề nước mắm Nam Ô ngoài làm nghề còn mở thêm dịch vụ tham quan, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực và cà phê mắm ngay tại nhà. “Giữ nghề bền vững thì cách tốt nhất là mở rộng dịch vụ du lịch trải nghiệm để tiếng tăm nước mắm Nam Ô vang xa hơn, nhiều người biết hơn. Đến đây, du khách sẽ được nghe câu chuyện về nghề làm nước mắm, tham quan các di tích lịch sử, quá trình hình thành vùng đất Nam Ô. Đó là hướng đi mới trong vài năm trở lại đây và sẽ đẩy mạnh trong tương lai”, anh Phú cho biết.
Để bảo tồn nghề làm nước mắm Nam Ô, chính quyền quận Liên Chiểu cũng đã xây dựng đội tàu 6 chiếc để đánh bắt cá cơm phục vụ nguồn nguyên liệu cho người làm nghề. Các hội viên của Hiệp hội làng nghề cũng được tập huấn về chuyển đổi số, sàn thương mại điện tử để giải quyết đầu ra cho sản phẩm được rộng hơn.
Cần sớm công nhận làng nghề truyền thống
Năm 2016, nghề làm nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 6-2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho nước mắm Nam Ô. Mặc dù vậy, nghề làm nước mắm ở Nam Ô có lịch sử ra đời hàng trăm năm đến nay vẫn chưa được công nhận làng nghề truyền thống!
Theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn quy định rõ 3 tiêu chí cần đạt được để công nhận làng nghề. Trong đó, có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận; đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường… Do đó, việc nghề nước mắm Nam Ô chưa được công nhận làng nghề do số lượng hộ tham gia tính theo số liệu của Hiệp hội làng nghề thì chưa đạt.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề nước mắm Nam Ô Bùi Thanh Phú cho biết, hội làng nghề có 70 hộ tham gia nhưng trên thực tế, Nam Ô có khoảng 260 hộ đang trực tiếp sản xuất nước mắm với đa dạng quy mô, tổng lao động tham gia làm mắm khoảng 315 người; tổng sản lượng ước tính năm 2024: gần 300.000 lít. Việc làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô chưa được công nhận do dựa vào số liệu hộ sản xuất của hội làng nghề kể trên. “Chúng tôi đang khảo sát lại số liệu cụ thể để đề nghị cấp trên chứng nhận làng nghề nước mắm truyền thống. Với việc có cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, nước mắm Nam Ô khẳng định thêm về giá trị văn hóa truyền thống của cha ông truyền lại. Bên cạnh đó, có cơ sở để hình thành không gian trưng bày công cộng để trưng bày, bảo tồn và giới thiệu giá trị truyền thống của làng nghề. Đồng thời, có điều kiện để xây dựng điểm đến tham quan, trải nghiệm, giáo dục cho các thế hệ học sinh hiểu thêm về nghề làm nước mắm. Góp phần phát triển nghề truyền thống một cách bền vững”, anh Phú nhìn nhận.
Theo ông Trần Ngọc Vinh, hội làng nghề chỉ là một tổ chức với nhóm người sản xuất. Về lâu dài không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của thương hiệu nước mắm Nam Ô – một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì vậy, việc công nhận làng nghề truyền thống là điều kiện cần để phát huy giá trị truyền thống văn hóa, góp phần bảo tồn và phát triển trong tương lai.
Hiền Lương
Bình luận (0)