Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tránh bẫy tín dụng đen: Hãy là người vay thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những tháng cuối năm, nhu cầu vay tiền để giải quyết công việc của người dân tăng cao. Tuy nhiên do thiếu thông tin nên nhiều người vô tình rơi vào bẫy của tín dụng đen (TDĐ), phải trả lãi cao gấp nhiều lần tiền vay gốc. Vậy làm sao để có thể vẫn vay được tiền mà không trở thành con nợ của TDĐ?


Người vay tiền cần chọn đúng tổ chức tín dụng để tránh bẫy tín dụng đen

Tín dụng đen len lỏi khắp nơi

Theo ông Lâm Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM, TDĐ đã len lỏi vào đoàn viên, người lao động với nhiều hình thức tinh vi; tiếp cận những người có khó khăn đột xuất và đang đợi làm thủ tục vay của ngân hàng. Ngoài ra cũng có một bộ phận không nhỏ đoàn viên, người lao động mê cờ bạc nên dẫn đến tình trạng vay bất chấp lãi cao. TDĐ đang gây ra nhiều hệ lụy cho công nhân, người lao động, làm cho họ áp lực rất lớn về tinh thần.

TS. Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc – Trưởng bộ môn Nghiệp vụ Ngân hàng thương mại, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – cho biết, TDĐ được thể hiện thông qua nhiều hình thức. Trong đó có việc quảng cáo bằng các tờ rơi dán trên cột điện, bờ tường. Tuy nhiên, hình thức quảng cáo này hiện nay đã giảm đi nhiều. Quảng cáo TDĐ đang bùng phát qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động. Thủ tục vay nhanh, người vay không cần thế chấp mà chỉ cần CCCD. Lãi suất không được công khai, thường được thỏa thuận thông qua mức lãi mà người vay phải trả hằng ngày. Khi làm thủ tục vay, TDĐ thường yêu cầu người vay cung cấp thông tin của người thân hoặc cho phép truy cập vào danh bạ, điện thoại của người vay. Không có hợp đồng vay mẫu, rất nhiều điều mục quan trọng được để trống trong hợp đồng vay.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ – Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM – thông tin, trên địa bàn TP trong những năm gần đây liên tục xảy ra các vụ đòi nợ thuê bằng những hình thức như tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người vay tiền hoặc người thân của họ.

Theo bà Nhuệ, khi bị đòi nợ khủng bố, người dân cần đến công an phường, xã nơi cư trú hoặc công an, các cơ quan chức năng có thẩm quyền gần nhất để tố cáo. Đồng thời, người dân cần cung cấp thêm chứng cứ như camera, tin nhắn đe dọa, ghi âm… để các cơ quan chức năng có cơ sở xử lý.

“Hiện nay việc xử lý các đối tượng TDĐ gặp không ít khó khăn do bị hại giấu thông tin, không hợp tác với cơ quan chức năng. Ngoài ra, các đối tượng cho vay lập hợp đồng rất tinh vi mà người vay nhìn vào sẽ khó biết được mình đang bị bẫy. Bên cạnh đó, các đối tượng cho vay thường ẩn danh, khi bị phát hiện sẽ bỏ trốn…”, bà Nhuệ khẳng định.

Luật sư Vũ Phi Long khuyến cáo, người đi vay tiền nếu không có khả năng trả nợ mà bị đe dọa thì yêu cầu chính quyền địa phương hỗ trợ để đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không được làm giấy đảo nợ vì như vậy sẽ càng “sa lầy” vào TDĐ.

“Khung pháp lý của pháp luật đã đủ để răn đe các đối tượng TDĐ nhưng điều quan trọng là người dân phải hiểu một khi đã dính vào bẫy TDĐ thì rất khó thoát. Bên cạnh việc phải trả nợ, người vay tiền còn có nguy cơ dính vào tội hình sự…”, ông Long nói.

Người vay tiền cần chọn đúng tổ chức tín dụng

Đây là lời khuyên của ông Lưu Quốc Cường – Trưởng phòng Quản lý tín dụng Tổ chức tài chính vi mô CEP.

Ông Cường cho biết, có thực trạng người lao động không nắm được thông tin các đơn vị tín dụng mà họ sẽ vay được tiền, đồng thời không lường trước hết những hệ lụy khi vay tiền TDĐ. Mặt khác, việc ngân hàng cho vay đòi hỏi nhiều thủ tục như phương án cho vay, mục đích sử dụng mà điều này người lao động, người buôn bán nhỏ lẻ không thể đáp ứng được. Từ những lý do này đã khiến nhiều người vướng vào TDĐ và gặp không ít rắc rối, hàng

nhất là phải trả lãi khủng…

“Người vay tiền cần chọn đúng tổ chức tín dụng, quỹ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để được tư vấn kỹ lưỡng. Bên cạnh quan tâm lãi suất, người vay cần chú ý đến các loại phí, điều khoản hợp đồng và cách tính lãi. Hiện nay có nhiều tổ chức tín dụng kể cả lợi nhuận và phi lợi nhuận, người lao động có thể liên hệ Ngân hàng Chính sách Xã hội tại địa phương hoặc liên hệ Quỹ CEP. Quỹ CEP có mạng lưới rộng khắp tại phường, xã và công đoàn cơ sở… Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, người vay phải có đủ điều kiện năng lực, sử dụng tiền vay đúng mục đích, chứng minh được khả năng trả nợ. Với những yêu cầu này thì người lao động thu nhập thấp vẫn có thể tiếp cận được với các khoản vay với lãi suất thấp từ các tổ chức tài chính này…”, ông Cường nhấn mạnh.

Để TDĐ không bủa vây người dân, TS. Lộc cho rằng, các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp tổng thể, thường xuyên trấn áp các đối tượng cho vay nặng lãi. Về phía các công ty tài chính tiêu dùng, ngân hàng nên cải tiến quy trình cho vay để giải quyết các nhu cầu vay nhỏ lẻ, cấp bách. Bên cạnh đó, đa dạng các hình thức cho vay; mở rộng hình thức cho vay tín chấp thông qua các hội đoàn, các tổ chức chính trị – xã hội. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên tăng cường giáo dục tài chính với những chương trình linh hoạt, thiết thực, sinh động…

Ông Lâm Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP.HCM – cho biết, Đại hội Công đoàn của TP.HCM lần thứ 12 xác định một trong 3 nội dung, chương trình trọng tâm là Công đoàn TP sẽ tăng cường hoạt động trợ vốn cho đoàn viên và người lao động để giúp cho công tác phòng, chống TDĐ trong giai đoạn 2023-2028. Theo đó, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục tập trung tìm các giải pháp bảo vệ công nhân, đoàn viên tránh xa TDĐ.

Trong thời gian tới, Công đoàn các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TP sẽ phối hợp với Tổ chức tài chính vi mô CEP giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của CEP đến đoàn viên, người lao động; Hỗ trợ nâng cao khả năng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho đoàn viên, công nhân lao động; Tăng cường trợ vốn cho công nhân, triển khai gói 300 tỉ đồng với Quỹ CEP cho công nhân lao động với lãi suất là 0,4%.

“Đối với người vay các tổ chức chính thống phải hiểu rằng, hoạt động tín dụng dựa trên sự tin tưởng. Do đó, người vay phải thể hiện sự trung thực, có mục đích vay rõ ràng. Cần hợp tác tích cực với các chuyên viên của tổ chức tín dụng, nếu không rành về tín dụng sẽ được tư vấn, hướng dẫn. Phải suy nghĩ rằng mình vay là phải trả, vay đúng khả năng trả nợ của mình. Như vậy mới thiết lập được mối quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng”, TS. Lộc nói.

Còn theo bà Nhuệ, chính quyền địa phương cần quản lý, siết chặt các hoạt động vay tự phát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác đối với hoạt động TDĐ. Công an các quận, huyện nên tăng cường nắm bắt tình hình, nhất là đối với các cơ sở cho vay, cầm đồ để kịp thời phát hiện. Đồng thời, quản lý chặt các đối tượng có tiền án, tiền sự; mở các đợt cao điểm đấu tranh, phòng chống tội phạm, triệt phá đường dây đánh bạc, các hình thức huy động vốn. Tóm lại, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân rất quan trọng.

Thùy Linh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)