Mùa xuân là mùa đẹp nhất và giàu sức sống nhất trong một năm. Đây là mùa tượng trưng cho năm tháng của tuổi trẻ, trong đó có lứa tuổi học sinh. Vì thế trong nhà trường, nhất là bộ môn ngữ văn, cần có những bài thơ hay để giáo dục học sinh, vực dậy nhiệt khí nơi các em. Nhưng tiếc một điều là, thơ viết về mùa xuân, về Tết trong nhà trường hiện nay còn quá ít ỏi. Thời học phổ thông, mỗi lần Tết đến, bạn bè tôi thường thích nghêu ngao mấy câu trong bài thơ Xuân của Chế Lan Viên: “Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?/ Với tôi, tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”. Tuổi hồn nhiên, vô tư mà cảm được nỗi buồn thê thiết của một hồn thơ mới trong tập Điêu tàn như thế là có cơ sở. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, kinh tế đất nước khó khăn, vật chất thiếu thốn. Chúng tôi vừa học vừa làm, nhiều gia đình phải “chạy gạo đong từng bữa” để đón Tết. Vì thế, đối với thế hệ chúng tôi, Tết mang cảm thức buồn nhiều hơn vui. Tuổi trẻ hiện nay không còn “nỗi buồn thế sự” như chúng tôi nữa. Và bài thơ Xuân nói trên của Chế Lan Viên cũng không còn thấy trong chương trình ngữ văn phổ thông, ít người còn nhớ đến. Dĩ nhiên, không có thơ buồn thì phải có thơ vui, học sinh phải được biết và học nhiều hơn về thơ Tết. Để qua đó có thêm tình yêu mùa xuân, thiên nhiên, yêu cuộc sống. Ấy vậy mà, nhìn vào chương trình phổ thông hiện nay, chúng ta thấy thơ buồn quá nhiều, mà thơ vui, thơ viết về mùa xuân, về Tết thì quá ít. Những bài thơ như Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải), Vội vàng (Xuân Diệu), Bức tranh quê (Anh Thơ), Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử)… chỉ là một khía cạnh, một góc nhìn về mùa xuân, chưa thật toàn diện. Ai quan tâm hơn thì lần tìm về thơ cổ. Nhưng thơ trung đại thường nói và viết hay về mùa thu hơn mùa xuân. Chẳng hạn, đâu đó là vài chấm phá của Nguyễn Du: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (Truyện Kiều); hay tâm sự sâu kín riêng tư của Nguyễn Trãi qua hình tượng cây chuối: “Tự bén hơi xuân tốt lại thêm…” (Ba tiêu). Thơ xuân của Nguyễn Khuyến, Tú Xương cũng không thiếu nhưng dư vị buồn chứ không vui. Những bài như Chợ Đồng (“Dăm ba ngày nữa tin xuân tới/ Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng” – Nguyễn Khuyến), Mùng hai tết viếng cô Ký (“Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ/ Ông chồng thương đến cái xe tay” – Tú Xương)… nhuốm vị chua chát buổi giao thời của xã hội phong kiến nửa thực dân. Các văn bản này trước đây có đưa vào chương trình phổ thông, hiện nay đã cắt, giảm tải, thay thế.
Điểm qua mấy ý trên để thấy rằng thơ Tết, thơ mùa xuân là một khiếm khuyết rất lớn trong chương trình phổ thông hiện nay. Rất hiếm để có được bài thơ có sức sống vững bền như Cáo tật thị chúng: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của thiền sư Mãn Giác (đời Lý, 1052-1096) trong chương trình lớp 10 phổ thông. Sự khiếm khuyết này chương trình giáo dục phổ thông mới môn ngữ văn đang đưa vào áp dụng chưa bù đắp được.
Không chỉ về thơ, thiết nghĩ, cần thêm nhiều bài học cho học sinh phổ thông về văn hóa, về lễ hội, về các nét đẹp truyền thống của Tết cổ truyền dân tộc. Trong giai đoạn đổi mới văn học sau năm 1975, nhất là sau 1986, đâu đó vẫn thấy có một số tác giả bù lấp vào mảng khuyết về đề tài này khi nhìn về góc độ văn hóa, tâm linh, như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng… nhưng chưa được nhiều. Chủ trương của chúng ta bấy lâu nay là xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Về tính “tiên tiến, hiện đại” thì chúng ta đang cố gắng để đạt được. Song, xin đừng xem nhẹ tính đậm đà bản sắc dân tộc của chủ trương trên.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)