Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3) trong ngày đầu tiên đi học. Ảnh: Anh Khôi
|
Ngày 11-8, học sinh trên địa bàn TP.HCM đồng loạt tựu trường, dù còn 3 tuần nữa mới đến ngày khai giảng.
Ngày tựu trường thể hiện rõ trên đường phố với lượng xe vào đầu giờ sáng đông hơn hẳn ngày thường, trên những khuôn mặt rạng ngời của học sinh sau kỳ nghỉ hè, ở những ngôi trường được quét sơn lại tinh tươm… Nhìn chung, ngày tựu trường là một ngày vui. Học sinh đến trường hầu hết ăn mặc tươm tất với quần áo mới, giày dép mới, cặp sách mới. Nhiều trẻ vào lớp 1 có chút bỡ ngỡ với trường mới lớp mới, đứng bẽn lẽn, tần ngần trước cổng trường, chờ cha mẹ dắt tay vào tận lớp nhưng không giấu được nét hào hứng pha chút phân vân trước năm học mới. Vài em nhỏ còn khóc sướt mướt khi cha mẹ đã quay lưng về, trong khi xung quanh toàn là người lạ… Những học sinh lớn thì tỏ ra vui vẻ khi gặp lại bạn bè, tíu tít kể những chuyện vui sau nhiều ngày không có dịp gặp nhau. Các giáo viên thì bận rộn với học trò mới còn chưa đi vào nền nếp, quy củ. Có thể nói ngày tựu trường có cả sự bận rộn, lo lắng mà cũng đầy ắp niềm hân hoan, háo hức. Năm học mới đã thực sự bắt đầu, một cách chưa chính thức!
Nhưng ngày tựu trường không phải không có những trăn trở. Năm học mới này dù không có những cải tiến lớn về chương trình, sách giáo khoa nhưng đang nằm trong chuỗi những đổi mới căn bản và toàn diện, tiếp tục sẽ có những thay đổi, cả về cách dạy và học lẫn cách đánh giá, kiểm tra, thi cử. Với những người quan tâm hoặc có liên quan, việc thay đổi đó có thể không chỉ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá mà còn ảnh hưởng đến hứng thú học tập, thậm chí là quyết định đến việc chọn lựa cánh cửa tương lai của cuộc đời. Chẳng hạn, quyết định có hay không việc tổ chức một kỳ thi chung vào cuối năm học này, số môn thi và tính chất của kỳ thi đó…; hay việc có giảm tải chương trình học không, hoặc giảm tải ở mức độ nào; hay việc đánh giá bằng những hình thức nào, cách thức ra đề…, đều tác động ít nhiều đến việc học tập của học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Do đó, nếu những vấn đề còn chưa rõ ràng, chưa có phương án phù hợp và kịp thời thì năm học mới chính là sự khởi đầu của một chu trình thử nghiệm mới mà học sinh có thể lại trở thành “chuột bạch”.
Về trường lớp, có không ít nơi còn chật chội, thiếu sân chơi, thiếu khu vực tập thể dục, rèn luyện thể thao; nhà vệ sinh thì không sạch sẽ… Ở một số khu vực tập trung các khu công nghiệp, không ít trường học trở nên quá tải bởi con em của người tạm trú đông. Rất nhiều trường học không thể tổ chức bán trú cho tất cả học sinh bởi thiếu phòng ốc, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc đưa đón con em. Việc phân tuyến có khi còn máy móc khiến học sinh không được học ở trường gần nhà (do trường của phường/xã khác, quận/huyện khác) mà phải đi xa. Hoặc cá biệt do chỉ tiêu sĩ số (để đảm bảo trường đạt chuẩn quốc gia) mà học sinh mất “quyền ưu tiên”, không được học trường gần nhà hoặc có chất lượng tốt… dù ở ngay trên địa bàn. Đó đây cũng còn một số giáo viên chưa thực sự yêu nghề, yêu trò nên có thái độ, hành vi, lời nói, cách thể hiện chưa đúng mực, khiến môi trường giáo dục thiếu sự trong sáng và thuyết phục.
Nếu những vấn đề còn chưa rõ ràng, chưa có phương án phù hợp và kịp thời thì năm học mới chính là sự khởi đầu của một chu trình thử nghiệm mới mà học sinh có thể lại trở thành “chuột bạch”.
|
Lâu nay chúng ta vẫn nghe cụm từ: Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội, nhưng trên thực tế sự phối hợp này diễn ra vẫn còn chưa rõ ràng, chưa có hiệu quả rõ nét. Học sinh vẫn được dạy chấp hành Luật Giao thông nhưng trên đường thường xảy ra tình trạng kẹt xe và hiện tượng vi phạm luật đi đường, kể cả phụ huynh lúc đang chở học sinh đến lớp. Các em vẫn được yêu cầu giữ gìn vệ sinh ở trường, ở nhà, ở đường phố… nhưng đó đây vẫn vương vãi rác, đọng nước, nạn tiểu tiện ngoài đường vẫn khá phổ biến, các dòng kênh rạch luôn ngập rác. Như vậy điều các em học được khác với thực tế cuộc sống, khiến nhiều em cảm thấy không nhất thiết phải thực hành điều mình học bởi khi người lớn không làm gương thì sự nghiêm cẩn của các em có thể trở nên lạc lõng. Trong khi đó, gia đình thường đòi hỏi nhà trường đảm bảo này nọ cho con em họ nhưng bản thân phụ huynh ít khi hợp tác đầy đủ với nhà trường trong việc giáo dục trẻ. Không ít phụ huynh cho rằng thực hiện việc đóng góp là coi như hoàn thành nghĩa vụ mà thiếu giám sát việc học của con em, theo dõi việc dạy của giáo viên, cũng không có phản hồi để việc dạy dỗ con em mình hợp lý hơn. Cũng có phụ huynh thiếu hẳn sự chăm sóc sức khỏe và việc học của con em, thể hiện qua việc chẳng chăm chút quần áo, cặp sách cho con hay ngó qua bài vở để xem con học những gì, tiếp thu được những gì, có đáp ứng được chương trình và yêu cầu của giáo viên hay không. Đó là điều rất đáng tiếc.
Ở những góc nhìn khác nhau còn có thể nhìn thấy nhiều điều trăn trở khác nữa. Từ chuyện quy định đồng phục, các khoản đóng góp, đến chất lượng của các cuộc họp phụ huynh, chất lượng của bữa ăn bán trú… đều có thể là mối băn khoăn của phụ huynh và học sinh, mà năm nào cũng xảy ra nhưng chưa được khắc phục triệt để. Tất cả những điều đó đòi hỏi phải có sự quan tâm sâu sắc và toàn diện của các cấp chính quyền, của các nhà quản lý giáo dục, để sự trăn trở năm trước không lặp lại ở năm sau!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Nhiều học sinh vắng mặt
Ngày 11-8, đồng loạt học sinh các khối đã tựu trường. Theo đó, học sinh một số trường trung học bước vào học ngay chương trình chính khóa sau tiết sinh hoạt đầu giờ. Riêng khối tiểu học, các em chưa vào chương trình chính mà được giáo viên tập trung nhận lớp, ổn định sĩ số, làm quen nề nếp hay nhắc nhở về trang phục, sách vở, đồ dùng học tập… Đối với học sinh lớp 1, do còn bỡ ngỡ nên các em được giáo viên hướng dẫn làm quen trường lớp, bạn bè mới một cách nhẹ nhàng, kỹ lưỡng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày đầu tựu trường, có không ít học sinh khối tiểu học đã vắng mặt. Cụ thể, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) vắng 1-2 em/lớp; Trường Tiểu học Bình Triệu (Q.Thủ Đức) vắng khoảng 100 em. Cô Hàn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Triệu, cho biết: “Nguyên nhân vắng mặt là do các em đi du lịch, về thăm quê chưa kịp trở lại thành phố để đến lớp. Nhà trường cũng gọi điện, thông báo đến phụ huynh để các em sớm được đến trường”. Theo cô Thuận, trong tuần đầu nhà trường chưa cho các em học chương trình chính khóa. Sau buổi tựu trường, các em được giáo viên củng cố kiến thức cũ để tuần tới bước vào các môn học mới của chương trình chính.
N.Trinh
|
Bình luận (0)