Sáng 19-8, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức lễ ra quân cử cán bộ, bác sĩ chuyên môn từ các bệnh viện (BV) lớn của Trung ương và TP.HCM về hỗ trợ các BV ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. TP.HCM có 27 BV tham gia, chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt I có 166 bác sĩ thuộc 26 BV tình nguyện đi về các BV tỉnh…
10.000 dân mới có 7 bác sĩ chuyên môn sâu
Đó là khẳng định của TS.BS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo ông Triệu, hiện nay, lực lượng cán bộ y tế có tay nghề thường chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, chiếm 85%. Còn các BV tuyến dưới, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì thiếu cán bộ y tế trầm trọng. Trong khi đó, trung bình 100 người dân bị bệnh thì có tới 85 người phải điều trị tại tuyến dưới, chỉ có 15 người điều trị ở tuyến Trung ương. Nghịch lý này đã tạo ra sự bất công về chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân ở thành thị và nông thôn. Nhiều người dân, nhất là dân nghèo không được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ, kỹ thuật cao về y tế…
Bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ cũng cho biết: “Do tay nghề của các bác sĩ, y tá ở tuyến dưới còn hạn chế nên tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong ở đây là rất cao. Nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa như Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước…”.
Không chỉ có vậy, việc thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao ở các BV tuyến dưới còn là nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải tại các BV tuyến trên. Hàng năm các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM tiếp nhận trên 35 triệu lượt người đến khám và điều trị, trong đó có trên 40% là bệnh nhân ở các tỉnh…
Riêng tại BV Nhi đồng I, bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc BV cho biết: “Mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 4.500 đến 5.000 bệnh nhi đến khám chữa bệnh. Thậm chí ngày cao điểm có thể lên tới 5.600 – 6.000. Trong đó có khoảng 1.200 đến 1.400 ca nội trú, với 50% bệnh nhi là ở tỉnh. BV có trên 1.200 giường với khoảng 1.800 bác sĩ, y tá nhưng mỗi giường bệnh phải cõng tới 2-3 bệnh nhi, mỗi y, bác sĩ phải làm việc gấp 2 – 3 lần. Một trong những giải pháp giảm tải là hỗ trợ nâng cao năng lực cho các BV tuyến dưới. Từ nhiều năm nay BV đã tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo tay nghề cho các y, bác sĩ BV tuyến dưới. Song song là cử bác sĩ đi công tác tại các BV tuyến dưới, cầm tay chỉ việc cho các y, bác sĩ ở đây. Ngoài ra, Nhi đồng I còn hỗ trợ tuyến dưới bằng cách thiết lập đường dây nóng, trang web và cầu truyền hình những ca mổ…”.
Ngành y tế TP.HCM hỗ trợ cho 33 tỉnh
Để đảm bảo sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại các vùng, miền trong cả nước, đồng thời nâng cao tay nghề cho đội ngũ bác sĩ tuyến dưới, ngày 26-5-2008, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 1816 về việc luân chuyển cán bộ y tế về vùng sâu, vùng xa. Theo đó, cả nước có 60 BV tuyến trên có trách nhiệm cử cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ các BV tuyến dưới. Riêng TP.HCM có 27 BV tham gia, trong đó có 19 BV chuyên khoa, 5 BV đa khoa và 3 BV Trung ương đóng trên địa bàn thành phố là BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất và BV Răng Hàm Mặt Trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Trong thời gian 3 tháng, các bác sĩ của 27 BV ở TP.HCM sẽ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ khám chữa bệnh cho các BV tuyến dưới từ Đà Nẵng trở vào. Cụ thể như BV Nhi đồng II chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nhi dị tật bẩm sinh cho BV Bình Dương; BV Nhi đồng I chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nhi tổng quát, chăm sóc và điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cho BV Nhi đồng Đồng Nai; Viện Tim TP.HCM chuyển giao kỹ thuật mổ tim cho BV Đa khoa Cần Thơ…”.
Về chế độ chính sách đối với những bác sĩ tình nguyện, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị: “Lãnh đạo các BV cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng, làm sao để các bác sĩ an tâm công tác, cống hiến và hoàn thành tốt nghiệm vụ được giao. Trong trường hợp khó khăn, cần có đề xuất với Thường trực UBND TP để hỗ trợ giải quyết kịp thời…”. Trước mắt, 166 bác sĩ tình nguyện trong đợt này đã được hỗ trợ 500.000đ/người.n
Bài & ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)