Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Trăn trở của những điền chủ

Tạp Chí Giáo Dục

Dù là những điền chủ, có trong tay diện tích đất đai rộng lớn, nhưng nhiều nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn luôn lo lắng trước quy định hạn điền, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc.
Theo các nông dân, việc quy định “trần” hạn điền ở mức 3 ha không chỉ  hạn chế nền sản xuất hàng hóa lớn mà còn là “lực cản” trong việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Trăn trở của những điền chủ

Hạn điền làm khó nông dân

Nông dân Nguyễn Lợi Đức (tên thường gọi Sáu Đức) ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) là người đã đưa cây lúa ngày càng phát triển tại “vùng đất chết” Lương Trà An từ những năm 1990. Từ diện tích 3ha giữa vùng đất phèn, qua tìm tòi nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, ông Sáu Đức đã đưa năng suất cây lúa ở đây lên bằng những nơi “bờ xôi, ruộng mật”.

Sau hơn 20 năm cần mẫn khai hoang, đến nay ông đã có trong tay 190 ha, gồm 120 ha ông mua của người khác để sản xuất lúa giống, 70 ha thuê để mở trang trại nuôi gần 1.000 con bò trong đó có 50 ha chuối cấy mô (Nam Mỹ) để xuất khẩu. Bên cạnh đó, ông còn có cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, giống phục vụ bà con nông dân. Để phục vụ cho điền trang của mình, ông đầu tư 3 máy cày (600 triệu/máy), 3 máy cắt (500 triệu/máy), xe kéo lúa…

“Làm nông nghiệp rủi ro cao, chậm thu hồi vốn (riêng cây lúa đã mất 3 tháng), vì vậy, khi nhà nước kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp nhưng có mấy ai dám? Chỉ có những người gắn bó với đồng ruộng, có tâm, yêu nghề họ mới làm, nhưng làm cũng không dám “bung” mạnh vì khó khăn đủ thứ…” – ông Sáu Đức chia sẻ.

Ông Đức tâm sự: “Với khối tài sản này, tôi có thể bán gửi ngân hàng để lấy lãi ăn cả đời không hết nhưng vì “mắc nợ” đồng ruộng và ham làm ăn lớn nên mới cực như vậy”. Ông tâm huyết với đồng ruộng nhưng nhìn sang lĩnh vực chăn nuôi phập phù, phụ thuộc.

Năm 2014 ông thành lập trang trại nuôi bò theo chuỗi giá trị.  Ông đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và nuôi gần 1.000 con bò (giống và thịt) và trồng 10 ha cỏ. Ông cho biết, đến nay đã bán 2 đợt bò thịt, tuy nhiên ông vẫn ưu tiên để tăng đàn với mục tiêu lên đến 2.000 con. Đồng thời, ông liên kết với nông dân quanh vùng, cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật  cho nông dân nuôi, còn lợi nhuận sẽ chia theo thỏa thuận.

Hiện nay với cơ ngơi nhà cửa hoành tráng và sở hữu hàng trăm héc ta đất, ông được xem là một trong những điền chủ có máu mặt ở miền Tây. Tuy nhiên, luôn lo lắng về vấn đề hạn điền. Ông cho rằng, quy định hạn điền mỗi người làm chủ 3 ha là lỗi thời và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông phân tích, nếu vẫn giữ hạn mức như hiện nay ngoài việc lỗi thời thì nó chính là lực cản cho sản xuất hàng hóa lớn. Sử dụng đất cần lâu dài, nếu nhờ anh em họ hàng đứng tên sau này nảy sinh những tranh chấp pháp lý rất phức tạp. Mặc khác, nếu muốn sử dụng sổ đỏ đi vay tiền thì phải nhờ người đứng sổ đỏ ký tên rắc rối vô cùng.

Mạnh dạn tháo gỡ

Ông Huỳnh Thanh Thấm, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Huệ ở xã Mỹ Quý (Tháp Mười, Đồng Tháp) kể rằng, ông nảy ra ý tưởng thuê đất của nông dân trong xã để có cánh đồng lớn. Hăm hở đưa ý tưởng ra bàn trong Ban Quản trị hợp tác xã, nhiều người lắc đầu, vì lo hợp tác xã sẽ thua lỗ. “Tôi kiên trì thuyết phục và phân tích thiệt hơn mãi mới thông qua được. Tuy nhiên, Hợp tác xã có 15 thành viên thì 5 người rút vốn, không tham gia nữa”. Nhờ trời ủng hộ, cùng thời điểm, vụ thu đông bị cơn mưa đá làm lúa ngã rạp, xung quanh thiệt hại từ 30 – 70% nhưng ruộng của ông làm có kỹ thuật nên thiệt hại chỉ khoảng 5%. Mọi người thấy hiệu quả đã tin tưởng giao gần trăm héc ta. 

Ông Thấm phân tích, khi đem đất cho hợp tác xã thuê, nông dân không cần phải ra đồng mà vẫn có thu nhập cao hơn tự làm. Đó là chưa kể nông dân có thời gian làm công việc khác bổ sung nguồn thu. Còn hợp tác xã khi có diện tích lớn dễ thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng khoa học kỹ thuật nên giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

Theo lời ông, nhờ làm ăn lớn, chi phí đầu tư giảm xuống còn 12 triệu đồng/ha (giảm gần một nửa so truyền thống) mà không phải lo đầu ra. Vì thế, nhiều cá nhân, doanh nghiệp tin tưởng cùng tham gia. Hiện nay, hợp tác xã đã tăng lên 80 thành viên, với 500 ha có hệ thống đê bao khép kín, tưới tiêu bằng trạm bơm, vốn hàng chục tỷ đồng, hoạt động 10 loại dịch vụ. Bên cạnh, HTX liên kết với nhiều doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho trên 700 ha ngoài hợp tác xã. 

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, phải bỏ tư duy manh mún. Muốn làm được điều đó thì phải có vai trò của doanh nghiệp tham gia vào.

Ông cho rằng trên lý thuyết thì dễ nhưng để góp các mảnh ruộng của nông dân lại thì đó là một câu chuyện còn dài mà một mình nhà nước thì không thể làm được. Ông ví dụ: Thời gian qua nông dân ở Thái Bình, Hải Dương… thà để ruộng hoang để đi làm ăn xa nhưng bảo họ góp thì họ không chịu. Chưa kể, khả năng tích tụ ruộng đất sẽ còn gặp nhiều khó khăn do vướng sổ đỏ. Vì thế, nhà nước phải sâu sát đi vào từng vấn đề và gắn với lợi ích của họ thì may ra mới thành công. 

Hòa Hội (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)