Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Trăn trở xúc tiến thương mại

Tạp Chí Giáo Dục

Trong năm 2016, các tỉnh, thành phía Nam đã tổ chức hơn 600 chương trình xúc tiến thương mại (XTTM). Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục XTTM và các địa phương, hoạt động XTTM vẫn chưa có sự đổi mới rõ rệt.

Định hướng chưa cao

Hội chợ triển lãm (gọi tắt là hội chợ) là hoạt động chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngân sách XTTM của các địa phương. Năm 2016, các địa phương phía Nam đã tổ chức 33 hội chợ riêng, tham dự 172 hội chợ chung của cả nước và 22 hội chợ nước ngoài. Trị giá hợp đồng, doanh số của doanh nghiệp (DN) phía Nam thông qua các hội chợ đạt gần 300 tỷ đồng, chiếm gần 60% so với cả nước.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phía Nam trực tiếp tổ chức vận động “Người Việt dùng hàng Việt” với 162 phiên chợ tại các vùng nông thôn, khu công nghiệp, miền núi, hải đảo, thu hút hơn 3.000 lượt DN tham gia với giá trị giao dịch trên 70 tỷ đồng. Các địa phương cũng tích cực triển khai công tác thông tin thương mại, tăng cường các hoạt động XTTM mang tính liên kết vùng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp hạn chế trong việc tham gia các hội chợ hay khảo sát thị trường, giao dịch thương mại ở nước ngoài

Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng, Trưởng đại diện Văn phòng Cục XTTM tại TPHCM, hoạt động XTTM của các tỉnh, thành phía Nam vẫn chưa có sự đổi mới rõ rệt. Tuy có tăng về số lượng nhưng việc hỗ trợ các DN còn ngắn hạn, tính định hướng chưa cao. Các địa phương đã chủ động hơn trong nguồn kinh phí hoạt động, nhưng nhìn chung kinh phí còn rất hạn hẹp, chưa đảm bảo cho các hoạt động XTTM có quy mô và chiều sâu. DN ở các địa phương chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính và quản lý kinh doanh yếu nên gặp hạn chế trong việc tham gia các hội chợ hay khảo sát thị trường, giao dịch thương mại ở nước ngoài. Mặt khác, hàng hóa của DN tham gia một số hoạt động XTTM chưa phong phú, đa dạng.

Bà Thanh An cũng nêu lên tình trạng hội chợ, phiên chợ hàng Việt chưa được tổ chức, quản lý tốt. Việc dàn dựng gian hàng, trang trí tổng thể các phiên chợ tại một số địa phương còn sơ sài, chưa tạo ấn tượng tốt về các phiên chợ cũng như về hàng hóa, sản phẩm Việt. Nguyên nhân của việc này là do việc lập kế hoạch, triển khai, kiểm tra, giám sát còn sơ sài, buông lỏng, giao khoán cho nhà thầu. Trong một số trường hợp, việc quản lý DN chưa tốt, để xảy ra hiện tượng hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc hàng hóa của nước ngoài trà trộn vào hội chợ, phiên chợ hàng Việt.

Nhiều cơ quan XTTM ở các địa phương cũng thừa nhận, thông tin thị trường dành cho DN thời gian qua thiếu bám sát thực tế, ít cập nhật thường xuyên. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại và hội chợ Cần Thơ, cho rằng việc cung – cầu thông tin chưa gặp nhau. Thông tin DN cần thì phía cơ quan XTTM cung cấp chưa thỏa đáng; thông tin DN nhận được thì lại chưa thiết thực. Hạn chế này một phần do kinh phí không đáp ứng được các hoạt động nghiên cứu thị trường, đồng thời năng lực của các trung tâm XTTM cũng có hạn. Song mặt đáng nói hơn là ở một số thị trường, vai trò cung cấp thông tin của tham tán thương mại cho DN còn rất mờ nhạt, chỉ là những số liệu đơn thuần; thông tin thị trường chưa chuyên sâu; thiếu phân tích cơ hội kinh doanh, thẩm định đối tác thương mại. Với những thông tin thiếu bổ trợ như vậy nên một số DN không mặn mà với các hoạt động XTTM.

Đầu tư chiến lược XTTM dài hạn

Trong năm 2017, Mỹ, Trung Quốc và EU là 3 thị trường mà DN đang khao khát được cập nhật thông tin thường xuyên nhất, bởi những diễn biến chính trị, kinh tế và những thay đổi chính sách của chính quyền thật khó lường ở những thị trường này. Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước, còn đề nghị Cục XTTM hỗ trợ tỉnh đẩy mạnh giao thương với thị trường Campuchia.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, để mang lại hiệu quả cho DN khi tham gia các hội chợ, khảo sát thị trường hay kết nối giao thương ở nước ngoài, các cơ quan XTTM cần tìm hiểu cặn kẽ thị trường (nhu cầu, thị hiếu, phân khúc tiêu dùng…) để xác định thị trường cần gì, những ngành hàng, sản phẩm nào của Việt Nam phù hợp và nên chủ động tìm kiếm một số đối tác tiềm năng để giới thiệu cho DN tìm hiểu trước. Về phía DN, khi tham gia các hội chợ hay kết nối giao thương ở nước ngoài, cơ quan XTTM hãy cùng DN kiểm tra, xác định xem sản phẩm mang đi giới thiệu có đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện theo yêu cầu thị trường, đối tác hay không; DN có khả năng cung cấp ra sao khi đối tác chấp nhận sản phẩm; uy tín DN được bảo đảm thế nào… Ông Toại đề xuất: “Cần ấn định trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc cung cấp, kết nối và phản hồi thông tin cho DN, bằng cách yêu cầu các lãnh sự, tham tán thương mại báo cáo đã giúp được bao nhiêu DN trong năm và giúp cụ thể thế nào”.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục XTTM, khẳng định: “Công tác XTTM ngày càng trở nên quan trọng để giúp DN tiêu thụ hàng hóa, từ đó tác động lớn đến phát triển sản xuất. Hoạt động XTTM phải thay đổi theo hướng có chiến lược dài hơi, tập trung đúng đối tượng, tránh kiểu làm dàn trải. Công tác XTTM nên tập trung vào những thị trường trọng điểm với sự đầu tư chuyên sâu vào từng mặt hàng chiến lược có thế mạnh của vùng như nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến (miền Tây Nam bộ); đồ gỗ, giày da, may mặc (Đông Nam bộ). Nếu địa phương nào xây dựng được đề án XTTM cho 3 – 4 năm và cam kết thực hiện có hiệu quả cụ thể, Cục XTTM sẽ trình Bộ Công thương duyệt chương trình XTTM trung hạn này một lần để trung tâm XTTM địa phương thuận lợi triển khai”.

Về thông tin thị trường, ông Sơn cho biết Cục XTTM đang xây dựng cổng kết nối thương mại cả nước, hy vọng sẽ cung cấp được nhiều thông tin thiết thực hơn cho các cơ quan XTTM địa phương và DN.

HẢI HÀ – VÂN NGUYỄN (SGGP)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)