Ông Vũ Bá Hòa đang so sánh sách Địa lý thật với sách giả (bên phải).
|
Và những loại sách lậu sai sót như thế không phải hiếm hoi, chỉ tính trong tháng 6-2014, NXB Giáo dục đã phát hiện hàng chục ngàn ấn bản in lậu sai sót tại các nhà sách trên cả nước. Sách lậu tập trung vào các loại sách tham khảo như bộ vở bài tập toán, tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách bài tập các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh… từ lớp 6 đến lớp 9; bộ sách tin học, bài tập tin học THCS quyển 1, 2, 3, 4; bộ truyện đọc từ lớp 1 đến lớp 5; bộ sách và bài tập tiếng Anh thuộc đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 từ lớp 3 đến lớp 6… Bản in lậu của mỗi loại bị phát hiện ít thì vài ngàn bản, nhiều lên đến hàng chục ngàn bản.
Giả như thật
Ông Dương Quốc Thi, Trưởng ban kiểm định chất lượng NXB Giáo dục, cho biết do sách lậu được chụp lại rồi xử lý in nên bị lệch về khổ, ngắn và nhỏ hơn so với sách thật. Các chữ in trong sách cũng bị răng cưa, màu sắc bị xỉn, hình ảnh biến dạng do lỗi khi sao chụp…
Tuy nhiên, thực tế quan sát có thể thấy nhìn bên ngoài sách lậu được in ấn rất tốt, ít nhất người mua bình thường rất khó phân biệt. Điều đáng nói nhất là tem chống giả lại là chi tiết giống nhau nhất giữa sách giả và sách thật, nếu không có thiết bị chuyên dụng thì hầu như không thể phân biệt được. Điều này thực tế không gây bất ngờ vì cách đây gần 10 năm, NXB Trẻ đã từng phát hiện hàng loạt sách của đơn vị bị in lậu nhưng vẫn có tem chống giả với chất lượng rất cao.
Phương thức phát hành các bản sách in lậu cũng khá tinh vi, theo ông Lâm, các nhà sách thường đặt mua một số lượng nhỏ sách thật để có được đầy đủ hóa đơn chứng từ. Sau đó, họ lại bày bán sách lậu theo từng đợt, mỗi đợt có số lượng tương đương số sách thật. Chính vì thế khi kiểm tra, các đơn vị chức năng rất khó phát hiện vì số lượng sách bày bán phù hợp với số hóa đơn chứng từ.
Một điều đáng nói nữa là giá thành các bản sách khi đến tay phụ huynh, học sinh không rẻ hơn so với sách thật. Lý giải điều này, ông Vũ Bá Hòa cho biết giá thành thực hiện các bộ sách lậu dĩ nhiên rẻ hơn sách thật do không tốn chi phí biên soạn, xuất bản… nhưng bù lại chiết khấu cho người bán lại rất cao (50% – 60%) để thu hút các nhà sách nên giá sách lậu không rẻ hơn sách thật. Kết quả là người tiêu dùng mua phải sách giả kém chất lượng nhưng với giá sách thật, còn NXB thì bị điều tiếng do khách hàng hiểu lầm khi thấy sách có chất lượng kém.Xử không nghiêm, phạt quá nhẹ
Một chi tiết khác trong vấn đề in sách lậu là chất lượng in ấn khá tốt, điều này đòi hỏi các trang thiết bị kỹ thuật tương đối hiện đại mà không phải cơ sở in ấn nào cũng có thể làm được. Để tìm kiếm, phát hiện những cơ sở đủ khả năng in ấn như thế không phải quá khó nhưng thực tế hầu như có rất ít vụ phát hiện, bắt giữ nào đối với các cơ sở in lậu. Và thậm chí cả khi bị phát hiện và bắt giữ, mức xử phạt cũng không có tính răn đe, như vụ cơ sở in Huy Thi tại Hà Nội với số sách lậu lên đến trên 10.000 cuốn.
Cách chống sách lậu của các đơn vị xuất bản mà tiêu biểu như trường hợp NXB Giáo dục hiện nay là chấp nhận “sống chung với lũ”. NXB chỉ có thể kêu gọi các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên tìm mua sách thật tại các nhà sách lớn, có uy tín, các nhà sách của NXB và cách hay nhất theo ông Vũ Bá Hòa là đăng ký theo các trường và trường sẽ lấy sách trực tiếp từ NXB.
Bình luận (0)