Những năm gần đây, số vụ án trẻ em bị xâm hại tình dục không ngừng gia tăng với mức độ đáng báo động. Từ ngày 1-7, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (thay thế Bộ luật Hình sự năm 1999) tăng cường ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Bị cáo Hoàng Văn Tính trong phiên tòa sơ thẩm về vụ hiếp dâm |
Những nỗi đau để lại
Theo số liệu của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TP.HCM, từ năm 2013 đến 2015, bình quân mỗi năm có 40-50 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu xảy ra ở các quận ven và huyện ngoại thành. Đau lòng hơn khi có nhiều vụ án mà đối tượng gây án chính là cha ruột với hành vi cưỡng dâm con ruột, chú quan hệ tình dục với cháu họ…
Trẻ bị xâm hại tình dục không chỉ bị tổn thương trên cơ thể và những hậu quả nhất thời mà còn có thể bị ảnh hưởng lâu dài. Những tổn thương về tâm lý sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập, hòa nhập gia đình, xã hội cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ. Nỗi đau để lại sau cơn chấn động về tâm lý, thể xác đó là không gì có thể bù đắp được. Tại Hội nghị “Phòng chống các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn TP.HCM” do Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM tổ chức vừa qua, số liệu cho thấy mỗi năm trên cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ hiếp dâm trẻ em. Tuy nhiên, số vụ phát hiện, xử lý chỉ chiếm khoảng 40%, bởi nhiều vụ xâm hại không được trình báo vì nhiều lý do khác nhau.
Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đội phó Đội 7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an TP.HCM cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tội xâm phạm tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là do các em thiếu sự quan tâm, định hướng, giáo dục từ phía gia đình. Có vụ việc, gia đình vô tâm đến mức con gái mới 13 tuổi nhưng đã quen và dẫn bạn trai về nhà mình quan hệ tình dục rất nhiều lần nhưng các thành viên trong gia đình không hề hay biết. Sự việc chỉ được phát hiện khi thấy trong nhà có đôi dép lạ, cha mẹ mới lấy làm lạ nên kiểm tra và tố giác đến công an. Dù đối tượng thực hiện hành vi sẽ phải bị pháp luật xử lý nhưng nỗi đau để lại cho những đứa trẻ từ sự thiếu quan tâm, hờ hững của gia đình là quá lớn”.
Tránh bỏ lọt tội phạm
Từ ngày 1-7, Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (thay thế Bộ luật Hình sự năm 1999) tăng cường ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. |
Vụ án hiếp dâm trẻ em của Hoàng Văn Tính (SN 1983) đã kéo dài gần 5 năm với 13 phiên tòa sơ thẩm. Nhiều lần TAND TP.HCM phải tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra lại vì còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ. Tháng 5-2013, phiên tòa này mới đi đến kết luận cuối cùng. Việc kéo dài một phiên tòa như vậy chỉ nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
Bộ luật Hình sự 2015 (hiệu lực từ ngày 1-7) dành 5 điều luật quy định mức phạt với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em, gồm điều 142 quy định về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, điều 144 tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, điều 145 tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, điều 146 tội dâm ô với người dưới 16 tuổi và điều 147 tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Riêng đối với hành vi quấy rối, gạ gẫm hoặc đòi quan hệ tình dục đối với trẻ em thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. Những thay đổi trong điều luật này có thể khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm.
Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trong thời gian gần đây không chỉ là bé gái mà còn là bé trai. Nhiều gia đình vì xấu hổ, sợ bị trả thù nên chọn cách im lặng. Đây là cách hành xử khá phổ biến của không ít phụ huynh có con (ở tuổi vị thành niên) bị xâm hại tình dục. Điều này đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu có cơ hội được thực hiện hành vi đồi bại ở những lần sau.
Theo luật sư Nguyễn Tuấn Minh (Đoàn luật sư TP.HCM), “điều luật mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tăng cường ngăn ngừa hành vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em có những nét mới, nổi bật, quy định thêm về hậu quả của hành vi xâm hại tình dục để phù hợp với thực tế cuộc sống”. Đừng để “gạo nấu thành cơm”, phụ huynh, người thân trong gia đình nên có sự quan tâm, theo sát trẻ để trẻ không trở thành “miếng mồi” của tội phạm xâm hại tình dục. Khi trẻ bị xâm hại tình dục, sự im lặng không phải là cách giải quyết. Chính việc mạnh dạn lên tiếng, tố giác tội phạm với cơ quan chức năng sẽ góp phần ngăn ngừa số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục hiện nay.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)