Khi hai anh em Khánh (học lớp 6) và Đoan (học lớp 4) được ba mua cho chiếc xe đạp để tự đi học, chị Thủy như ngồi trên đống lửa. Tuy khoảng cách từ nhà tới trường tiểu học và THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chỉ hơn một cây số. “Đường phố đông nghẹt, xe máy và ô tô chen lấn, tôi ra đường đi làm đã cực, để bọn trẻ tự đi sao mà xót!”, chị Thủy nói. Nhưng chồng chị một mực mua xe để hai đứa nhỏ đưa nhau đi học, với lý do “Mình phải để chúng tự đi trên đôi chân của chúng, phải để chúng va vấp, từ đó mới hình thành nhiều kỹ năng ứng phó với khó khăn và tình huống không lường trước xảy ra”, chồng chị nói vậy. Tôi nghĩ cũng đúng. Những ngày đầu quá lo lắng cho sự an toàn của hai đứa con, vợ chồng chị Thủy cũng có xảy ra tiếng to tiếng nhỏ mà khởi đầu là chị.
Thế mà, sau một năm học vừa rồi, gặp ai chị Thủy cũng “khoe” về hai đứa con. Chị nói rằng, mình đỡ rất nhiều công sức, thời gian đưa đón. Đặc biệt, Khánh biết quan tâm em mình hơn, sáng dậy sớm chuẩn bị xe, chiều về lấy xe đạp ra sớm đợi em trước cổng trường. Trên đường đi biết tránh né các xe ô tô, không còn rụt rè khi sang đường dù là đi xe hay đi bộ. Tuy rất tự hào về sự “trưởng thành” của con nhưng chị nói phải thường xuyên nhắc nhở kẻo chúng “lụa” quá thì khổ.
Ở miền quê, chuyện con cái tự đi xe tới trường học là chuyện như mặc định, có em nghèo không có xe phải tự liên hệ bạn gần nhà ngồi ké. Nhưng ở các đô thị, hình ảnh ba mẹ đưa đón con tới trường nhiều vô kể. Có những cô cậu học trò ngồi phía sau cao to lấn át cả ba mẹ mình. Có nhiều lý do để hàng ngày và liên tiếp nhiều năm các bậc phụ huynh không dám để con tự đi học như sợ con vất vả, sợ đi lại không đảm bảo an toàn, không quản lý được thời gian của con, sợ con trốn học đi chơi…
Con người, và sinh mạng của chính đứa con mình không phải là dụng cụ, là đối tượng để thí nghiệm phương pháp thử sai như loài chim đại bàng. Chim mẹ đại bàng đã “ném” con mình xuống vách đá, vực thẳm khi đủ lông đủ cánh, con chim nào vỗ cánh tung bay vào không trung thì tồn tại và bá chủ bầu trời còn không thì chết. Phụ huynh chúng ta chắc không tàn nhẫn như thế, nhưng thiết nghĩ đừng quá bao bọc con mình. Hãy tạo khoảng không nhất định để những đứa trẻ có thể “bung ra”, hãy tin con cái, cho chúng cơ hội thể hiện trách nhiệm và rộng vòng tay đón lấy sai lầm nếu có.
Nguyễn Minh Thanh (TP.HCM)
Bình luận (0)