Câu chuyện trao quyền cho robot tưởng vẫn còn nằm trong các câu chuyện viễn tưởng, nhưng đang là vấn đề gây tranh cãi giữa các chính trị gia và giới chuyên gia châu Âu.
Robot hỗ trợ người già tại Pháp – Ảnh: REUTERS
Trong khi các lãnh đạo châu Âu đang tranh luận về việc trao một số quyền đặc biệt cho những cỗ máy thông minh, khoảng 150 chuyên gia quốc tế trong nhiều lĩnh vực từ robot, trí tuệ nhân tạo (AI), luật, y khoa và đạo đức đã đồng thanh lên tiếng can ngăn, lo ngại nó có thể đi ngược với quyền của con người.
Tư cách pháp nhân
Vấn đề bắt nguồn từ nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua năm ngoái, đề xuất công nhận quy chế "người điện tử" đối với những robot tự hành ở mức độ phức tạp. Đề xuất này đang được cơ quan quản lý cấp của khu vực, Ủy ban châu Âu (EC), tranh luận trước khi đưa ra ý kiến vào cuối tháng 4-2018.
"AI có thể đem lại những lợi ích lớn cho kinh tế và xã hội của chúng ta… nhưng cũng đặt ra các vấn đề, chẳng hạn tác động của AI lên xã hội và việc làm" – người phát ngôn của EC nói.
Công nghệ hiện nay cho phép máy tính học hỏi và đưa ra quyết định tương tự con người. Nhưng vấn đề bỏ ngỏ lâu nay là phải xử lý như thế nào khi xảy ra vấn đề, trong khi cơ chế hiện tại, tức buộc nhà sản xuất hoặc/và người sở robot chịu trách nhiệm, bị coi là không còn phù hợp.
Các chính trị gia châu Âu cho biết đề xuất này nhằm chuẩn bị cho tương lai, tạo tiền đề để buộc robot phải được đăng ký với chính quyền và xây dựng các đạo luật đảm bảo những cỗ máy này sẽ được sử dụng để phục vụ con người thay vì gây tổn hại, cũng tương tự như trao tư cách pháp nhân cho các công ty.
Các nhà làm luật trấn an, cho rằng nhiều nước, bao gồm Mỹ, cũng đang soạn các quy chuẩn cho robot. Đề xuất của châu Âu cũng kêu gọi thành lập một cơ quan chung của khối về robot và AI để hỗ trợ chính quyền trong các vấn đề kỹ thuật, quy tắc.
Nhưng còn nhiều câu hỏi chưa thể giải quyết, như các cỗ máy này có phải nộp thuế hay đóng góp các chi phí an ninh xã hội hay không? Liệu robot sẽ có các quyền tương tự con người như kết hôn?…
Ý tưởng kinh khủng
Trong khi đó, các chuyên gia đặt ra nhiều vấn đề quan trọng hơn. "Ở khía cạnh luật pháp và đạo đức, việc tạo tư cách pháp nhân cho robot là không phù hợp, dù đó là tư cách gì đi nữa" – CNN dẫn bức thư gửi đến Ủy ban châu Âu, cho rằng còn vấn đề phức tạp xung quanh.
Theo chuyên gia Nathalie Nevejans của Đại học Artois (Pháp), các robot không thể tham gia hoạt động xã hội mà không có con người điều khiển và điều đó sẽ không thay đổi ở tương lai gần.
"Tư cách pháp nhân sẽ làm mập mờ quan hệ giữa con người với máy móc… và điều đó sẽ gây trở ngại khi chúng ta tạo ra chúng để phục vụ con người" – bà Nevejans nói. Các chuyên gia cho rằng lợi ích của con người cần phải được đặt lên hàng đầu trong bất cứ tranh luận nào về quyền của robot.
Ngoài ra, nó cũng có thể dẫn đến tình huống đòi trả lương hoặc trao thêm quyền cho robot. Một số ý kiến khác cho rằng động cơ chính cho kế hoạch của châu Âu giúp các nhà sản xuất phủi bỏ trách nhiệm liên quan đến robot.
Thay vào đó, giới chuyên gia đề xuất thiết lập bộ quy định về robot và AI để đảm bảo an toàn và thúc đẩy sáng tạo. "Không có các quy định, con người có thể đối mặt với một viễn cảnh khải huyền khi robot trở thành chủ nhân của con người" – nhà xã hội học Mady Delvaux cảnh báo và cho rằng vấn đề nên được đưa ra thảo luận với công chúng.
"Suy nghĩ sai lầm về những gì AI có thể làm được là rất nguy hiểm. Nó cũng nguy hiểm đối với các chính trị gia. Họ thấy và họ tin vào nó, bởi họ không phải kỹ sư và không có lý do gì để không tin" – chuyên gia Noel Sharkey của Đại học Sheffield (Anh) nói.
Tranh cãi sẽ càng gay gắt khi đầu tư vào lĩnh vực robot ngày càng lớn. Trong vài năm tới, giới phân tích ước đoán cơn sốt trong lĩnh vực này sẽ gia tăng, chẳng hạn thị trường robot tiêu thụ có thể tăng gấp ba lần trong năm năm tới, từ 5,4 tỉ USD năm 2018 lên 15 tỉ USD vào năm 2023.
Doanh thu các robot lao động dự kiến tăng hàng chục lần từ 100 triệu USD năm 2015 lên đến 3 tỉ USD vào năm 2020. Trong khi đó, thị trường robot công nghiệp, bao gồm cả xe tự hành và những máy móc làm những công việc phức tạp, sẽ đạt 40 tỉ USD so với 25,7 tỉ USD năm 2013.
Bình luận (0)