Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tranh cãi không hồi kết về người chuyển giới ở các cuộc thi nhan sắc

Tạp Chí Giáo Dục

Việc người chuyển giới được chấp nhận ở các cuộc thi nhan sắc vốn dành cho phụ nữ được xem là bước chuyển nhân văn, nhưng cũng kéo theo không ít tranh cãi, bởi cộng đồng này đã có sân chơi riêng.

Theo Missosology, ngày 5/10, trong buổi giao lưu với báo chí tại Philippines, bà Julia Morley chủ tịch tổ chức Hoa hậu Thế giới cho biết, sẽ chấp nhận người chuyển giới tham gia đấu trường nhan sắc lớn nhất hành tinh. Thông tin này khiến không ít khán giả bất ngờ, bởi trước nay Hoa hậu Thế giới là sân chơi của những thí sinh vốn được sinh ra là nữ giới. Tuy nhiên, bà Julia Morley cho biết, thí sinh chuyển giới phải có khai sinh và hộ chiếu được công nhận là nữ giới mới được dự thi.

Ý kiến của bà Julia Morley xuất phát từ vấn đề đang gây tranh cãi trong nhiều tháng qua, khi người chuyển giới đầu tiên sẽ chính thức tranh tài tại Hoa hậu Hoàn vũ năm nay. Đó là người đẹp Angela Ponce, Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha 2018. Cũng từ đây, dư luận đặt vấn đề, ngoài Hoa hậu Hoàn vũ (đưa ra luật chấp nhận thí sinh chuyển giới từ năm 2012, với điều kiện phải chiến thắng ở cuộc thi cấp quốc gia) thì các cuộc thi khác sẽ ứng xử ra sao trước trường hợp đặc biệt tương tự như thế.

Tranh cai khong hoi ket ve nguoi chuyen gioi o cac cuoc thi nhan sac
Angela Ponce – Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha 2018 là người chuyển giới

Ngoài Tây Ban Nha, năm nay, Hoa hậu Israel cũng chấp nhận thí sinh là người chuyển giới. Tuy nhiên, thí sinh này chỉ dừng chân ở top 4 chung cuộc. Năm 2018 là lần đầu tiên Mông Cổ tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cấp quốc gia, gửi thí sinh thi quốc tế. Dàn ứng viên Hoa hậu Hoàn vũ Mông Cổ 2018 có một thí sinh là người chuyển giới – Belguun Batsukh. Vì thế, đêm chung kết vào ngày 17/10 tới đây rất được mong chờ. Nếu chiến thắng, đây sẽ là thí sinh chuyển giới thứ hai góp mặt tại Hoa hậu Hoàn vũ năm nay.

Người chuyển giới tham gia, thậm chí giành chiến thắng ở các cuộc thi vốn dành cho nữ giới và bắt đầu được các tổ chức quốc tế đón nhận là câu chuyện vui trong quá trình cộng đồng này nỗ lực để được thừa nhận. Tuy nhiên, chúng cũng kéo theo không ít tranh cãi.

Tranh cai khong hoi ket ve nguoi chuyen gioi o cac cuoc thi nhan sac
Belguun Batsukh – thí sinh chuyển giới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Hoa hậu Hoàn vũ Mông Cổ 2018

Angela Ponce đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha vào tháng 6/2018. Cô đủ tư cách đến với Hoa hậu Hoàn vũ năm nay, nhưng những tranh cãi xoay quanh người đẹp này vẫn chưa có hồi kết.

Mới đây, trong một chương trình truyền hình, Hoa hậu Hoàn vũ Colombia 2018 – Valeria Morales (đăng quang ngày 30/9) lên tiếng phản đối việc Angela Ponce được dự thi Hoa hậu Hoàn vũ: “Cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Hoàn vũ là dành cho phụ nữ – những người từ khi sinh ra đã là phụ nữ. Tôi tin với cô ấy (Hoa hậu Hoàn vũ Tây Ban Nha 2018 – PV) thì điều đó cũng là một bất lợi. Chúng tôi sẽ tôn trọng nhưng không có nghĩa là đồng ý chia sẻ sân chơi với cô ấy”.

Tranh cai khong hoi ket ve nguoi chuyen gioi o cac cuoc thi nhan sac
Hoa hậu Hoàn vũ Colombia 2018 – Valeria Morales

Angela Ponce đáp trả khôn khéo: “Tôi tôi trọng ý kiến của các bạn, nhưng tôi muốn đến dự thi Hoa hậu Hoàn vũ mà không có định kiến nào nhắm vào cô ấy (Hoa hậu Colombia – PV) hay bất cứ ai khác. Tôi muốn có trải nghiệm đẹp nếu cô ấy muốn biết về tôi. Thực sự tôi cũng muốn biết về cô ấy. Tôi sẽ không bao giờ cố gắng thay đổi ý kiến của bạn, bởi điều đó không nằm trong tâm tưởng của tôi. Mục đích của tôi là làm cho sự thật được biết đến và nói chuyện với thế giới về nền giáo dục công nhận sự đa dạng vẫn còn hạn chế lắm – yếu tố rất quan trọng đã dẫn đến nhiều sự bắt nạt, định kiến và cả vũ lực. Tôi yêu cầu nhận được sự tôn trọng, dành cho người bạn Valeria Morales và cho tôi”.

Nhiều người đẹp có tiếng cũng nêu quan điểm về trường hợp người chuyển giới được chấp nhận ở các cuộc thi vốn dành cho nữ giới. Hoa hậu Hoàn vũ 2013 – Gabriela Isler, Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ 1999 – Miriam Quiambao, Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ 1995 – Desiree Lowry, Hoa hậu Panama 2011 – Sheldry Saez đều phản đối.

Trong khi đó, Hoa hậu Hoàn vũ 2012 – Olivia Culpo, Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2018 – Catriona Gray… lại lên tiếng ủng hộ. Theo một nguồn tin, tổ chức Hoa hậu Nga đã đánh tiếng với tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ, không để thí sinh nước này ở chung phòng với Hoa hậu Tây Ban Nha trong cuộc thi.

Tranh cai khong hoi ket ve nguoi chuyen gioi o cac cuoc thi nhan sac
Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2018 – Catriona Gray ủng hộ người chuyển giới tham gia các cuộc thi nhan sắc cho nữ giới

Trước nay, cộng đồng người chuyển giới luôn chịu nhiều định kiến, thiệt thòi. Việc người chuyển giới nỗ lực để được công nhận về giá trị, tiến tới sự công bằng giữa các giới trong xã hội là điều đáng trân trọng, cổ vũ.

Angela Ponce cũng từng cho biết, cô đến với Hoa hậu Hoàn vũ năm nay với mục tiêu chính là mang tiếng nói cho cộng đồng LGBT. Trong khi đó, một vài năm trở lại đây, các cuộc thi nhan sắc lại không chỉ chú trọng đến sắc vóc, hình thể mà còn đề cao năng lực, trí tuệ và khả năng, câu chuyện truyền cảm hứng từ hình mẫu của cái đẹp.

Hành trình, ý chí, sự đấu tranh tư tưởng với những định kiến xã hội của cộng đồng người chuyển giới vốn mang nhiều ý nghĩa, có khả năng lan tỏa mạnh. Vì thế, sự xuất hiện của họ tại các sân chơi này trở thành nét độc đáo. Hơn nữa, việc chuyển giới cũng được xem là hợp thức hóa giới tính, để họ được công nhận là phụ nữ thực thụ.

Tuy nhiên, cộng đồng người chuyển giới đã có sân chơi nhan sắc riêng: Miss International Queen – Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế. Cuộc thi này có tầm vóc và ảnh hưởng nhất định trong hành trình tìm tiếng nói, giá trị của cộng đồng LGBT. Vì thế, việc để người chuyển giới tham gia các cuộc thi dành cho nữ giới được xem là không công bằng, bởi các cô gái không thể thực hiện điều ngược lại.

Việc chấp nhận người chuyển giới cũng bị đặt câu hỏi liệu có sẽ tạo ra tiền lệ để chấp nhận thêm nhiều nhóm đối tượng khác như: phụ nữ đã lập gia đình, phụ nữ khuyết tật… hay không khi họ cũng đấu tranh và đưa ra những thông điệp sống tích cực, theo đúng tinh thần các cuộc thi nhan sắc mong muốn. Có ý kiến cho rằng, việc để người chuyển giới dự thi sẽ bóp méo hình ảnh phụ nữ và những giá trị vốn đã được số đông thừa nhận.

Tranh cai khong hoi ket ve nguoi chuyen gioi o cac cuoc thi nhan sac
Hương Giang Idol (giữa) là đương kim Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế

Những tranh cãi này chắc chắn sẽ còn kéo dài, bởi về tình hay lý đều khó có thể đưa ra lý lẽ thuyết phục. Ủng hộ hay phản đối đều xuất phát từ quyền lợi, giá trị của con người. Nhưng cuộc chơi nào cũng có luật và mọi người buộc phải tuân theo. Thay cho những chỉ trích, phản đối, sự tôn trọng khác biệt là điều thực sự cần thiết trong hiện tại và tương lai, bởi dù là thí sinh hay khán giả đều không thay đổi được sự thật: các đấu trường nhan sắc vốn dành cho nữ giới nay đã mở cửa cho người chuyển giới.

 

Thành Lâm/ PNO

Bình luận (0)