Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tranh Đông Dương và sự trở lại của Người hát dân ca

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin bức Người hát dân ca của danh họa Nguyễn Phan Chánh xuất hiện ở phiên đấu giá tại Pháp được đông đảo công chúng chú ý. Đây là tác phẩm quý, đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của tác giả, đã lưu lạc gần trăm năm qua.

Trở lại sau gần thế kỷ mất dấu

Giữa tháng Sáu này, tại Paris (Pháp), phiên đấu giá Arts d’Asie do nhà Sotheby’s tổ chức sẽ xuất hiện bức Người hát dân ca (tựa gốc: Les Chanteuses de Campagne) của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984). Với những ai có tìm hiểu về thị trường tranh Đông Dương và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Phan Chánh, đây là sự kiện đáng chú ý vì bức Người hát dân ca đã mất dấu gần thế kỷ qua.

Tác phẩm Người hát dân ca vẽ bằng chất liệu sơn dầu của danh họa Nguyễn Phan Chánh - Nguồn ảnh: Sotheby’s

Tác phẩm Người hát dân ca vẽ bằng chất liệu sơn dầu của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Nguồn ảnh: Sotheby’s

Theo chia sẻ từ ông Ace Lê – đại diện Sotheby’s tại thị trường Việt Nam – danh họa Nguyễn Phan Chánh là một trong những tên tuổi tiêu biểu cho mỹ thuật Đông Dương. Ông kế thừa phương pháp tạo hình hàn lâm phương Tây và giao thoa những kỹ thuật này với họa pháp tranh lụa phương Đông, đưa chất liệu này lên đỉnh cao với những kiệt tác kinh điển như bức Chơi ô ăn quan hay Lên đồng.

Bức Người hát dân ca hoàn thiện năm 1930 – thời kỳ sáng tác đỉnh cao của danh họa (từ 1930-1935). Tranh từng được triển lãm ở Hà Nội năm 1930, sau đó được gửi sang Pháp trưng bày vào năm 1931. Theo hồ sơ lưu trữ, tranh được bán cho cặp vợ chồng bác sĩ tại Pháp. Họ truyền tay qua nhiều thế hệ và đến nay, người cháu sống ở vùng nông thôn của gia đình đang sở hữu. Vì độ quý hiếm của tác phẩm, Sotheby’s đánh giá Người hát dân ca là bức quan trọng nhất từng được tung ra thị trường của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Dự kiến tác phẩm sẽ đạt mức giá từ 600.000-900.000 euro (16,5-24,7 tỉ đồng).

Sự chú ý của công chúng trong nước và thị trường nói chung dành cho Người hát dân ca cho thấy cơn sốt tranh Đông Dương vẫn còn; khác với dự đoán của nhiều chuyên gia là từ đầu năm 2024 trở đi, thị trường sẽ tiếp tục lắng đọng, thậm chí ngưng những phiên đấu giá khủng như trước.

Nhiều năm qua, thị trường tranh Đông Dương vô cùng sôi động với nhiều phiên đấu giá ấn tượng, những con số kỷ lục. Tháng 4/2021, nhà đấu giá Sotheby’s Hồng Kông (Trung Quốc) đã gõ búa chốt giá 3,1 triệu USD (hơn 72,7 tỉ đồng) cho bức Chân dung cô Phượng của danh họa Mai Trung Thứ. Con số này xô đổ kỷ lục mà bức Khỏa thân của Lê Phổ lập được vào năm 2019 (1,4 triệu USD). Năm 2022, tranh Đông Dương tiếp tục tạo tiếng vang khi tác phẩm Dáng hình trong vườn của Lê Phổ được chốt với giá 2,29 triệu USD (hơn 53 tỉ đồng). Năm 2023, nhà đấu giá này chốt bức Gia đình trong vườn của danh họa Lê Phổ với mức 2,37 triệu USD (hơn 55 tỉ đồng).

Người hát dân ca được trưng bày cũng nhiều tranh Đông Dương khác tại Hà Nội, năm 1930.  Ảnh tư liệu.

Người hát dân ca được trưng bày cùng nhiều tranh Đông Dương khác tại Hà Nội, năm 1930. Ảnh tư liệu

Càng nhiều tranh Đông Dương được giá cao càng cho thấy trên thị trường, dòng tranh này đang rất giá trị và bắt đầu khan hiếm về số lượng tác phẩm ấn tượng. Cuộc trở về của Người hát dân ca, dù mức giá dự kiến không quá cao, nhưng được kỳ vọng sẽ hâm nóng thị trường tranh Đông Dương trong thời gian tới.

Cơ hội hồi hương rất lớn

Nói về phiên đấu giá ngày 14/6 của Người hát dân ca, ông Ace Lê mong sau gần 1 thế kỷ nơi đất khách, kiệt tác quan trọng này sẽ được về với quê nhà Việt Nam. Hiện chỉ mới dự đoán về giá bán, chưa thể khẳng định danh tính người mua tác phẩm, nhưng niềm tin tranh sẽ hồi hương từ giám tuyển Ace Lê cũng hoàn toàn có cơ sở.

Trước đó, bà Charlotte Aguttes-Reynier – con gái người sáng lập nhà đấu giá Aguttes (Pháp), tác giả cuốn Nghệ thuật hiện đại Đông Dương – tiết lộ rằng dù ở Pháp hay các nước khác, tranh Đông Dương hầu hết gắn liền với các nhà sưu tập gốc Việt. Họ tìm mua tranh vì hiểu giá trị và mong muốn được giữ những tác phẩm thuộc về Việt Nam.

Chính sự hào phóng của những nhà sưu tập gốc Việt đã giúp thị trường Việt Nam được nhiều nhà đấu giá trên thế giới để mắt tới. Đó cũng là lý do Sotheby’s nhiều lần đưa tranh Đông Dương quý hiếm về Việt Nam triển lãm, phục vụ nhu cầu thưởng lãm không chỉ của giới chuyên môn, các nhà sưu tập – đối tượng khách hàng chính – mà còn khai mở mỹ cảm cho sinh viên các trường mỹ thuật. Việc tác giả Charlotte Aguttes-Reynier sang Việt Nam ra mắt sách về mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội và TPHCM cũng cho thấy sự quan tâm nhất định của bà với thị trường tiềm năng này.

Tranh của danh hoạ Mai Trung Thứ cũng sẽ xuất hiện trong phiên đấu giá sắp tới cùng Người hát dân ca. Ảnh: Sotheby’s.

Tranh của danh họa Mai Trung Thứ cũng sẽ xuất hiện trong phiên đấu giá sắp tới cùng Người hát dân ca. Ảnh: Sotheby’s

Tuy nhiên, bà Charlotte Aguttes-Reynier khẳng định, gần đây có tình trạng nhiều nhà sưu tập Việt đấu giá cao nhưng sau đó không thanh toán, khiến các bên khó xử. Hành động này làm xáo trộn thị trường và phía các nhà đấu giá cũng hoàn toàn có lý do để dè chừng, tìm cách yêu cầu khách hàng đặt cọc, bảo hiểm cho khoản đấu giá. Hiện với tình hình kinh tế đang khó khăn, rất có thể sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả của phiên đấu giá sắp tới. Lâu nay, giữa dòng tranh lụa và tranh sơn dầu của Nguyễn Phan Chánh, phần đông công chúng đang biết đến dòng tranh lụa nhiều hơn, vì được ông chuyên tâm, nghiên cứu dài hơn trong sự nghiệp thay vì sơn dầu chỉ trong giai đoạn đầu. Nên với chất liệu sơn dầu, Người hát dân ca vẫn là tác phẩm quý, nhưng có thể chỉ “chạm tới” một số nhà sưu tập thích chất liệu này, không phải số đông đam mê tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.

Dù vậy, sau thời gian khá dài mới có tranh Đông Dương quý được đấu giá trở lại trong thời điểm nhiều tranh giả trôi nổi tại các phiên đấu giá khác nhau, tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh tạo được cú hích nhỏ cho thị trường. Những người yêu tranh đang bàn luận sôi nổi trước khi phiên đấu giá chính thức diễn ra.

Theo An Trịnh/PNO

 

Bình luận (0)