Trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, học sinh cần cân nhắc kỹ để tránh chọn nghề có nguy cơ mai một, thừa lao động hoặc xã hội không còn nhu cầu.
Học sinh Trường THPT Bình Khánh đặt câu hỏi cho các chuyên gia
Đó là lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tại 3 trường THPT trên địa bàn huyện Cần Giờ mới đây. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
Theo xu hướng thị trường lao động
Mở đầu chương trình hướng nghiệp tại Trường THPT Bình Khánh, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin: Năm 2017, cả nước có 71% học sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, kết quả có 41% vào ĐH, 36% vào CĐ-TC, số còn lại đi làm hoặc ở nhà phụ giúp gia đình.
ThS. Phùng Quán cho biết hệ thống giáo dục Việt Nam có 8 bậc (từ bậc 1-3: sơ cấp, bậc 4: TC, bậc 5: CĐ và bậc 6 là ĐH…), trong đó bậc TC-CĐ nghề đào tạo theo hướng thực hành; CĐ sư phạm và ĐH đào tạo thiên về ứng dụng và nghiên cứu. Riêng ở bậc ĐH, ngoài khoảng 256 trường (170 trường công lập, 2 ĐH Quốc gia và các ĐH vùng) còn có 526 chương trình liên kết đào tạo quốc tế do các trường liên kết cấp bằng. Với hệ thống các trường cùng sự phong phú về ngành nghề đào tạo, tùy theo năng lực, điều kiện và sở thích mà học sinh có thể chọn học từ sơ cấp đến ĐH.
Chia sẻ với học sinh trong trường về kỹ năng chọn nghề, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) lưu ý: Cho dù xuất phát điểm thế nào, trước hết các em phải hiểu bản thân mới chọn được nghề phù hợp. Cụ thể là biết bản thân có năng lực, tố chất gì và yêu thích công việc nào? Môi trường gia đình và xu thế phát triển của xã hội cũng là cơ sở để chọn nghề. “Trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các em cần cân nhắc kỹ để tránh chọn nghề có nguy cơ mai một, thừa lao động hoặc xã hội không còn nhu cầu”, TS. Nguyễn Thanh Tùng khuyên.
Tương tự, ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh, HUTECH) cho rằng năng lực, điều kiện kinh tế gia đình là một chuyện, việc chọn nghề còn phải hướng đến xu hướng của thị trường lao động. Những nghề không thể không nhắc đến trong vài năm tới là các chuyên ngành nhỏ của công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô, robot di động…
Quan tâm nhóm ngành sức khỏe
Cẩm Giang (học lớp 12A1, Trường THPT Bình Khánh) đặt câu hỏi: “Em muốn học ngành Luật Kinh tế nhưng còn băn khoăn về công việc cụ thể sau khi ra trường?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, UEF) cho biết học Luật Kinh tế ra có thể làm chuyên viên tư vấn tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia, luật sư, giảng viên luật… Tuy nhiên, cơ hội việc làm cùng sự thăng tiến còn phụ thuộc vào kỹ năng của chính người học.
Bên cạnh các ngành nghề như cơ khí, Đông phương học, ngôn ngữ Anh…, nhiều học sinh Trường THPT Bình Khánh cũng quan tâm đến ngành điều dưỡng và có nguyện vọng du học ngành này tại Nhật Bản. Bà Trần Thùy Dung (đại diện Trường Nhật ngữ và Du học Redbook) cho biết có khoảng 200 suất học bổng/năm cho ngành điều dưỡng tại Nhật Bản, bao gồm học bổng toàn phần, bán phần và giảm học phí. Bà Trần Thùy Dung lưu ý: Ngành điều dưỡng của Nhật Bản khác với Việt Nam là chỉ làm công việc chăm sóc người già tại bệnh viện, viện dưỡng lão với mức lương từ 10-18 triệu đồng/tháng lúc còn đang học và khoảng 42 triệu đồng/tháng khi đã ra trường. Về điều kiện để nhận học bổng, ứng viên phải tốt nghiệp THPT, học lực 3 năm THPT đạt loại khá trở lên và phải có năng lực tiếng Nhật. Nếu học lực hạn chế nhưng khả năng tiếng Nhật tốt sẽ được “du di”.
HS lựa chọn ngành nghề không phù hợp giảm nhiều Ông Ngô Tấn Hưng (Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh) đánh giá cao chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai”, là cơ sở để các em học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, hạn chế thấp nhất sự lãng phí về thời gian cũng như tiền bạc. Ông Hưng dẫn chứng: Hiện nay số học sinh lựa chọn ngành nghề không phù hợp với năng lực, sở thích giảm nhiều (chỉ còn 5-10%) so với các năm trước. Được biết, năm học 2017-2018, Trường THPT Bình Khánh có 217/220 học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia, trong đó có 141 em đậu vào các trường ĐH-CĐ (chiếm 65%).
ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH KHTN TP.HCM) đang tư vấn cho các em học sinh Trường THPT An Nghĩa |
Trao đổi thêm về vấn đề này, ThS. Phạm Doãn Nguyên cho rằng học sinh cần tìm hiểu kỹ “khoảng lặng” cũng như hào quang của nghề điều dưỡng. Người học phải có bản lĩnh và thần kinh thép mới có thể học tốt các môn giải phẫu học, làm việc trực tiếp với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Bởi ngoài việc chăm sóc cho bệnh nhân, nhân viên điều dưỡng còn phải điều trị khủng hoảng tâm lý của người bệnh. Vì vậy, tố chất để học ngành này là phải biết yêu thương con người, đồng cảm, chịu áp lực cao… Trong khi đó, Nguyễn Thị Cẩm Tiên (học lớp 11A5, Trường THPT Bình Khánh) cho biết em rất thích ngành sư phạm mầm non nhưng không biết cơ hội việc làm thế nào? Giải đáp băn khoăn này, ThS. Phùng Quán gợi ý, học ngành sư phạm mầm non cần có lòng yêu thương trẻ, bình tĩnh kiềm chế cảm xúc và chịu được áp lực cao bên cạnh năng khiếu (kể chuyện, hát, múa…). Với nhu cầu phát triển hệ thống giáo dục mầm non công và tư như hiện nay, nhân lực ngành này đang thiếu rất nhiều.
Tại Trường THPT An Nghĩa, các chuyên gia nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của học sinh trong trường liên quan đến những ngành nghề như kỹ thuật hình ảnh y học (chẩn đoán hình ảnh y học), công nghệ sinh học, cơ khí, công nghệ ô tô… Trả lời câu hỏi của Trúc Ly (học lớp 12A1) về ngành kỹ thuật hình ảnh y học, ThS. Phùng Quán khái quát: Học ngành này, người học sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, hiểu biết nguyên lý, quy tắc, quy trình vận hành, bảo dưỡng một số trang thiết bị thuộc ngành kỹ thuật y học. Ra trường sẽ làm các công việc như kỹ thuật X quang, phân tích chất lượng kỹ thuật phim, kỹ thuật chụp cắt lớp điện toán và cộng hưởng từ… tại phòng khám hoặc bệnh viện.
Tương tự, tại Trường THPT Cần Thạnh, các chuyên gia cũng đã cung cấp nhiều kiến thức cơ bản liên quan đến nhóm ngành sức khỏe và dịch vụ cho các em học sinh trong trường.
T.Anh
Bình luận (0)