Hiện nay, tình trạng học sinh – sinh viên (HS-SV) phạm pháp đang có chiều hướng gia tăng và đáng báo động. Thống kê cho thấy từ năm 2005 đến nay, HS-SV phạm pháp ngày càng phức tạp hơn về tính chất và mức độ. Chỉ tính từ năm 2005 đến 2008, đã có hơn 8.000 trường hợp HS-SV trong nước vi phạm pháp luật hình sự với nhiều hành vi như: Đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, xâm hại sức khỏe và tính mạng người khác… Thiếu sự chăm sóc của gia đình và yếu kém về kỹ năng sống là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng phạm pháp nguy hiểm đó, cụ thể là chưa có nhận thức và hành vi đúng đắn, lối sống ích kỷ, ham hưởng thụ, đua đòi chạy theo giá trị vật chất…
Xét về mặt khoa học, thực tế cho thấy khi bước vào giai đoạn tuổi vị thành niên do có những biến đổi tâm sinh lý mà không ít bạn trẻ đã thiếu hiểu biết, không tự chủ và thiếu kiểm soát được hành vi theo kiểu “ma đưa lối quỷ đưa đường” nên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hiện nay một số HS phổ thông bỏ học hoặc vẫn đang còn đi học tự tìm rồi kết thành băng nhóm đánh nhau, gây rối xã hội đang làm mọi người lo lắng. Thực trạng này cho thấy có nhiều nguyên nhân từ phía gia đình, nhà trường và xã hội cho đến bản thân các em thiếu điều kiện trang bị bản lĩnh để chống lại những cám dỗ hoặc lợi ích vật chất.
Vì vậy giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống là nội dung không thể thiếu được trong nhà trường không ngoài mục đích giúp tất cả các em được tiếp cận một cách dễ dàng và thường xuyên hơn về lối sống tốt. Trong môi trường giáo dục học đường, mối tương tác và tiếp xúc thường xuyên giữa GV và HS, giữa HS và HS, giữa GV với GV cùng với kinh nghiệm sẵn có của thầy cô đã được chiêm nghiệm từ thực tiễn cuộc sống sẽ là “bó đuốc soi đường” định hướng các hoạt động về đạo đức đúng đắn. Giáo dục đạo đức và kỹ năng cho HS không thể bằng lý thuyết khô cứng mà thông qua phương pháp tích hợp lồng ghép nội dung vào môn đạo đức và giáo dục công dân. Ở đây GV cần phân biệt giáo dục đạo đức với rèn luyện kỹ năng sống. Ví dụ, nếu ở bài học đạo đức các em phải biết vâng lời thì trong chương trình dạy kỹ năng sống không có khái niệm đó mà chỉ có khái niệm lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ. Đây là sự khác biệt của việc giáo dục kỹ năng sống với các môn học truyền thống như đạo đức và giáo dục công dân mà chúng ta phải rạch ròi.
Tuy nhiên, việc giáo dục chỉ diễn ra trong nhà trường thôi thì cũng chưa đủ. Chúng ta phải biết phối hợp cùng với các ban ngành, đoàn thể mà đặc biệt là Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên để giáo dục nền tảng đạo đức cho HS. Nếu HS tiểu học chủ yếu được giáo dục nhóm kỹ năng nhận thức xã hội và quản lý bản thân thì với HS THCS lại chú trọng hơn nhóm kỹ năng xã hội giao tiếp, phòng chống bạo lực, kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt hơn, chúng ta phải quan tâm tới đối tượng nữ sinh, chú ý kỹ năng giao tiếp, trang bị cho các em bản lĩnh tự bảo vệ mình và giải quyết nhanh, an toàn các tình huống xảy ra trong đời sống hàng ngày để các em luôn làm chủ được bản thân.
ThS. Võ Cao Long (Phó trưởng Phòng GD-ĐT Phú Nhuận)
Bình luận (0)