Nhóm ngành kinh tế vẫn đang được thí sinh trao gửi niềm tin. Nhưng thay vì tập trung vào các trường đào tạo chuyên ngành kinh tế có điểm chuẩn cao, nhiều thí sinh tìm đến những trường đa ngành.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chờ vào phòng thi năm 2008. Năm 2009, cuộc đua vào trường này sẽ căng thẳng hơn với lượng hồ sơ tăng gấp đôi – Ảnh: H.T
|
Né điểm chuẩn quá khứ
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho thấy rõ tâm lý “chọn trường an toàn” của thí sinh trong tuyển sinh năm nay.
Năm 2008, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường này chỉ có 2.100 sinh viên, trong khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi lên hơn 23.000. Và điểm chuẩn những ngành “hot” của trường lên đến 21 – 21,5 điểm.
Có lẽ, đây chính là điều khiến không ít thí sinh “hâm mộ” khối ngành kinh tế phải chùn tay trong lựa chọn của mình. Kết quả là chỉ có hơn 11.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường trong năm 2009, trong khi chỉ tiêu của trường đã tăng lên 2.400 sinh viên.
Con số này đưa tỉ lệ “chọi” trung bình của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM xuống ở mức khá dễ chịu: khoảng 1/4,6.
Điều này xảy ra tương tự với Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM) vì mức điểm chuẩn có ngành lên đến 22 điểm. Vì vậy, số lượng đăng ký dự thi vào khoa này giảm đi phân nửa. Cùng một chỉ tiêu tuyển sinh như năm 2008 là 1.650, tỉ lệ “chọi” trung bình của khoa đã giảm xuống còn 1/6,6.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tuy có chút khác biệt vì số lượng hồ sơ tăng lên, nhưng con số tăng không nhiều cho thấy sự dè dặt của thí sinh. Đã không có một sự tăng vọt như một số trường hay chính số lượng của trường này trong những năm trước đây.
Theo một chuyên gia tuyển sinh, sự dè dặt này xuất phát từ tâm lý e ngại tiếng tăm, độ khó của trường. 5.000 bộ hồ sơ tăng thêm trong tuyển sinh năm nay được giải thích vì mức điểm chuẩn tương đối mềm (18,5 điểm) trong năm 2008.
Có lẽ, cũng nhờ mức điểm chuẩn khá mềm (14,5 điểm cho tất cả các ngành) mà Trường ĐH Tài chính – marketing (Trường ĐHBC Marketing cũ) nhận hồ sơ đăng ký dự thi nhiều hơn hẳn năm 2008 với 16.610 hồ sơ.
Trong khi đó, số liệu tại những trường đa ngành có đào tạo khối ngành kinh tế lại phản ánh sức hút mãnh liệt của khối ngành này. Nhìn vào con số 63.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, dễ nhầm tưởng thí sinh đang dồn mọi sự quan tâm vào những ngành liên quan đến kỹ thuật. Nhưng không.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn – giám đốc trung tâm tuyển sinh của trường, trong tổng số hồ sơ có khoảng 60% dự thi khối A, tương đương gần 38.000 bộ. Điều đó đồng nghĩa với việc 11 ngành khối kỹ thuật và ba ngành khối kinh tế chia nhau khoảng 38.000 bộ hồ sơ.
Còn lại, gần 40%, tương đương với 25.000 hồ sơ, lại chỉ tập trung vào ba ngành khối kinh tế (ngành khối kinh tế tuyển sinh khối A và D), gồm: quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính – ngân hàng và ngành tiếng Anh của khối D1 cùng ba ngành thi khối B.
Vì vậy, nếu phân theo ngành, chắc chắn số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành khối kinh tế sẽ chiếm một lượng không nhỏ, đồng nghĩa với một tỉ lệ “chọi” không hề dễ thở cho thí sinh đã chọn những ngành này.
Đừng thấy “chọi” cao đã choáng
Ở phía Bắc, với hơn 64.000 hồ sơ, số lượng đăng ký dự thi của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm nay tăng thêm hơn 22.000 so với năm 2008, làm bản thân nhà trường cũng phải bất ngờ.
Ông Phạm Thành Công, cán bộ tuyển sinh nhà trường, cho biết: “Trường đã chuẩn bị tinh thần là năm nay sẽ nhận nhiều hồ sơ hơn nhưng cũng chỉ nghĩ đến con số trên 50.000. Cuối cùng, còn phải tăng cường thêm ôtô mới chở hết hồ sơ về”.
Tuy lượng hồ sơ vào trường rất cao nhưng ông Công cũng trấn an thí sinh: “Tỉ lệ chọi sẽ không quá cao vì tổng chỉ tiêu tất cả các hệ, các loại hình đào tạo của trường năm nay khoảng 6.500 chỉ tiêu. Thí sinh không đủ điểm trúng tuyển ĐH có thể được xét tuyển CĐ hay TCCN hoặc đăng ký học những chương trình đào tạo khác.
Rất nhiều cơ hội cho thí sinh ở những trình độ, năng lực khác nhau. Như vậy, tỉ lệ chọi của trường cũng không phải quá cao, như hiện nay là 1/10, nếu trừ đi số ảo, con số này sẽ còn thấp hơn”.
Với Viện ĐH Mở Hà Nội, nếu không trúng tuyển các ngành đào tạo ĐH, thí sinh dự thi vào trường sẽ có cơ hội trúng tuyển vào các ngành đào tạo CĐ, TCCN và có thể học liên thông lên ĐH.
Tương tự, ông Phạm Mạnh Hùng (ban đào tạo Trường ĐH Thái Nguyên) cho biết, tổng cộng có khoảng 80.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường, khoa thành viên của trường.
Mới nghe con số này, thí sinh có thể choáng nhưng chỉ tiêu tuyển mới của toàn ĐH Thái Nguyên năm nay là hơn 11.000, tăng đáng kể so với năm 2008. Như vậy tỉ lệ chọi của trường không tăng so với mùa thi năm trước.
Một trường khác là Học viện Hành chính quốc gia, theo ông Bùi Huy Khiên – trưởng ban đào tạo, cơ sở phía Bắc của học viện nhận được 6.520 hồ sơ, tăng hơn 1.500 hồ sơ so với năm trước.
Nhưng theo ông Khiên, tỉ lệ hồ sơ ảo sẽ là không nhỏ. “Năm 2008, số thí sinh đến dự thi của trường là 67%. Năm nay hồ sơ tăng nhiều như thế, tỉ lệ ảo sẽ tăng. So với chỉ tiêu tuyển mới năm nay là 900 thì tỉ lệ chọi thực tế sẽ không cao hơn năm trước” – ông Khiên đánh giá.
Xu hướng chọn trường của thí sinh năm nay thực tế hơn nhiều – đó là nhận xét chung của nhiều cán bộ tuyển sinh các trường ĐH.
Những trường nhận được nhiều hồ sơ không chỉ có mức điểm chuẩn nằm trong tốp giữa mà còn là những trường có thay đổi trong phương thức xét tuyển như áp dụng điểm trúng tuyển chung vào trường rồi mới có điểm chuẩn riêng cho từng ngành, tạo thêm cơ hội cho thí sinh đạt kết quả thi cao hoặc có thêm nhiều ngành đào tạo mới, có xét tuyển hệ CĐ hoặc có các chương trình đào tạo liên thông…
Theo thống kê số lượng hồ sơ đăng ký dự thi, dù tổng số hồ sơ cả nước giảm nhưng hầu hết các trường có đào tạo khối kinh tế và điểm chuẩn trúng tuyển không quá cao, hồ sơ đăng ký dự thi đều tăng.
Trong đó, Trường ĐH Mở TP.HCM tăng từ 44.000 lên 47.000 hồ sơ so với năm 2008. Trường ĐH Hoa Sen tăng từ hơn 9.000 lên trên 11.000 hồ sơ.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng tăng thêm 1/3 so với năm 2008, từ 23.000 lên trên 33.000 hồ sơ.
Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM tăng gần gấp đôi, từ 4.600 lên khoảng 9.000 hồ sơ.
Đồng thời, phần lớn những trường đào tạo không liên quan hoặc không có nhiều ngành liên quan đến kinh tế, lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm hẳn hoặc chựng lại.
Điều này dự báo một tỉ lệ “chọi” cao chóng mặt ở khối ngành kinh tế ngay tại những trường không chuyên về kinh tế.
|
Theo H. Thuật – Thanh Hà
Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ
Bình luận (0)