Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tranh đua săn nhân tài ở Đông Nam Á

Tạp Chí Giáo Dục

Samsung của Hàn Quốc hay Toray của Nhật đều có chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học Đông Nam Á, thông qua tài trợ học bổng và cơ hội nghiên cứu để thu hút sinh viên giỏi.

Tranh đua săn nhân tài ở Đông Nam Á
Tranh đua săn nhân tài ở Đông Nam Á

Tháng 12-2015, Đại học Sains Malaysia (USM) – một trong ba trường đại học tổng hợp của Malaysia – đã khánh thành tòa nhà bốn tầng có gắn logo biểu tượng của Tập đoàn Toray chuyên sản xuất các sản phẩm sợi và nhựa.

Theo báo Nikkei, trong ba năm qua Toray đã cung cấp cho USM nhiều suất học bổng và các suất thực tập ngay tại công ty để thu hút sinh viên giỏi. Toray cũng cho sinh viên của USM tham gia thực hiện các nghiên cứu chung trong vấn đề xử lý nước thải của nhà máy cùng nhiều đề tài nghiên cứu khác.

Hiện có gần 70 sinh viên của USM đang làm việc cho Toray.

Nhân giá trị thương hiệu

Hiện Toray đang đối mặt với những thách thức về mô hình kinh doanh các sản phẩm sản xuất hàng loạt. Do đó, những quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học được xem như giải pháp khả thi cho vấn đề này.

Chủ tịch Tập đoàn Toray Akihiro Nikkaku giải thích: “Thay vì cạnh tranh về chi phí sản xuất, chúng tôi phải cạnh tranh bằng giá trị gia tăng, nếu không chúng tôi sẽ không thể tồn tại”.

Tháng 4-2015, Tập đoàn Samsung đã khai trương Học viện Internet of Things tại Đại học Kỹ thuật Melaka (UTEM) của Malaysia. Tháng 6-2015, Tập đoàn công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Công nghệ Malaysia (UTM) về chương trình phát triển cử nhân tài năng.

Tập đoàn Komatsu của Nhật chọn cách đưa các nhà nghiên cứu của mình tham gia giảng dạy cho sinh viên ngành kỹ thuật tại Đại học Gadjah Mada và Viện công nghệ Bandung, hai trường hàng đầu của Indonesia. Một số sinh viên xuất sắc của hai trường này đã được mời tới làm việc tại nhà máy của Komatsu ở Nhật.

Các lãnh đạo của Komatsu không giấu giếm ý định: “Chúng tôi muốn tập hợp được các sinh viên giỏi và nâng cao năng lực hoạt động của công ty tại địa phương sở tại”.

Tại khu vực Đông Nam Á, nếu không kể Singapore, Thái Lan là quốc gia có nhiều chương trình hợp tác nhất, chiếm 17%. Nhưng các doanh nghiệp Mỹ dường như dành nhiều quan tâm hơn tới những nước nói tiếng Anh 
như Philippines.

Dựa trên chất xám

Những nỗ lực hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và các trường xuất phát từ mong muốn của doanh nghiệp đưa công nghệ và học thuật vào quá trình đổi mới công nghệ. Nhu cầu này đang được chào đón tại các nước Đông Nam Á, thậm chí cả cấp chính phủ.

Malaysia đặt mục tiêu gia nhập nhóm các nước có nền kinh tế phát triển vào năm 2020. Theo đó, Bộ trưởng Đại học Idris Jusoh cho rằng mô hình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp mang lại lợi thế lớn, giúp sinh viên có thể học hỏi từ môi trường làm việc thực tiễn của doanh nghiệp thay vì học “chay” trong sách vở.

Trong giai đoạn điều hành của thủ tướng Mahathir Mohamad, Malaysia từng thực thi chính sách “Hướng Đông”, áp dụng cách tiếp cận theo mô hình của Nhật để phát triển nền công nghiệp.

Tuy nhiên, có lẽ chính sự phát triển lệ thuộc quá nhiều vào nhân lực lao động đã khiến Malaysia và các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Và hiện tại những nước này đang chuyển dần sang nền kinh tế công nghiệp dựa trên nền tảng chất xám.

Nhân lực tài năng và các doanh nghiệp thành công luôn có sức hút lẫn nhau, giống như những gì đang diễn ra tại Thung lũng Silicon. Vấn đề đặt ra là liệu mối quan hệ hợp tác mới ba bên giữa các tập đoàn công nghiệp, chính phủ và trường đại học tại Đông Nam Á có thể duy trì được không, nhất là khi chúng chưa tạo ra ngay kết quả tức thì.

Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm, sự kiên trì đeo đuổi mô hình hợp tác này có thể là mấu chốt thành công cho các quốc gia Đông Nam Á trong cả tầm nhìn trung hạn lẫn dài hạn.

Nhật đi đầu

Tháng 1-2015, một khung chương trình hợp tác mới có tên Sáng kiến công nghệ toàn cầu nhằm kéo giới doanh nghiệp và các trường đại học xích lại gần nhau hơn đã được triển khai tại Nhật.

Nhóm hợp tác này gồm 18 thành viên của Nhật, trong đó có các trường đại học, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và các doanh nghiệp như Canon và Toyota Motor.

Ngoài ra còn có tám đại học thuộc các nước trong khu vực Đông Nam Á như Đại học King Mongkut Technology Thonburi của Thái Lan, Đại học Bách khoa Hà Nội của Việt Nam…

Trong số 328 công ty của Nhật thuộc nhóm đối tượng nghiên cứu của báo Nikkei trong năm tài chính năm nay, 1/4 trong đó đã có chương trình hợp tác với các trường đại học châu Á ở phương diện nào đó.

 

D.KIM THOA/TTO

 

Bình luận (0)