Y tế - Văn hóaThư giãn

Trang sách thiếu nhi trong ký ức

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu có ai đặt câu hỏi rằng những cuốn sách văn học trong nước mới xuất bản nào được thiếu nhi yêu thích nhất thì thật khó có thể trả lời. Sách văn học cho lứa tuổi thiếu nhi trên thị trường sách có nhiều không? Một trong những nguyên nhân thiếu nhi ngày nay ít quan tâm sách văn học vẫn là các em không có nhiều đầu sách để lựa chọn.

Theo suy nghĩ cảm tính của tôi, từ nhiều năm nay, hầu hết các nhà văn đã thành danh ít viết cho lứa tuổi này, nếu so với thế hệ trước. Sở dĩ nói thế là bởi trong ký ức của mình, tôi còn nhớ mình đã được đọc nhiều tác phẩm thiếu nhi của các nhà văn dù họ không phải "chuyên trị" về thể loại này. Dù sở trường viết truyện ngắn, truyện dài dành cho người lớn nhưng bên cạnh đó, họ vẫn không quên quan tâm đến đối tượng mà tôi vừa nêu trên. Nhờ thế, thế hệ chúng tôi, từ thuở "ăn chưa no lo chưa tới" đã được tiếp cận với tài năng văn chương của họ.

Còn nhớ, trong tủ sách của ba tôi, còn có ngăn sách dành riêng cho con trẻ. Đó là những cuốn sách mỏng, chỉ chừng 36 trang, khổ nhỏ do NXB Hợp Lực phát hành tại miền Nam vào khoảng thập niên 1960. Loại sách này, ngoài bìa, phía trên cùng có ghi dòng chữ "Loại sách xanh Măng Mọc Thẳng", nhờ vậy, đến bây giờ tôi mới "phát hiện" ra trong tuyển tập của nhiều tác giả nổi tiếng, nay có những tác phẩm ít được đề cập đến. Chẳng hạn: "Lá thơ rơi", "Anh em thằng nhãi Lu" (Tô Hoài), "Dũng nhà thám hiểm", "Quyển sách bí mật và con khỉ", "Hiền" (Ngọc Giao), "Động Hoa Đào" (Huyền Kiêu), "Bài sử ký" (Thanh Châu)…

Trước đó, vào khoảng thập niên 1950, nhà văn Nhất Linh đã thành lập NXB Phượng Giang. Ngoài các sách khác, ông còn cho ấn hành loại Sách Hồng dày chừng 24 trang, khổ nhỏ, nhằm tái bản các truyện thiếu nhi của các nhà văn đã viết thời tiền chiến: Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Thiện Sỹ…

Bìa một số cuốn sách thiếu nhi xuất bản những năm 1960-1970 tại miền Nam

Thế hệ chúng tôi may mắn được đọc, nó đã trở thành một phần của ký ức được nuôi dưỡng từ các tác phẩm đó.

Bước sang thập niên 1970, loại sách dành cho lứa tuổi này ngày một phong phú, đa dạng hơn. Còn nhớ, trong phần thưởng dành cho học sinh có "Loại sách nhi đồng Tuổi Thơ". Đây là sáng kiến đáng ghi nhận của ông Nguyễn Hùng Trương – chủ nhà sách Khai Trí. Bằng cách nào đó, ông đã quy tụ được hàng loạt cây bút nổi tiếng viết cho thiếu nhi. Có thể kể đến nhà thơ Nguyễn Vỹ, Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam, Hoàng Trúc Ly, Tô Nguyệt Đình, Lê Tất Điều, Thẩm Thệ Hà… Danh sách này có đến vài trăm cuốn.

Loại sách này dày 32 trang, khổ nhỏ, ngoài bìa có đánh số thứ tự các tập sách đã xuất bản; bìa 4 in: "Chúng ta đã từng xót xa đau đớn nhìn thấy tâm hồn thơ ngây say mê đọc loại sách trinh thám và kiếm hiệp rẻ tiền, loại sách khiêu dâm và quái đản, những thứ sách đầu độc trí óc non nớt của con em chúng ta. Để góp phần vào sự giáo dục trẻ em, nhà sách Khai Trí cộng tác với một số nhà văn, nhà giáo thiết tha đến tương lai con em, cho xuất bản loại sách nhi đồng Tuổi Thơ, một loại sách giải trí lành mạnh viết đúng chính tả, ấn loát rõ ràng, giá bán phổ thông, đáng được hãnh diện chưng bày trong mọi tủ sách gia đình".

Nhờ đâu có được kỳ tích sáng giá này? Trong một lần trò chuyện, nhà văn Nguyễn Văn Xuân cho biết "bí quyết" là ông Nguyễn Hùng Trương đã đặt hàng theo cách ứng tiền trước để nhà văn yên tâm sáng tác. Đơn giản mà hiệu quả.

Bài học thành công này, trong cơ chế xuất bản hiện nay có thể làm được không? Xin dành câu trả lời cho các nhà xuất bản.

Theo Lê Minh Quốc/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)