Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Tranh cãi bất tận về “Vua sân cỏ”

Tạp Chí Giáo Dục

Vòng 31 Premier League cuối tuần qua rất có thể sẽ là một trong những bước ngoặt quan trọng của mùa giải. Khi Arsenal lẫn Chelsea ngậm ngùi hòa, M.U lội ngược dòng ngoạn mục trước West Ham để tiến gần hơn đến chức vô địch. Nhưng mặt tối của 90 phút rực rỡ màu đỏ đó đang không chỉ là vụ chửi thề ăn mừng của Wayne Rooney mà còn cả những bàn cãi về chất lượng trọng tài ở Premier League.
Lee Mason cho West Ham hưởng tới 2 quả phạt đền và “phần” của M.U là 1 quả, nhưng đấy lại là cột mốc trận đấu vì nó giúp đội khách chính thức đảo ngược tình thế, giúp Rooney có hat-trick đáng nhớ. Bàn “chốt hạ” 2-4 của Javier Hernandez sau đó chỉ mang tính tô điểm mà thôi.

Trọng tài Martin Atkinson là “hung thần” của không ít đội bóng tại Premier League

Đấy là một buổi chiều mà Mason hẳn muốn quên càng nhanh càng tốt khi ông rời sân trong ánh mắt hằm hè của cả hai bên! Upton Park dĩ nhiên không hài lòng chút nào. Họ cho rằng tình huống đội trưởng Matthew Upson để bóng chạm tay là không cố ý, không đáng chịu quả phạt đền mang tính quyết định đó. Họ cho rằng đáng lẽ khi tỷ số đang là 2-0, West Ham cần được thêm cả lợi thế hơn người với Nemanja Vidic phải bị thẻ đỏ. M.U cũng không vui với quả phạt đền thứ hai họ phải chịu mà theo nhận định của Sir Alex Ferguson, tình huống đó Vidic phạm lỗi với Carlton Cole ngoài vòng cấm. Dù sao, thắng lợi ngoạn mục cũng giúp “Quỷ đỏ” bớt phần bực bội với trọng tài Mason.
Và phải chăng, họ cần cảm ơn người cầm còi này? Pha quay chậm cho thấy Mason không sai ở tình huống Vidic đốn ngã Cole nhưng dường như đã không chính xác khi bắt lỗi dùng tay chơi bóng của Upson. Một lần nữa, lại vang lên những ca thán rằng các đội bóng lớn, đặc biệt là M.U, luôn nhận được ưu ái từ những người cầm cân nảy mực trên sân cỏ.
Chiều chuộng đại gia?
Những người theo thuyết “âm mưu” trên nêu ra nhiều dẫn chứng minh họa rất sinh động. Kiểu hào phóng bù giờ miên man bất tận như Alan Wiley ở trận derby Manchester mùa trước chỉ là “chuyện nhỏ”, không rõ ràng. Cụ thể hơn, quan điểm này cho rằng cả 5 chiến thắng của M.U trên sân khách năm nay đều có công lớn từ… trọng tài. Tại Stoke và West Brom, Gary Neville thoát những thẻ đỏ mười mươi. Ở Blackpool, Rafael phạm lỗi đáng chịu phạt đền song cũng chẳng sao. Rooney gặp may tương tự trước Wigan.
Bao nhiêu điểm M.U có thể gặt hái được nếu Gary Neville bị đuổi ở Britania và Hawthorns khi tỷ số đang hòa, nếu Rafael gây ra một quả phạt đền khi M.U đang sớm bị dẫn 2-0 ở Bloomfield Road, nếu M.U phải đá gần trọn trận với Wigan cùng 10 người, nếu Vidic phải “đi tắm sớm” cuối tuần qua? 10, 5 hay 0? Dù thế nào, con số đó sẽ khó mà là 15 điểm như M.U đã giành được.
Nhưng nếu các trọng tài là “đồng minh” thân thiết của mình, hẳn Sir Alex Ferguson đã không phải ngồi chỉ đạo từ xa bằng điện thoại. Huấn luyện viên này vẫn đang chịu án 5 trận mất quyền chỉ đạo sau khi chỉ trích tơi bời trọng tài Martin Atkinson, người đã “tặng” cho Chelsea một quả penalty không rõ ràng giúp chủ sân Stamford Bridge lội ngược dòng 2-1 hồi tháng 3 vừa qua, chưa kể phớt lờ một David Luiz “hung hãn” nhưng lại mạnh tay với Vidic. Sir Alex thẳng thừng coi Atkinson như “người nhà” của Chelsea (bắt 12 trận ở Stamford Bridge thì chủ nhà thắng tới 11 trận, trong đó có cuộc chiến Xanh – Đỏ mùa trước tại đây, Atkinson cũng cho Chelsea hưởng một quả đá phạt nhiều tranh cãi để từ đó John Terry ghi bàn duy nhất!).
Có gì giống nhau và khác nhau giữa quả penalty Atkinson thổi cho Chelsea khi gặp M.U cách đây chưa lâu với quả penalty M.U được hưởng trước West Ham của người đồng nghiệp Mason cuối tuần qua? Nó đều là những tình huống mang tính then chốt. Nhưng cho rằng trọng tài “dìu” M.U đến ngôi vô địch là nhận định thái quá. Quyết định gây tranh cãi của Atkinson giúp cuộc đua hồi sinh ở thời điểm đó, không nói gì đến Arsenal mà cả Chelsea cũng hồi sinh hy vọng. Nhưng họ đều đã tự bắn vào chân mình. Trường hợp quả phạt đền của Mason khó được coi là định đoạt số phận cả mùa giải. Nếu không có nó, hãy tin là M.U vẫn sẽ tìm được bàn thắng ấn định bằng tinh thần, bằng sức mạnh họ thể hiện trong cuộc lội ngược dòng đó. Mà ý chí của một nhà vô địch như vậy đã được M.U phô diễn quá nhiều trong năm nay, nếu cần một ví dụ mới nhất thì đó là hình ảnh 10 “Quỷ đỏ” chiến đấu dồn dập đến phút cuối để hạ 11 cầu thủ Bolton
Tranh cãi bất tận
“Nạn nhân” Avram Grant của West Ham không đả động đến trọng tài Mason sau thất bại cay đắng trước M.U. Đơn giản vì nhà cầm quân này cũng đang gặp rắc rối với FA bởi những chỉ trích trọng tài và cũng như Sir Alex, Grant mới nhận án cấm chỉ đạo 2 trận.
Đó là hình phạt cho Grant sau khi chê trọng tài Mike Jones, người bắt trận tứ kết FA Cup mà West Ham thua Stoke 1-2. Grant mới đây còn than vãn đội ông “đen” nhất Premier League khi bị mất ít nhất 10 điểm bởi những tiếng còi không chính xác. Nếu không chịu oan uổng như thế, West Ham giờ đã không ở tình cảnh vật lộn trụ hạng.
Nhưng, với một chữ nếu, người ta có thể như nhét cả Paris vào cái chai! Những tranh cãi về trọng tài tồn tại từ khi trái bóng tròn ra đời và sẽ còn là đề tài muôn thuở. Những giải pháp áp dụng công nghệ giúp các quyết định chính xác hơn như lắp “mắt thần” ở vạch cầu môn, sử dụng trực tiếp hình ảnh quay chậm trong trận đấu như ở bóng bầu dục… hay tăng thêm số lượng trọng tài vẫn chỉ dừng ở sáng kiến hoặc thử nghiệm diện hẹp. Chúng không nhận được sự đồng tình của đông đảo người hâm mộ vì một lẽ đơn giản, tranh cãi đã là một phần tất yếu với bóng đá. Sẽ nhàm chán vô cùng nếu mọi thứ đều hai năm rõ mười!
Trọng tài là người, và đồng nghĩa sẽ mắc sai lầm. Khi ngồi trước ti vi và xem đi xem lại đủ mọi góc độ, ai cũng thấy mình có quyền chê bai trọng tài. Nhưng trên sân, tất cả những gì họ được hỗ trợ chỉ là đôi mắt của mình cộng thêm hai trợ lý, kèm theo sức ép phải đưa quyết định nhanh chóng. Như Grant nhận xét, không phải chất lượng trọng tài kém đi mà tốc độ trận đấu ngày càng nhanh hơn với các cầu thủ giờ như những VĐV điền kinh. Hệ quả là trọng tài dễ mắc sai lầm hơn khi không theo kịp được diễn biến.
Đương nhiên, yếu tố “thiên vị” cũng cần được bàn đến. Đúng là những đội bóng lớn thường được ưu ái hơn một chút. Đó không phải là lỗi của bản thân trọng tài mà xuất phát từ sức ép không ngớt từ các HLV, từ người hâm mộ, từ các khán đài… Trên mặt trận tâm lý này, chuyên gia hàng đầu phải kể là Sir Alex, người đều đặn mùa nào cũng nhận án từ FA mà hiện tại là án kỷ lục treo quyền chỉ đạo 5 trận. Điều đó không đồng nghĩa M.U luôn nhận được “lòng tốt” từ các trọng tài. Nhưng chí ít, họ sẽ cẩn trọng hơn trong tiếng còi của mình.
Trọng tài và trợ lý Ai quyết định?
Martin Atkinson, trọng tài từng bị Sir Alex Ferguson chỉ trích tơi bời sau trận gặp Chelsea giờ đang là đối tượng công kích của Liverpool. Vòng 31 vừa qua, Atkinson điều khiển trận West Ham – Liverpool. Đội khách mở tỷ số nhưng hai quả phạt đền trong hiệp 2 đã làm thay đổi tất cả, khiến Liverpool ngậm ngùi trắng tay. Huấn luyện viên Kenny Dalglish rất sửng sốt và thắc mắc tại sao trọng tài Atkinson lại chạy ra thảo luận với trợ lý trong trường hợp quả phạt đền thứ hai mang tính chất quyết định. Cựu danh thủ này mỉa mai: “Một quả là do trọng tài quyết, một do trợ lý quyết. Tôi cần được biết phải chăng trợ lý giờ có tiếng nói quan trọng hơn trọng tài”.
Trung Sơn (theo TTVH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)