Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trăng nơi đáy giếng – một bộ phim hay và xúc động

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Hạnh và thầy giáo Phương trong phim

Mặc dù chưa công chiếu chính thức tại Việt Nam nhưng bộ phim nhựa Trăng nơi đáy giếng (biên kịch Châu Thổ, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai; đạo diễn Vinh Sơn; Hãng phim Giải Phóng sản xuất) đã giành bốn giải thưởng lớn: giải Cánh diều bạc cho Phim hay nhất (không có Cánh diều vàng), danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Hồng Ánh, giải Họa sĩ thiết kếKịch bản xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, bộ phim cũng được chọn tham gia khá nhiều tại các cuộc liên hoan phim quốc tế, được đánh giá rất cao. Câu chuyện xoay quanh gia đình cô giáo Hạnh (Hồng Ánh), một phụ nữ Huế dịu dàng, tinh tế, hết lòng yêu và cung phụng chồng. Vì không thể sinh con nên cô chấp nhận hy sinh, thuê người đàn bà khác đẻ con cho chồng. Chồng Hạnh – thầy giáo Phương (Hoàng Cao Đề) – Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Đạt là người nho nhã, nhạy cảm nhưng lại ích kỷ. Khi việc có vợ con riêng bị vỡ lở, chức hiệu trưởng của mình có thể bị lung lay, thầy Phương buồn lòng mất ăn mất ngủ. Vì thương chồng, một lần nữa, Hạnh làm đơn ly dị giả nhưng rồi giả hóa ra thật. Cô giáo Hạnh bị người đàn bà quê đẻ thuê cướp mất chồng, cô hoàn toàn sụp đổ khi thấy người chồng mình tôn thờ như vị thánh giờ đây đành tâm phản bội. Nỗi mất mát, đau đớn của nhân vật được Hồng Ánh thể hiện không phải bằng tiếng gào thét hay những giọt nước mắt nức nở mà chủ yếu được biểu lộ qua đôi mắt, sắc mặt. Nhiều khán giả xem phim cảm thấy không thỏa mãn khi đạo diễn để cô Hạnh “nhập đồng”, chìm đắm cả quãng đời còn lại trong thế giới tâm linh, thờ cúng chồng con là những người âm, khán giả mong chờ một cái kết khác, mở hơn, nhân ái hơn. Nhưng theo đạo diễn Vinh Sơn : “Tôi muốn đưa ra một thông điệp cảnh báo cho mọi người chứ không muốn mọi người có cái nhìn thương hại cho nhân vật Hạnh…”. Bộ phim Trăng nơi đáy giếng cũng đã được chiếu tại 10 trường đại học hàng đầu của Mỹ là Đại học Brown, Cornell, Princeton, New York, Pennsylvania, George Mason, Irvine, Berkeley, California, Washington cho sinh viên Việt Nam và sinh viên gốc Đông Nam Á đang học tập ở đó xem và nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Chương trình này Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Đây là một cách làm hay và cần được nhân rộng. Tại Việt Nam, bộ phim này sẽ chính thức công chiếu tại nhiều cụm rạp của TP.HCM, Huế và Hà Nội từ ngày 16-10 tới.
KHÔI NGUYÊN

Bình luận (0)