Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trăn trở mùa hành hương: Kỳ 1: Đầu năm bói toán tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

Một “thầy” (x) đang hành nghề tại khu vực Lăng Ông Bà Chiểu

Vào đầu năm, tại nhiều đền chùa ở TP.HCM, các dịch vụ “bói toán” bung ra chèo kéo khách hành hương, thậm chí có nơi hoạt động công khai ngay trước các cơ quan chức năng. Nhiều “thầy” bói còn trưng biển quảng cáo… và giành giật khách. Tại những nơi này, không chỉ người nhẹ dạ cả tin tìm đến để xem vận mệnh của mình mà ngay cả học sinh cũng rủ nhau đi xem quẻ đầu năm…  
Chùa nào cũng có “thầy”… xem bói
Những ngày này, dạo quanh các chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), Phổ Quang (Tân Bình), Phật Cô Đơn (Bình Chánh), Lăng Ông Bà Chiểu (Bình Thạnh), chùa Bà chùa Ông (quận 5)… rất đông khách thập phương đến cầu an, thắp hương cầu nguyện cho một năm mới được tốt đẹp. Thế nhưng, sau màn nhang khói là các dịch vụ bói toán, xem tướng số đầu năm hoạt động rất rôm rả, thậm chí nhiều nơi các “thầy, bà” hoạt động một cách công khai, họ đứng tràn cả ra đường để chèo kéo khách.
Tại Lăng Ông, từ nhiều năm nay cứ vào dịp đầu Xuân là “nghề bói” lại có cơ hội nở rộ, thu hút nhiều người dân đến đây bốc săm, xem quẻ. Vì vậy nhiều người thường ví von nơi này là “phố bói”. Quả thật, ngay trước cổng lăng nhiều chiếc bàn được bày đều sát với mép đường, khi thấy xe nào vào thì các “thầy” đua nhau mời mọc. Đồ nghề của các “thầy” là một bộ bàn ghế nhựa, một chiếc cặp đen và tấm bảng “xem tướng, xem sao”. Theo chị bán nước ven đường thì mỗi ngày có hàng trăm lượt khách ghé vào quầy của các “thầy”. Mỗi lần vào, ra như vậy, khách phải trả cho “thầy” ít nhất là 50.000 đồng. Chỉ tay về một “thầy” gầy nhom, da sạm nắng đang ngồi múa máy tay chân phán quẻ cho một khách hàng ở gốc cây, chị bán nước ngao ngán: “Cả năm ông ta chạy xe ôm, từ Tết đến giờ ông quay sang làm nghề xem tướng số! Chẳng biết ông ấy đọc sách tướng số gì, nhưng cứ phán đại cho người xem năm nay gặp vận may, mọi sự suôn sẻ thì khách nào chẳng vui vẻ móc tiền. Chỉ có “bài” ấy, thế là ông ta kiếm được khối tiền trong dịp Tết này đấy”.
Tại chùa Phật Cô Đơn, nhiều khách hành hương lắc đầu ngao ngán khi nhìn cảnh một bà “thầy” sồn sồn, mập tròn, mồ hôi nhễ nhại chạy theo khách để bán những tờ tử vi, tướng số. Tôi vờ hỏi: sách tử vi này ở đâu mà đắt hàng vậy? Bà ta nhăn mặt xua tay có vẻ bí hiểm: “Em cứ yên tâm đi, xem đúng lắm vì chị lấy tại ngôi chùa rất thiêng. Xem đâu trúng đó em ạ! Năm nào chị cũng ngồi bán sách tử vi này, khách thường xuyên đến chùa đều quen mặt cả…”.
Xuôi theo dòng người, chúng tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm. Không giống như trước đây, năm nay trước cổng chùa không còn những cảnh bói toán tràn lan ngoài cổng nữa. Thế nhưng đằng sau sự im ắng đó là đội quân “cò” mồi chài xem bói. Hầu như không một vị khách hành hương nào qua được sự mồi chài của đội quân “cò” này. Khi tôi đồng ý thì ngay lập tức được một “cò” chở vào tận phòng trọ nơi một “thầy” đang hành nghề (gần khu vực chùa – PV). Sau khi chờ đến người thứ 5, tôi mới được diện kiến với “thầy”. Lật bàn tay tôi ra, “thầy” ngắm nghía hồi lâu, đăm chiêu rồi phán: “Đây là năm tốt của cậu, học hành công danh may mắn. Tuy nhiên, đường tình duyên hơi trắc trở. Nếu không làm một cái lễ cắt duyên âm thì khó lấy vợ đấy”. Tôi hỏi làm sao để có thể làm lễ cắt duyên âm, thầy quả quyết: “Qua rằm tháng Giêng, cậu cứ đến đây “thầy” làm lễ. Cả tiền lễ và tiền công “thầy” cắt duyên chỉ hết khoảng vài triệu đồng!”.
Học sinh cũng đổ xô đi xem vận hạn
Ông Huỳnh Miên, Tổ trưởng bảo vệ Lăng Ông Bà Chiểu cho biết: “Năm nay an ninh đã được bảo đảm hơn, tuy nhiên vẫn còn một số tệ nạn như bói toán, xem tử vi lén lút hoạt động nhưng chủ yếu hoạt động trong các nhà ở bên kia đường. Vì chúng tôi không có chức năng khám xét tận nhà nên cũng đành bó tay”.
Tại chùa Bửu Quang (quận Thủ Đức) rất nhiều người đến đây để dâng lễ, cầu cho một năm mới an lành, may mắn, rồi mỗi người lại bốc một quẻ với giá thấp nhất là 5.000 đồng để xem vận hạn trong năm. Đối diện với tôi là cô bé có dáng người mảnh mai với cái tên Hoàng Oanh được khắc trên phù hiệu của Trường THPT Thủ Đức đứng ở góc chùa cầm quẻ đọc đi đọc lại rồi lắc đầu. Người bạn đi cùng với cô thấy vậy gặng hỏi thì Oanh bảo: “Tao bốc được quẻ xấu quá!”. Người bạn an ủi: “Bốc quẻ xem cho vui chứ đừng nghĩ ngợi gì”. Rồi người bạn của Oanh đề xuất: “Hay mày cúng sao đi”. Chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối, người phụ nữ đi thắp nhang gần đó quay lại nói với tôi: “Quẻ tốt thì vui vẻ, chẳng may phải quẻ xấu lại suy nghĩ ảnh hưởng tới học tập. Trước kia con tôi cũng vậy… Cách duy nhất là cố gắng học tập cho tốt là được”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ai đến chùa này đều bốc quẻ, cúng sao, trong đó có nhiều học sinh đặc biệt là học sinh cuối cấp. Ở trong chùa có quẻ, ở ngoài cổng chùa lại có bán tờ tử vi theo tuổi tác. Chị Thùy Minh (KP 9, P.7, Q. Gò Vấp) cùng con gái từ trong chùa bước ra vui vẻ: “Tôi bốc được quẻ và tử vi rất tốt. Sao của con gái tôi năm nay cũng tốt”. Anh Trần Văn Thành (P. Phước Long B, Q.9) cũng cùng con gái đang học lớp 9 đến chùa. Bố thì bốc được quẻ xấu, con thì bốc được quẻ trung bình, hai cha con buồn thiu ra về.
Sau Tết Nguyên đán, nắm bắt tâm lý của nhiều người là “trong những ngày đầu năm, gieo một quẻ bói để xem vận hạn cả năm” nên việc bói toán nở rộ khắp nơi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua thì vẫn chưa có một thầy bói nào bị “đình chỉ hành nghề”, thậm chí, các thầy còn hoạt động công khai ở mọi điểm trong các chốn linh thiêng. Hậu quả là không ít người chịu cảnh tiền mất mà lại phải mang trong mình tâm lý hoang mang, lo sợ cả năm. Điều đáng nói là nhiều em học sinh đi bốc quẻ, xem bói thấy mình xui về nhà chỉ tập trung đi giải hạn mà không để ý đến việc học hành!
Bài, ảnh: VĂN MẠNH
Ông Đào Văn Thảo, Tổ trưởng bảo vệ chùa Vĩnh Nghiêm cho biết: “Tại khu vực xung quanh chùa chưa thấy tình trạng chèo kéo khách bói toán, thỉnh thoảng có một vài người bán sách tử vi; còn “cò” dụ khách hành hương để xem bói thì có cả một công nghệ, đây cũng là điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
 

Bình luận (0)