Trong những năm gần đây, không chỉ ở các trường tư thục, trường bán công, các trường tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội cũng như các thành phố lớn trên cả nước có xu hướng xã hội hóa giáo dục, nhà trường và gia đình cùng lo để trang bị cơ sở vật chất cho con em có được môi trường học tập tốt nhất. Tuy nhiên, phụ huynh "lo" giúp nhà trường đến đâu, và sự chăm lo đó có gây phản ứng xấu hay không, sự thận trọng là rất cần thiết trong môi trường giáo dục.
Một tiết học ứng dụng CNTT ở Trường tiểu học Kim Liên.
|
Trong niềm vui được chứng kiến bước ngoặt lớn, đánh dấu sự khôn lớn của con em mình, trong thâm tâm, phần lớn các bậc phụ huynh không ngại chi nhiều tiền để trang bị cho con cơ sở ban đầu tốt nhất. Ngay trong tuần đầu tiên con đến trường tham gia chương trình Làm quen lớp 1, chị Thủy, phụ huynh của cháu Tuấn Lâm, năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) đã chủ động gặp gỡ bàn bạc với phụ huynh khác của lớp, nhanh chóng đề xuất kiến nghị với giáo viên chủ nhiệm. Cụ thể họ đề xuất lắp thêm đèn, quạt, điều hòa nhiệt độ. Khó khăn nhất là dàn máy tính cùng hệ thống đèn chiếu. Trong cuộc họp phụ huynh, nếu tất cả các khoản đưa ra đều nhất trí thông qua, việc thu chi sẽ giao cho ban phụ huynh lo liệu mua sắm.
Trong buổi họp phụ huynh ở lớp con trai chị Thủy, nhiều ý kiến cho rằng, không đồng ý tình trạng trang bị thiếu đồng bộ lớp có, lớp không; tạo tiền lệ cho môi trường giáo dục không lành mạnh. Chính vì thế, phụ huynh chỉ thông qua việc lắp điều hòa.
Tất cả những khoản thu này đều thực hiện trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh, nhà trường không có bất kỳ sự bắt buộc nào. Nhà trường tạo điều kiện cho các lớp tự bảo quản cơ sở vật chất bằng cách để những lớp đã được đầu tư sửa sang, lắp đặt thiết bị theo học phòng học đó suốt năm năm tiểu học.
Hiện nay, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Ðình), Trường tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy), Trường tiểu học Kim Liên là một trong không nhiều trường ở Hà Nội có toàn bộ các lớp được lắp đặt điều hòa nhiệt độ bằng tiền phụ huynh tự đóng góp. Sau năm năm các em ra trường, kết thúc chương trình tiểu học, những trang thiết bị các lớp đóng góp sẽ được nhà trường tiếp nhận như một tặng phẩm của lớp cho nhà trường, để khóa tiếp theo sẽ không phải đóng góp để mua nữa – Bà Phan Lan Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên nói.
Hệ thống máy chiếu cũng đã được đầu tư song không được phổ biến như lắp đặt điều hòa. Không thể phủ nhận lợi ích của công nghệ thông tin áp dụng trong việc dạy và học. Sử dụng máy chiếu với những đoạn băng giáo viên sưu tầm được để minh họa cho những khái niệm mà học sinh chưa đủ vốn sống để hiểu tỏ ra rất hiệu quả, tạo sự sinh động trong bài giảng, vừa giúp trẻ bồi đắp thêm những khái niệm thường thức về cuộc sống. Cô giáo Bùi Minh Hương, giáo viên dạy giỏi cấp thành phố của Trường tiểu học Kim Liên (Ðống Ða, Hà Nội) cho rằng, việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy và học đem lại cho bài giảng hiệu quả thiết thực. Nơi cô đang công tác là một trong những trường áp dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học khá hiệu quả. Nhiều sáng kiến giáo dục của giáo viên nhà trường đoạt giải thành phố như ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy học môn luyện từ và câu lớp 2 của giáo viên Nguyễn Ngọc Lan. Một số biện pháp chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên Nguyễn Văn Long…
Cô giáo Lê Thị Quyên, giáo viên dạy lớp một nhiều năm nay ở Trường tiểu học Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Trường chị dạy không có chủ trương khuyến khích phụ huynh đóng góp tiền trang bị thêm cơ sở vật chất ở trường. Ðối tượng học sinh ở trường hầu hết gia đình khó khăn nên việc đóng góp thêm để trang bị đầu cấp là cả một vấn đề. Bản thân chị, bao nhiêu năm dạy chương trình lớp 1, thấy rằng, công việc của chị cần nhất sự tỉ mỉ, tận tâm. Nếu có thêm sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, tiết học sẽ sinh động, thú vị, các em sẽ có ấn tượng với bài học hơn. Tuy nhiên, với điều kiện sống hiện nay, đầu tư mỗi lớp một máy chiếu hàng mấy chục triệu đồng đối với trường chưa thật sự phù hợp. Có nhiều cách, nhiều dụng cụ dạy học tự làm cũng mang lại hiệu quả cao, không cứ gì phải thiết bị đắt tiền. Quan trọng là sự tận tâm, chịu khó của mỗi giáo viên với nghề nghiệp của mình.
Bà Nguyễn Ngọc Diệp, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội cho biết, chúng tôi không khuyến khích phụ huynh đóng góp để mua sắm trang thiết bị nội thất cho lớp học. Nhưng nếu phụ huynh đề xuất đóng góp để trang bị cơ sở vật chất tốt hơn cho con em họ thì chúng tôi cũng không cấm. Tuy nhiên, khi trường muốn huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh phải rõ mục đích và được tất cả thông qua.
Thực tế cho thấy, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tạo điều kiện, yêu cầu cần ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin trong dạy và học, nhưng việc sử dụng công nghệ thông tin ở cấp tiểu học vẫn còn nhiều bất cập. Số giáo viên tiểu học đủ trình độ tin học để ứng dụng trong giảng dạy chưa nhiều, chưa phát huy hiệu quả của máy móc.
Ai cũng muốn con em mình được hưởng môi trường giáo dục tốt nhất. Mua sắm thêm trang thiết bị tạo điều kiện tốt hơn cho việc dạy và học là điều tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của xã hội, sự phân biệt giàu, nghèo ngày càng rõ rệt, môi trường giáo dục cần tránh tình trạng này triệt để nhất.
Theo BÌNH NHI
(NDĐT)
Bình luận (0)