Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tránh bệnh thành tích, lạm phát danh hiệu

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trình Chính phủ chưa quy định đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Các chuyên gia cũng cảnh báo, cần tránh bệnh thành tích, lạm phát xoay quanh việc xét tặng.

Chưa mở rộng đối tượng xét tặng

Việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện theo Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐCP. Theo đó, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hướng đến người biểu diễn và trình bày tác phẩm văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022, ngoài những đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT như trước đây sẽ còn có đối tượng được xét tặng danh hiệu là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong 9 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian.

Bộ VHTTDL được giao xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thay thế các nghị định cũ, nhằm hoàn thiện, khắc phục những vấn đề bất cập, đồng thời bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022.

Tránh bệnh thành tích, lạm phát danh hiệu ảnh 1

Lo ngại lạm phát danh hiệu ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật

Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến dự thảo nghị định, nhiều nhà quản lý và nghệ sĩ cho rằng, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đối với các đối tượng là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” cần được cân nhắc, tránh tình trạng nhiễu loạn, lạm phát danh hiệu.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam không đồng tình

Ngày 6/10 vừa qua, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn gửi văn bản tới Bộ VHTTDL đề nghị các nghệ sĩ nhiếp ảnh được xét phong NSND, NSƯT. Văn bản cũng khẳng định, đây là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn nhiếp ảnh gia trong cả nước: “Giải thưởng là dành cho tác phẩm, danh hiệu là dành cho con người, hai đối tượng hoàn toàn khác nhau và sản phẩm đó lại không được dùng chung để làm tiêu chí cho cả hai, nghị định đã quy định rất rõ. Như vậy, những ý kiến trên là chưa hiểu đúng bản chất nội dung của nghị định, không thuyết phục, đề nghị ban soạn thảo xem xét thấu đáo, tiếp thu có chọn lọc, có căn cứ, đảm bảo sự công bằng".

Ban soạn thảo cũng thống nhất rằng, một số đối tượng chưa phù hợp. Giảng viên giảng dạy nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh thuộc đối tượng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (VHNT).

Qua tổng hợp ý kiến của các Hội VHNT T.Ư, địa phương, các tỉnh/thành phố và các ban, bộ, ngành có liên quan, có hai đối tượng phù hợp xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là nhiếp ảnh gia và nhạc sĩ sáng tác. Tuy nhiên, các Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại chưa đề xuất được điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp xét tặng danh hiệu cho đối tượng này. Vì vậy, Bộ VHTTDL trình Chính phủ chưa quy định đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại dự thảo Nghị định nói trên.

Vẫn bệnh thành tích

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT T.Ư nói rằng, nếu theo logic có nghệ sĩ nhiếp ảnh nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh ưu tú, sau này chắc cũng có nhà văn nhân dân, nhà văn ưu tú, rồi kiến trúc sư nhân dân, kiến trúc sư ưu tú, họa sĩ nhân dân, họa sĩ ưu tú…

Tránh bệnh thành tích, lạm phát danh hiệu ảnh 2

Chưa quy định đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” vào danh sách xét tặng NSND, NSƯTẢnh: Trần Huấn

“Những văn nghệ sĩ và trí thức khi có đóng góp quan trọng, xuất sắc cho đất nước, cho Nhân dân, Đảng và Nhà nước ta có chính sách trao tặng họ Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT và khoa học, công nghệ. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, các nhà nhiếp ảnh xuất sắc như Lâm Hồng Long, Chu Chí Thành… được tôn vinh ở mức giải cao nhất. Một số người đang sa đà vào danh hiệu hão. Cứ theo cái đà ấy, nhiều lĩnh vực sáng tạo khác cũng đề nghị (thậm chí là đòi) phải có cho họ những danh hiệu như thế. Có lẽ chúng ta đang lạm phát, đang có những tiêu cực của căn bệnh thành tích”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phân tích.

Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cũng bày tỏ, khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm để mang ra xét nhà văn ưu tú hay nhà văn nhân dân. Hơn nữa, nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng “nhà văn” là cao quý, thiêng liêng. Hội đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL) Lê Đức Trung khẳng định, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” khi chưa tạo được sự thống nhất, đảm bảo các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động sáng tạo tác phẩm sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động VHNT, tạo tâm lý bất ổn đối với các cá nhân hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Đồng thời, việc này cũng không phù hợp với nội dung điều 5 của Luật Thi đua khen thưởng: một hình thức khen thưởng có thể xét tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó.

Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các hội VHNT chuyên ngành T.Ư để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất quy định phù hợp trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong thời gian tới.

Theo Ngọc Ánh/TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)