Công nghệ thông tin (CNTT) mang lại cho con người nhiều tiện ích to lớn, đó là một sự thật không thể bàn cãi. Vì những tiện ích ấy mà CNTT đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề và ngành GD-ĐT cũng không là ngoại lệ.
Có thể khẳng định rằng, hiện nay CNTT hay cụ thể hơn là internet đã và đang phát huy những tác dụng to lớn của nó trong lĩnh vực GD-ĐT. Điển hình là việc các trường đều đầu tư xây dựng cho đơn vị mình một trang web riêng đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi phương pháp dạy và học. Dạo một vòng qua một số trang web của các trường THPT trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi ghi nhận một điều là các trường đã rất chịu khó đầu tư về nội dung cũng như hình thức cho trang web của mình, đáp ứng được yêu cầu: trang web của trường là một kênh thông tin giáo dục, là chiếc cầu nối giữa nhà trường – học sinh, nhà trường – phụ huynh… Khi đến trang web các trường THPT Nguyễn Du, Trần Đại Nghĩa, Võ Thị Sáu… bạn có thể tìm thấy những thông tin về các hoạt động Đoàn Đội, cũng như các tin tức – sự kiện khác sẽ diễn ra trong tuần của trường. Bên cạnh đó các trang web này đều có liên kết với các trang web thuộc nhiều lĩnh vực khác như TDTT, VHNT… giúp cho người truy cập tìm được nhiều thông tin bổ ích thú vị. Một điểm sáng khác nữa, đó là ở một số trang web có xuất hiện những khung nhỏ nhằm thăm dò ý kiến của những người vào tìm kiếm thông tin (phụ huynh, học sinh…), qua những ý kiến phản hồi này có thể giúp cho nhà trường hoàn thiện hơn trang web của mình, để trang web ngày càng là công cụ hữu ích nhất cho phụ huynh, học sinh. Thêm vào đó các trang web còn mở ra những diễn đàn giao lưu giữa các lớp, các trường tạo ra những hoạt động rất sôi nổi (câu lạc bộ học tập, chia sẻ những kinh nghiệm của các bạn học sinh giỏi hay cựu học sinh…).
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích ấy thì các trang web vẫn tồn tại rất nhiều những bất cập. Nhiều trường xây dựng trang web chỉ theo phong trào, không có sự đầu tư nhiều về chất lượng, không thường xuyên đưa các thông tin mới, hay các hoạt động của trường lên trang web của mình. Cụ thể, ngày 18-11, chúng tôi vào trang web của Trường THPT N, ngay trang chủ đã hiển thị tin giáo dục mới nhất được đăng tải vào 13h37 ngày 20-9-2010, trong khi đó tháng 11, tháng có Ngày Nhà giáo Việt Nam lại không thấy trường đăng tải bất kỳ hoạt động nào về sự kiện này. Ngay cả các thư viện học tập bên ngoài ghi đầy đủ số môn học nhưng khi nhấp chuột vào thì là các file rỗng. Chưa hết, các diễn đàn còn thiếu sự quản lý chặt chẽ, cho nên đã biến thành nơi để học sinh thể hiện cá tính của mình, là nơi khơi mào cho các cuộc “khẩu chiến” nảy lửa và không có hồi kết. Diễn đàn còn tồn tại cả những vấn nạn bạo lực với những clip không lành mạnh liên tiếp xuất hiện. Tại trang web của Trường THPT T. có mở hẳn diễn đàn câu lạc bộ con trai, câu lạc bộ con gái… và trong đó không thiếu các bí quyết chinh phục các chàng hay các nàng. Cũng tại trang web này chúng tôi bắt gặp không ít bài viết “chướng tai gai mắt” mà chúng tôi không tiện nêu ra.
Có thể nói, sự bùng nổ thông tin rất có ích cho cuộc sống, cho việc học tập của các em học sinh. Tuy nhiên việc hướng dẫn các em ứng dụng thông tin sao cho hợp lý là trách nhiệm của các bậc phụ huynh và nhà trường.
Trúc Giang
Bình luận (0)