Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trắng đêm cùng những chuyến tàu

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Nguyễn Thị Phượng cùng đồng nghiệp đang đón tàu qua chắn

20 giờ 30, chúng tôi ghé vào chắn đường ngang xe lửa trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Trong chắn, 4 công nhân (2 nam, 2 nữ) đang lấy đèn tín hiệu tay 4 mặt để chuẩn bị đón một chuyến tàu sắp qua chắn của mình.
Nghe điện thoại xong, chị Nguyễn Thị Phượng (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) liền ra hiệu cho 3 đồng nghiệp còn lại chuẩn bị đón tàu. Nhanh như cắt, họ chia người ra đẩy rào chắn, ngăn không cho xe lưu thông nữa, mở gác chắn tàu rồi cầm đèn tay ra tín hiệu an toàn cho tàu chạy qua. Khi tiếng còi tàu giảm dần, họ lại nhanh chóng đẩy rào chắn vào để phương tiện tiếp tục lưu thông. Đó là công việc mà ngày ngày, đêm đêm công nhân gác chắn phải làm để đảm bảo an toàn cho người và tàu.
Hết đêm rồi lại đến ngày
Bước vào chốt chắn Nguyễn Văn Trỗi (km 1724+455), điều đập vào mắt chúng tôi là căn phòng 2 không (không chỗ nằm, không phương tiện nghe nhìn) và 2 có (luôn có người, phương tiện phục vụ cho việc gác chắn an toàn). Đêm rằm, trăng sáng vằng vặc nhưng chẳng ai dám bước ra khỏi cửa để ngắm trăng vì chỉ một phút lơ là của họ thôi cũng đủ gây ra một vụ tai nạn nghiêm trọng. Đàn ông làm nghề gác chắn đường ngang đã vất vả trăm bề, phụ nữ theo nghiệp này càng khó khăn gấp bội. Đôi tay họ không đủ khỏe để đẩy rào chắn nặng hơn 100kg, đôi chân, đôi mắt không đủ nhanh để né xe đạp, xe máy, ô tô vượt ẩu và đôi khi lại bị trêu ghẹo… Nhưng tất cả những điều đó không thể khiến họ xao nhãng trong công việc. 6 năm gắn bó với nghề, chị Phượng hẳn không nhớ nổi mình đã gác cho bao nhiêu chuyến tàu qua chắn an toàn. Chị nói: “Mỗi chuyến tàu qua chắn an toàn là mình cảm thấy người nhẹ hơn đôi chút”. Ngoài 14 ngày phép và những lần đau ốm thì công nhân gác chắn không được nghỉ bất cứ ngày nào trong năm, kể cả lễ, Tết. Không những vậy, họ còn phải trực tăng ca, có khi làm cả ngày lẫn đêm. Công việc khó khăn, vất vả nhưng số tiền mà các nữ công nhân gác chắn nhận được đôi khi lại không đủ trang trải cho cuộc sống tại chốn Sài thành tráng lệ. Mỗi tháng nếu làm đủ 20 ban (mỗi ban 12 tiếng) cộng thêm tiền phụ cấp ăn uống, số tiền họ nhận được chỉ khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng. Khoản thu nhập vừa đủ cho những người chưa có gia đình biết chi tiêu dè sẻn.
Trời về khuya, đôi mắt tôi cứ chờ sập xuống và tôi ngủ gật lúc nào không hay. Bỗng một âm thanh khiến tôi giật bắn cả người, tiếng chuông cảnh báo sắp có tàu qua. Mở mắt ra tôi chẳng thấy ai trong chốt, tất cả mọi người đã ra đóng chắn đón tàu. Dáng người nhỏ nhắn của chị Phượng được bóng đèn cao áp in xuống đường ray. Bây giờ đã hơn 3 giờ sáng.
Để những chuyến tàu qua
Trong lúc tàu đang qua chắn, tôi hỏi chị Phượng: “Có khi nào tàu dừng ngay chắn của mình không chị?”. Chị cười tươi: “Có chứ. Khi chắn của mình mất an toàn, tàu sẽ dừng lại”. “Làm nghề này chỉ mong sao tàu đừng “ghé” chắn của mình, chỉ có thế thôi cũng đủ vui rồi”, đồng nghiệp của chị Phượng – chị Thảo chia sẻ thêm.
Sau mỗi ca trực, tạm cởi bỏ chiếc áo phát quang (để người đi đường nhìn thấy), cởi bỏ gánh nặng về công việc, họ lại hòa vào đời sống thường ngày. Có người về nhà nghỉ dưỡng sức cho ca trực hôm sau, có người lại tiếp tục làm thêm, gồng mình với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền.
Gian khó tứ bề nhưng nếu đã quyết định theo nghề thì họ không bao giờ lơ là, chểnh mảng trong công việc. Chị Phượng trải lòng: “Một vài hôm đầu thấy công việc nhàn nhã cũng muốn làm lâu dài nhưng càng về sau càng thấy nhàm chán, chẳng có phương tiện giải trí, chẳng được đi đâu trong ca trực, chỉ ngồi suốt trong chốt, những lúc đó mình rất muốn chuyển sang nghề khác. Nhưng rồi một phần do trình độ học vấn thấp, một phần do máu nghề nghiệp nên mình quyết tâm bám chắn trụ chốt cho đến ngày hôm nay”.
Chúng tôi dắt xe ra về cũng là lúc mặt trời vừa ló dạng, một ngày mới lại bắt đầu. Những người gác chắn ấy cũng bắt đầu đổi ca, người người xuống phố đi làm, đoàn tàu lại xình xịch băng qua…
Bài, ảnh: Công Luận

Chị Phạm Thị Hoa (30 tuổi, 3 năm làm công nhân gác chắn) tâm sự: “Lương chỉ khoảng 2 triệu đồng/ tháng nên việc chi tiêu của tôi phải hết sức tiết kiệm. Khi đã có gia đình, con cái thì càng phải “thắt lưng buộc bụng” nhất là trong thời kì giá cả tăng cao như hiện nay”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)