Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tránh chọn nghề theo xu hướng… ham vui

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều học sinh khi đứng trước cánh cửa chọn nghề còn mơ hồ, chưa định hướng được nghề mà mình đam mê và có khả năng; thậm chí chọn một cách qua loa, cho có, hoặc ham vui theo lời rủ rê của bạn dẫn đến hậu quả bị mất phương hướng, tốn thời gian và kinh tế khi phải làm lại từ đầu.

Học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây trao đổi với các chuyên gia về những sai lầm trong chọn ngành nghề

Đó là thực tế được thầy Đỗ Văn Đông (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, Q.Thủ Đức) thẳng thắn nhìn nhận trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 vừa diễn ra tại trường. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).

Cần am hiểu cơ hội nghề nghiệp

Trao đổi với học sinh trong trường, ThS. Lê Thị Thu Hà (Trưởng phòng Phụ trách bộ phận hướng nghiệp việc làm thuộc Ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết để có được thành công trong tương lai như mong muốn, ngay từ bây giờ mỗi học sinh cần có những am hiểu về các cơ hội nghề nghiệp của mình.

Điều kiện xét tuyển, khả năng việc làm khi du học Đài Loan

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây, bên cạnh những câu hỏi bày tỏ băn khoăn trong chọn ngành nghề phù hợp, nhiều học sinh còn quan tâm đến điều kiện xét tuyển cũng như khả năng việc làm đối với hướng đi du học Đài Loan. ThS. Bùi Ánh Tuyết (đại diện Tổ chức Giáo dục BGG) chia sẻ: Đối với xu hướng hiện tại, du học là lựa chọn tốt cho nhiều học sinh. Đặc biệt là một số chương trình du học Đài Loan đang được chú trọng tại các tỉnh/thành như TP.HCM, Đồng Nai… với mức học phí phù hợp, nhiều chương trình học bổng hấp dẫn. Sau khi ra trường, người học có thể lựa chọn làm việc tại Đài Loan hoặc trở về Việt Nam với những cơ hội rộng mở, mức thu nhập hấp dẫn. Điều kiện để tham gia chương trình là học sinh phải tốt nghiệp THPT, đối với những học sinh có điểm tốt nghiệp THPT bình quân 3 năm trên 6.0 sẽ có các cơ hội nhận được các suất học bổng.

T.Dương

Theo bà Thu Hà, hiện Việt Nam đang công nhận 8 trình độ: trình độ từ 1 đến 4 là TCCN với khoảng 2.000 cơ sở đào tạo, thời gian đào tạo từ 3 tháng đến 1,5 năm, gồm hơn 800 ngành nghề; trình độ CĐ, hiện có 215 cơ sở với khung thời gian từ 2 đến 3 năm, đào tạo 558 ngành; trình độ ĐH đào tạo từ 3 đến 5 năm, có 265 cơ sở với 367 ngành… Bên cạnh đó, mỗi năm ở nước ta có khoảng 3.000 ngành nghề được thay thế và bổ sung. Ngoài ra, hiện nay rất nhiều trường ĐH còn có các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Học sinh cũng có nhiều cơ hội và sự lựa chọn trở thành du học sinh ở các nước trên thế giới… “Ứng với mỗi trình độ, mỗi ngành nghề, học sinh cần có ý thức, mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm với bản thân. Để chọn được đúng hướng đi cho mình, trước hết các em cần chủ động tìm hiểu, am hiểu nhất định về ngành nghề, trường học mà mình lựa chọn. Đặc biệt, các em cần trả lời được câu hỏi: “Mình muốn làm nghề gì trong tương lai?, nghề đó có phù hợp với khả năng của mình hay không?”. Sau khi tự trả lời được câu hỏi về nghề nghiệp mong muốn, các em cần tìm hiểu những trường nào đào tạo ngành nghề đó và điều kiện tuyển sinh của các trường như thế nào, học phí có phù hợp với điều kiện kinh tế hay không, nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai như thế nào? Khi đã cân nhắc đầy đủ mọi yếu tố và tự đặt ra được các mục tiêu phấn đấu cho mình, các em sẽ chọn được ngành nghề phù hợp. Để chọn đúng ngành nghề, các em phải tự thân vận động, không ai có thể quyết định thay”,  bà Thu Hà phân tích.

Bà Thu Hà cho biết thêm, số liệu thống kê cho thấy có hơn 75% học sinh mong muốn học ĐH sau tốt nghiệp THPT. Để thực hiện được mong muốn trên, các em thực sự phải nỗ lực. Điều kiện tiên quyết là các em cần nghiêm túc học tập, chú trọng ôn tập để vượt qua kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Hai sai lầm khi chọn nghề

Thầy Đỗ Văn Đông cho biết năm học 2017-2018, Trường THPT Đào Sơn Tây có tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ hơn 62%, khoảng 10% rẽ sang các hướng đào tạo khác, còn lại chưa có thống kê cụ thể đối với những học sinh tự liên hệ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường và nhận giấy báo trúng tuyển tại nhà. Thầy Đông cho biết thêm, trên thực tế nhiều học sinh vẫn còn rất mơ hồ trong quá trình chọn ngành nghề. Cụ thể, học sinh thường gặp 2 sai lầm quan trọng: Thứ nhất là chọn ngành nghề ở hiện tại thay vì ngành nghề tương lai. Các em thường chạy theo ngành nghề “hot” ở thời điểm lựa chọn, trong khi đó 4 năm sau khi ra trường xu hướng ngành nghề, xu hướng nhân lực đã có nhiều thay đổi. Sai lầm thứ 2 của các em là chọn ngành nghề theo xu hướng đám đông, ham vui theo sự rủ rê của bạn bè. “Tôi đã gặp rất nhiều học sinh chia sẻ rằng, các em bị mất phương hướng khi phải lựa chọn lại. Nguyên nhân là khi còn ở ghế nhà trường THPT các em chưa định hướng được ngành nghề mà mình lựa chọn. Khi nộp hồ sơ vào các trường ĐH, CĐ, các em đã ham vui theo rủ rê của bạn bè, hoặc định hướng của cha mẹ… Kết quả là dù đỗ, nhưng các em chỉ theo học được khoảng 1 đến 2 năm thì rẽ sang hướng khác do không thể theo được, không có đam mê. Việc đó không chỉ gây tốn kém thời gian, kinh phí mà còn khiến tinh thần các em bị sa sút, mất thăng bằng trong một khoảng thời gian nhất định”, thầy Đông chia sẻ.

Học nghề nào không bị áp lực công việc?

Tại chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 11 năm học 2018-2019 tổ chức tại Trường THPT Hùng Vương (Q.6) vừa qua, nhiều học sinh mong muốn tìm học một nghề mà không có những áp lực công việc, thoải mái thời gian và không lệ thuộc vào quá nhiều người. Trả lời vấn đề trên, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM) cho biết bất cứ một ngành nghề nào, dù ít dù nhiều cũng luôn chịu những áp lực công việc như thời hạn công việc, sản phẩm công việc đạt yêu cầu… “Nếu bản thân các em cảm thấy mình không phù hợp với những công việc gò bó, lệ thuộc thì có thể lựa chọn những công việc mang tính sáng tạo, chủ động”, ông Hạ khuyên.

Tuy nhiên, ông Hạ cho biết thêm, khi bước vào cuộc sống, có những điều bản thân tưởng như vậy mà lại không phải vậy và trong công việc cũng thế. Tưởng rằng mình chủ động, sáng tạo nhưng vẫn còn rất nhiều mối quan hệ liên quan nữa. “Một mình không bao giờ độc lập xây dựng được một công việc tốt. Do đó, dù làm bất cứ công việc nào, với tính chất thế nào, các em cũng cần phải trang bị cho bản thân rất nhiều kỹ năng. Đặc biệt là kỹ năng tương tác, khả năng làm việc nhóm…”, ông Hạ khẳng định.

Yến Hoa

Thầy Đông thông tin thêm, nhiều năm qua Ban Giám hiệu nhà trường luôn thẳng thắn nhìn nhận rằng học lực của đa số học sinh trong trường ở mức trung bình khá, bên cạnh đó khả năng tự đánh giá, tự định hướng nghề nghiệp chưa thật sự tốt. Nhằm hỗ trợ cho học sinh một cách tốt nhất từ cập nhật kiến thức đến kỹ năng mềm, nhà trường đã và đang nỗ lực tăng cường đào tạo, tăng cường các chương trình hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh nhằm hạn chế tối đa những sai lầm của học sinh trong chọn ngành nghề. Cụ thể, mỗi năm nhà trường kết hợp cùng Báo Giáo dục TP.HCM, Sở GD-ĐT thực hiện ít nhất 3 đợt hướng nghiệp, 2 đợt tư vấn tuyển sinh. Đánh giá về hiệu quả thực hiện, thầy Đông nhấn mạnh: “Các chương trình với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục đã mang lại  hiệu quả cao. Học sinh đã biết cách nhìn nhận bản thân, tìm hiểu những thông tin cần thiết trong thời điểm có nhiều phân vân, hình dung được những ngành nghề có đầu ra, thu nhập ổn định trong tương lai, từ đó các em có thể chọn nghề phù hợp với chính mình…”.

Hoài Thương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)